"Hãy để Trung Quốc ngủ yên, khi nó thức giấc nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới" - Napoleon.
Con sư tử Trung Quốc tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài với những chứng nội thương như “Đại cách mạng văn hoá”, “Đại nhảy vọt…và đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đã bị các nước phương Tây cô lập.
Trước đó, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã “thể hiện sức mạnh” thông qua các chiến trường Triều Tiên, Kim Môn, Mã Tổ để “đọ sức” với Hoa Kỳ. Và Mao Trạch Đông đã dặn lại với hậu nhân “tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển”.
Tiếp nối chính sách của Mao, Đặng Tiểu Bình hiểu những điểm yếu trong sức mạnh Trung Quốc, nên đã đưa ra chính sách “giấu mình chờ thời”. Với chính sách này, “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, Đặng đã đưa kinh tế Trung Quốc đạt được những thành tựu lớn.
Sau Đặng, tới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã nhân sự “lơi lỏng” từ Hoa Kỳ và các đồng minh, cảm thấy rằng mình đã đủ sức mạnh, nên cần “lấy số” với thế giới, và vì thế, Trung Quốc đã “nhe nanh múa vuốt” tại khu vực châu Á, vốn là “sân nhà” của Trung Quốc xưa nay.
Từ năm 2007 trở đi, biển Đông đã trở nên một khu vực chất chứa đầy nguy hiểm rình rập, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, vào tháng 5 hàng năm. Lệnh cấm đơn phương này được Trung Quốc tuyên bố từ 1999 nhưng bắt đầu được Trung Quốc “ra tay” thực hiện từ 2007 trở đi. Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ “vu vơ” của một cá nhân, biến nó thành “một yêu sách trên biển chính thức” của chính quyền Trung Quốc với cái tên gọi “đường lưỡi bò”. Gọi là “yêu sách” nhưng nó chưa bao giờ được Trung Quốc tuyên bố chính thức và công khai, mãi cho tới năm 2009, khi Trung Quốc phản đối Báo cáo mở rộng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, và Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam với Malaysia, thì Trung Quốc mới chính thức “trình làng” lên Liên Hợp Quốc bản đồ có “đường lưỡi bò” đó, nhưng cũng chẳng giải thích nó là cái gì, bản chất pháp lý của nó như thế nào.
Lần lượt các quốc gia đã lên tiếng phản đối “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” này, Việt Nam phản đối ngay sau khi Trung Quốc gửi bản đồ có "đường lưỡi bò” lên Liên Hợp Quốc. Indonesia gửi công hàm chính thức phản đối đường lưỡi bò năm 2010, Philippines gửi công hàm phản đối năm 2011. Còn Hoa Kỳ năm 2014 đã công bố nguyên một báo cáo nghiên cứu về “đường lưỡi bò” này, và đương nhiên, Hoa Kỳ không thể chấp nhận một thứ yêu sách vô lý như vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc biết cách làm thế nào để có thể hiện thực hoá tham vọng trên biển Đông của họ. Trung Quốc cũng rất giỏi để tìm cách xoa dịu và chia rẽ các nước ASEAN. Với các lợi ích khổng lồ từ kinh tế, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục tiến hành chính sách “chia để trị” đối với ASEAN thông qua “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”. Và lần lượt, một số quốc gia ASEAN đã “ngã vào vòng tay Trung Quốc”.
ASEAN dường như đã phân rã thành hai nhóm, một nhóm có lợi ích trực tiếp hoặc liên quan đến biển Đông. Nhóm còn lại không có lợi ích trực tiếp hoặc lợi ích liên quan nào. Nhóm thứ nhất bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Singapore. Nhóm thứ hai bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar.
Các nước láng giềng Đông Dương truyền thống của Việt Nam dần dần đã tiến lại gần Trung Quốc, lánh xa ảnh hưởng của Việt Nam. Campuchia là trường hợp rõ nhất, khi luôn luôn bảo vệ cho các quan điểm và lợi ích của Trung Quốc, thậm chí năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch điều phối ASEAN, nước này đã ngăn cản các Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung có những nội dung liên quan đến biển Đông.
