Có phải Đảng không tự tin để thông báo sức khỏe ông Trọng?

0:00 / 0:00

Đã hơn 3 tuần kể từ ngày có tin đồn ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngã bệnh và rồi không hề xuất hiện trước công chúng, chỉ có vài cá nhân quan chức lên tiếng về tình hình sức khỏe của ông này; trong khi đó cơ quan trung ương phụ trách sức khỏe cho các lãnh đạo đảng và chính phủ cũng như Ban Bí thư… không hề lên tiếng?

Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, thì đó là thói quen của đảng cầm quyền trong tình cảnh, bối cảnh đảng không tự tin đưa ra thông báo, thông tin và quyết định của mình. Ông đưa ra dẫn chứng:

“Ví dụ như trước đại hội 12, khi mà phe Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị gạt Nguyễn Tấn Dũng thì cũng đưa những cá nhân để thông tin những vấn đề quan trọng của đảng nhưng không phải tổ chức đảng thông báo. Bây giờ thì vấn đề sức khỏe Nguyễn Phú Trọng đã làm cho rất nhiều người không tự tin, nên họ đưa cá nhân thông báo chứ không phải tập thể hay tổ chức thông báo. Thứ hai, khi đưa ra cá nhân thông báo có nghĩa là nếu có chuyện gì, thì cá nhân chịu trách nhiệm chứ không phải tổ chức. Đó là hai lý do vì sao không phải Ban bí thư hay chính phủ thông báo tình hình sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng mà do những cá nhân thông báo.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS một tổ chức độc lập đã tự giải thể từ Hà Nội nhận định:

Bây giờ thì vấn đề sức khỏe Nguyễn Phú Trọng đã làm cho rất nhiều người không tự tin, nên họ đưa cá nhân thông báo chứ không phải tập thể hay tổ chức thông báo.<br/>-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

“Nói thật tôi không quan tâm đến ông Trọng, bởi vì kể từ ngày 14/4 sự nghiệp của ông ấy đã hết rồi. Dẫu có làm việc trở lại thì chỉ là hình thức mà thôi. Thời kỳ ông Trọng đã qua, mà nếu giả sử sức khỏe ông ấy phục hồi tốt và có thể làm việc thì đấy cũng chỉ là một bước quá độ mà thôi.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bà Hằng, bà Ngân hay ông Nhân nói mấy ngày tới ông Trọng sẽ xuất hiện, là có nhiều hàm ý, nếu… ông ấy không xuất hiện… thì lời nói của tôi… Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, điều này có nghĩa là ông Trọng bệnh rất trầm trọng. Nhưng vì đó là bí mật quốc gia, nên những vị đó không đưa ra được nên phải nói bóng, nói gió như thế. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ở một chế độ mà sức khỏe lãnh đạo phải giấu như vậy thì hơi lạ.

Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên từ bỏ đảng nhận định:

“Ở Việt Nam thì việc gì cũng có mục đích chính trị. Chính thức thì chưa có thông báo ông Trọng bệnh, họ chỉ nói sức khỏe không tốt thôi. Nhưng vì dư luận nên họ mới thừa nhận một cách gián tiếp là ông Trọng sắp khỏe. Ở Việt Nam thì mọi thứ không được minh bạch, không được giám sát quyền lực. Ban sức khỏe trung ương không nói theo tôi là vì tiêu chuẩn, thế nào là bệnh, thế nào là khỏi bệnh… chứ không thể nói theo ý thức hệ chính trị. Trong lịch sử, chế độ cộng sản Việt Nam từng nói trái với sự thật như ngày ông Hồ Chí Minh chết, chỉ vì mục đích chính trị, an dân, dẹp dư luận… định hướng dư luận theo kiểu tuyên huấn.”

Còn Nhà báo Chu Vĩnh Hải thì cho rằng, luật của Việt Nam, giống như luật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước cộng sản trước đây, coi sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia. Cho nên việc họ không thông báo cặn kẽ sức khỏe người đứng đầu thì cũng là chuyện bình thường.

Từ ngày 14/4/2019, trên mạng xã hội lan truyền thông tin ông Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện khẩn cấp khi đang làm việc ở Kiên Giang. Các thông tin từ các Facebookers chuyên đưa tin về chính trường Việt Nam cho biết ông bị chảy máu não. Tuy nhiên, báo chí nhà nước khi đó không có bất cứ thông tin gì khẳng định hay phản bác tin này.

Mãi đến ngày 25 tháng 4, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bà Lê Thị Thu Hằng, mới chính thức thừa nhận Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không được khỏe.

Sau đó, đến ngày 26/4, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng cho biết sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi tốt và sẽ sớm trở lại làm việc.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:

“Tôi nhớ cách đây vài ba năm có một ông cỡ bộ trưởng trở lên từng nói sức khỏe lãnh đạo phải công khai, có gì mà cần bí mật. Mãi đến năm ngoái thì có luật sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia. Vì vậy không ai dám nói về sức khỏe ông Trọng, mãi cho đến khi dư luận lên tiếng nhiều quá thì bà Hằng, bà Ngân… mới lên tiếng về vấn đề này. Nhưng tôi rất ngạc nhiên là đã luật hóa mà bây giờ lại nói, tức là 3 người cấp cao trong bộ máy nhà nước đã vi phạm làm lộ bí mật quốc gia!? Điều này giống như gậy ông đập lưng ông.”

