Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 6/11 về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, đã cho biết các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.
Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam đưa ra nhận xét đối với phát biểu của người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao như sau:
“Tôi thấy rằng việc Chánh án báo cáo trước Quốc hội là tổng kết công tác tòa án. Còn bây giờ nói trong suốt thời gian, xét xử không có tội (oan) thì nó chưa nói hết những vụ án, có những vụ án trở thành án phạt. Nên tôi thấy việc báo cáo trước Quốc hội thời gian vừa qua chưa có án oan hoặc không có tội thì tôi cho rằng chưa chính xác. Tôi thấy rằng nói như vậy thì chưa mang tính thuyết phục đối với người dân.”
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn lại bày tỏ sự ngạc nhiên về lời phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình:
“Dường như ông không nắm được về tình hình xét xử vụ án hình sự. Trong nhiều năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, hơn nữa những vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Không hiểu tại sao ông lại nói tòa án chưa bao giờ có vụ oan sai như vậy. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long, khá nhiều, trước mắt tôi chưa kể được nhưng thống kê thì xấp xỉ 10 vụ.”
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được thả tự do sau 10 năm ngồi tù vào ngày 5/11/2013.
Sau đó, vào ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long từng 4 lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em đã được tha sau 11 năm tù oan.
Mới đây nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh vào sáng 12/10 vừa qua đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân” với số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng. Vụ án oan vừa nêu đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979. Có hai người đã qua đời không nhận được tiền bồi thường.
Nhận xét về tình trạng án oan tại Việt Nam hiện nay, LS. Đặng Đình Mạnh cho hay án oan không đến nỗi xảy ra quá thường xuyên, nhưng không phải là ít. Ông tiếp lời:
“Trong những vụ án mà tôi tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này, kiểu khác. Mới đây nhất thì vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra chẳng hạn…”
Trong phiên xử vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội.
Cụ thể, có 6 người đã bị cáo buộc tội “Giết người”. Trong đó, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.
23 bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Do đó, khi nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình vào ngày 6/11 trước Quốc hội, chị Oanh, một người dân Đồng Tâm nhận định:
“Vụ việc Đồng Tâm là oan sai 100%. Kể cả phiên tòa ấy nói một đường làm một nẻo, bây giờ kể cả ông Chánh án nói rất hay nhưng những việc làm hoàn toàn trái ngược và không có tính sự thật gì. Nên bây giờ các ông nói thì các ông nghe với nhau còn người dân chả nghe, nghe là người ta bức xúc.”
Một vụ án khác được dư luận quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm.
Đáng chú ý, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm đến nên không làm thay đổi được kết quả phiên tòa.
Nói thêm thông tin về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay:
" Vụ án Hồ Duy Hải thì đúng phương diện pháp lý thì chưa được kết luận là án oan sai nhưng qua quá trình xét xử nhiều cấp tòa, thậm chí ở cấp sau cùng đi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người xem xét vụ án thì chính công chúng cũng chỉ ra một loạt sai phạm mà lẽ ra chỉ cần 1 trong những sai phạm ấy thì vụ án phải được xem xét như án oan sai."
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng vụ án Hồ Duy Hải sẽ còn kéo dài trong thời gian tới:
“Tôi cho rằng việc để kết luận một người có tội hay không thì khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời trước Quốc hội, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải trong thời gian vừa qua thì tại phiên họp Quốc hội vào tháng 6 thì ông Nguyễn Hòa Bình cũng nói rồi, tôi không nhắc lại việc này nhưng mà tôi thấy rằng trong những quy định pháp luật của Việt Nam thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải rút kinh nghiệm là phải thực hành đúng quy định của Luật hình sự Tố tụng.”
Luật sư Hậu cho hay trong quy định pháp luật có quy định rồi nhưng thời gian vừa qua các cơ quan Tiến hành tố tụng đã thực hiện không tốt. Ông cho rằng điều ông vừa nói là hạn chế trong các cơ quan tư pháp và cần phải khắc phục.
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, để giảm tình trạng oan sai thì điều kiện tiên quyết phải bảo đảm để hệ thống xét xử của tòa án được độc lập.
"Cả Hiến pháp và luật Tố tụng đều quy định Tòa án chỉ tuân thủ luật pháp mà thôi, ngoài ra không phải tuân thủ theo nghị quyết hay những cái gì khác. Thực chất ai cũng biết hệ thống tòa án không hề độc lập và họ gần như chịu sự chỉ đạo của những tổ chức ví dụ như Ban điều chính chẳng hạn, là gồm những cơ quan tiến hành tố tụng. Trước khi xem xét một vụ án thì cơ quan điều chính này sẽ xem án trước. Hầu như những cuộc họp như vậy đã chỉ đạo, đưa ra đường hướng xét xử rồi nên toàn án mất đi tính độc lập."
Vì vậy, Luật sư Mạnh cho rằng để bảo đảm sự độc lập thì có lẽ phải có sự tác động ở những cấp lãnh đạo cao nhất.
Trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam đưa ra vào tháng 11/2019 thẩm tra báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tối cáo có nêu rõ số trường hợp xử oan được nói tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, một số đại biểu quốc hội Việt Nam trong phiên thảo luận Quốc hội vào giữa tháng 6 vừa qua cũng cảnh báo rằng niềm tin vào tư pháp Việt Nam đang bị suy giảm.