Indonesia vẫn luôn có vai trò tích cực trong ASEAN và vấn đề biển Đông, nhưng cũng có những lợi ích riêng và bị nhiều quốc gia phản ứng với chính sách “đánh chìm tàu”. Indonesia và Việt Nam có những vùng chồng lấn tại vùng đặc quyền kinh tế của cả hai bên, và hai bên cũng vẫn chưa sẵn sàng cho việc phân định. Hậu quả là nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển Indonesia bắt giữ và đánh chìm cho dù nhiều ngư dân Việt Nam khẳng định là họ không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Malaysia thì dưới thời Rajib Narak đã duy trì chính sách ngoại giao được Trung Quốc ca ngợi là “chính sách ngoại giao im lặng”.
Philippines thì dưới thời Duterte áp dụng chính sách “Hướng về Trung Quốc” hòng thu lượm những lợi ích kinh tế to lớn từ quốc gia này.
Tuy nhiên, có vẻ gần đây, các quốc gia ASEAN đang “thức tỉnh” trước các tham vọng “sỗ sàng” từ Trung Quốc.
Ngày 12/10/2019, Malaysia đã chủ động gửi bản yêu sách về thềm lục địa mở rộng của mình lên Liên Hợp Quốc. Với bản yêu sách này, Malaysia đã trực diện bác bỏ “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ngoài ra, Malaysia cũng thông qua đó, gián tiếp thừa nhận Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phân tích của Nguyễn Hồng Thao trên tờ The Diplomats, thì hành động này của Malaysia bao hàm rất nhiều tính toán, trong đó có việc phản ứng lại các hành động quấy phá, sách nhiễu các tàu thăm dò của Malaysia tại khu vực bãi Luconia, vốn thuộc EEZ của Malaysia, đồng thời cũng đặt bước phòng ngừa cho lợi ích của Malaysia trước khi COC được ký kết dưới áp lực của Trung Quốc.
Mới đây nhất thì Indonesia đã tăng cường tàu hải quân và phi cơ chiến đấu tại khu vực Natuna, nơi nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Indonesia. Tổng thống Widodo đã ra tín hiệu rằng Indonesia sẽ không lùi bước trước các hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp tục xuất hiện tại khu vực gần Bãi Tư chính của Việt Nam, nơi các tàu Trung Quốc quấy phá liên tục hồi năm 2019. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia trực tiếp đối đầu với các hành động hung hăng, thù nghịch của Trung Quốc trên khu vực biển Đông.
Báo chí hôm nay cũng cho biết, nhiều tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần khu vực Thị Tứ (thực thể mà Philippines đang chiếm giữ, thuộc Trường Sa).
Những dự đoán cho thấy, trước các áp lực kinh tế suy giảm, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, Tập Cận Bình đang tìm cách hướng các vấn đề nội bộ ra bên ngoài, trong đó, biển Đông là vấn đề thu hút rất lớn dư luận trong nước. Thêm nữa, tình hình thế giới đang phức tạp và bất ổn. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran khiến thế giới nín thở từng ngày. Đồng thời cũng sẽ là cuộc tranh cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, nên sẽ khiến Hoa Kỳ lơi lỏng chú ý ở biển Đông, và đó sẽ là cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục “gặm nhấm” các khu vực trên biển Đông, biến thành sự đã rồi.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang "bừng tỉnh" trước "giấc mộng Trung Hoa" thông qua các khoản đầu tư. Mới đây, Indonesia lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư từ Trung Quốc. [1] Việt Nam thì đang "khóc hận" bởi các chiêu "lẩn tránh thương mại" và có nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ" từ Trung Quốc. Người dân Campuchia thì "khóc ròng" khi các bãi biển Shihanoukvile, Koh Kong tràn ngập các băng đảng tội phạm từ Trung Quốc tràn sang.
Cũng đã đến lúc các quốc gia châu Á, trong đó có ASEAN cần phải thức tỉnh trước các “hấp lực” từ Trung Quốc. Các quốc gia này cần đoàn kết để bảo vệ lợi ích lâu dài của chính họ, chính điều ấy mới có thể bảo vệ được họ trước một con sư tử “sống trong rừng rậm, đói khát lâu ngày, hành xử hoang dã” như Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
[1] https://www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2019/12/13/indonesia-warns-about-bad-side-of-chinese-investments-and-isnt-alone/?fbclid=IwAR1rK03xrtRY17GPGPAfc3-cfZO5lPbgevu79dam8AuvOp36vnI4emSP6G8#9990e5d707e1