Và thông tin làm mọi người tin rằng Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hồi phục sức khỏe khi vào chiều ngày 27/4, Ban Chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát ra thông báo, ông Trọng sẽ làm trưởng ban lễ tang đại tướng Lê Đức Anh diễn ra vào hai ngày 3 và 4 tháng 5 năm 2019.

Tuy nhiên đến ngày diễn ra tang lễ nguyên Chủ tịch nước Đại tướng Lê Đức Anh, ông Trọng vẫn không xuất hiện cho đến hôm nay. Thay vào đó Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là trưởng ban Lễ tang.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ cử tri ở quận 3 hôm 7/5/2019.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ cử tri ở quận 3 hôm 7/5/2019. (Courtesy VietnamFinance)

Thông tin mới nhất về sức khỏe ông Trọng được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khi trả lời cử tri ở quận 3 hôm 7/5/2019 rằng, sức khỏe của ông Trọng đang ngày càng tốt lên. Tuy nhiên ông Nhân nói: "Chúng ta cũng biết về sức khỏe thì mỗi người có một mức độ khác nhau, chúng ta không thể tự đưa ra một thời hạn nhất định nào được. Nhưng tôi tin rằng cử tri sẽ sớm thấy đồng chí Tổng bí thư xuất hiện làm việc."

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định về phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân:

“Với tính rụt rè, cố thủ của ông Nguyễn Thiện Nhân không dám nói một vấn đề nhạy cảm nào trước khi có ý kiến chỉ đạo. Điều này cho thấy đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, mà Nguyễn Thiện Nhân là một thành viên trong Bộ Chính trị. Điểm thứ hai là có nội dung rất đặc biệt, trong thông tin về sức khỏe ông Trọng, mặc dù ông Nhân có đề cập là ông Trọng sẽ sớm trở lại làm việc như, như nội dung được bà Hằng và bà Ngân thông báo trước đây, nhưng lại có thêm nội dung là ‘về mức độ phục hồi thì mỗi người một khác và không thể nói trước được’. Cách nói mập mờ này đã gián tiếp khẳng định là Nguyễn Phú Trọng không thể sớm trở lại làm việc được, và tình hình sức khỏe của ông Trọng khá là tồi tệ.”

Theo ông Dũng, điều này đang hợp lý với việc đã hơn 3 tuần qua kể từ ngày 14/4 khi ông Trọng bị bạo bệnh ở Kiên Giang, vẫn chưa thấy hình ảnh hay video nào của ông Trọng. Điều này theo ông làm cho người ta rất nghi ngờ khả năng tập đi và tập nói của ông Trọng là chưa tới đâu cả.

Từ ngày 14/4 sự nghiệp của ông ấy đã hết rồi. Dẫu có làm việc trở lại thì chỉ là hình thức mà thôi. Thời kỳ ông Trọng đã qua, mà nếu giả sử sức khỏe ông ấy phục hồi tốt và có thể làm việc thì đấy cũng chỉ là một bước quá độ mà thôi.<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Một điểm đáng chú ý khác theo ông Dũng, trong phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân vừa qua, là ông Nhân gọi ông Trọng là là Tổng bí thư, nhưng không kèm theo chức danh chủ tịch nước. Trong khi đó kể từ sau tháng 9 năm 2018, kể từ khi ông Trọng thay thế ông Quang ngồi vào ghế Chủ tịch nước, thì tất cả các kênh từ đảng đến chính quyền đều gọi ông là Tổng bí thư- Chủ tịch nước. Nhưng vì sao lần này Nguyễn Thiện Nhân lại bớt đi chức danh Chủ tịch nước của Nguyễn Phú Trọng, đó là sự vô tình hay chủ ý của Nguyễn Thiện Nhân? Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói tiếp:

“Việc ông Nhân nói thiếu chức danh này liệu có liên quan đến một động thái khác trong lễ tang của ông Lê Đức Anh, khi đó Trưởng ban tổ chức lễ tang Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khi giới thiệu quan chức tham dự lễ tang đã đọc Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân, chứ không phải Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây có phải là một sự nhầm lẫn của ông Trương Hòa Bình? Theo tôi đây là một sự nhầm lẫn ám ảnh, hoặc là một sự nhầm lẫn tiềm thức.”

Theo ông Dũng, có thể đã có ý sắp xếp người kế nhiệm cho ông Nguyễn Phú Trọng, và phải chăng Bộ Chính trị đã có phương án bà Ngân sẽ làm Chủ tịch nước, cho nên ông Trương Hòa Bình đã ám ảnh về phương án đó. Và điều đó theo ông Dũng cũng ảnh hưởng đến phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân về sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng.

Nếu tình trạng ông Trọng tồi tệ về sức khỏe, khả năng tập đi tập nói chưa tới đâu, thì ông Trọng khó có thể tham dự hội nghị trung ương 10,. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch nhân sự của ông Trọng? Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, hai ứng viên sáng giá nhất hiện nay có thể thay thế ông Trọng là thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó ông Vượng được sự ủng hộ của ông Trọng hơn. Và nếu như sức khỏe ông Trọng nói theo cách của ông Nhân là chưa biết chừng nào phục hồi, hay nếu ông Trọng không xuất hiện ở hội nghị trung ương 10, thì liệu ông Vượng có bị gạt đi hay không? Hay chỉ là hoãn hội nghị trung ương 10 nếu không có ông Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?