“Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số, đồng thời có nhiều doanh nghiệp viễn thông và Công nghệ Thông tin (CNTT) mạnh. Đây là lúc phát huy để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đại dịch COVID-19 vừa qua là cơ hội và ‘cú hích trăm năm’ để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia, cả kinh tế, xã hội, cả nhà nước, doanh nghiệp, cả cộng đồng và người dân.”
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm của ngành TT&TT, được tổ chức ở Hà Nội sáng ngày 6 tháng 7 năm 2020.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 7 năm 2020, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV cho biết, thời gian vừa qua ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, thậm chí nó còn tạo ra cơ hội mới cho lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam. Trong mấy tháng cách ly xã hội, các công ty công nghệ như BKAV phải hoạt động gấp đôi ngày thường, để cung cấp ra các dịch vụ như họp trực tuyến, học tực tuyến, hay những công việc phục vụ chống dịch. Liên quan phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ông nhận định:
“Tôi cũng nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bởi vì như đã biết, Việt Nam hiện không phải là nền kinh tế phát triển, do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sử dụng công nghệ để phát triển kinh tế thì chắc chắn như những nước phát triển. Thế thì vấn đề nằm ở đâu khi đội ngũ các bạn trẻ yêu thích công nghệ, yêu thích toán học rất nhiều, rất là có tiềm năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên nhận thức của nhà nước chưa tương xứng, nhưng qua đợt dịch này thì nó là một cú hích thật sự, nó thay đổi toàn bộ suy nghĩ của xã hội, kể cả người dùng Việt Nam về lĩnh vực công nghệ. Vừa rồi, tất cả học sinh học online, các phụ huynh cũng tham gia vào việc đó, họ cảm thấy nó rất tốt, trong khi lúc trước thì không thể nào vận động họ như vậy.”
Cơ hội sẽ đi kèm thử thách, cơ hội đến càng nhiều thì thử thách sẽ càng nhiều. Nhà nước muốn làm được thì phải đáp ứng được, cố gắng làm nhưng chưa chắc làm được, đâu thể khẳng địch 100% là như vậy được.<br/>-Diệp Quang Văn
Cũng tại Hội nghị của ngành Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu cho rằng, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành cần tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số, áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số...
Ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty Công nghệ Thông tin ở Bình Dương, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 7 năm 2020, nhận định:
“Về mảng công nghệ thông tin của mình thì không bị ảnh hưởng, vì làm việc tại chỗ, bản thân đã cách ly... khách hàng cũng có thể sử dụng, làm việc từ xa. Càng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì người ta càng tìm cách lên mạng, mua bán trên mạng, nên nó hoạt động mạnh mẽ hơn những lúc bình thường. Bên mình thì hiện chưa có cú hích gì mới, nhưng có lẽ nhà nước thấy được cái hướng để đầu tư pháp triển.”
Ông Diệp Quang Văn cho rằng nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đi đúng hướng và cũng không phải là lố hay sai... Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Cơ hội sẽ đi kèm thử thách, cơ hội đến càng nhiều thì thử thách sẽ càng nhiều. Nhà nước muốn làm được thì phải đáp ứng được, cố gắng làm nhưng chưa chắc làm được, đâu thể khẳng địch 100% là như vậy được. Chuyện muốn làm và kết quả khi thực hiện là hai câu trả lời hoàn toàn khác nhau.”
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra những phát biểu màu hồng, lạc quan. Trước đây ông và các vị lãnh đạo Việt Nam từng cho rằng Việt Nam sẽ thành cường quốc CNTT, hay cường quốc an ninh mạng... hay ca tụng về các cổng thông tin trực tuyến của các cơ quan bộ ngành đã đem đến sự tiện lợi cho người dân.
Thậm chí, ông Vũ Thanh Lưu Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp, còn cho rằng, có đến hơn 98% người dân được khảo sát trong năm 2019 cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công trực tuyến.
Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định về việc chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua:
“Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới làm được.”
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tử Quảng, trong giai đoạn vừa qua, chính phủ Việt Nam đã thay đổi nhận thức. Tức là vì tình huống dịch Covid-19 nên chính phủ đã sử dụng công nghệ thông tin trong đợt dịch để họp hành, hay chống dịch... nó giúp thay đổi nhận thức của những người lãnh đạo cấp cao nhất, vì vậy họ sẽ để ý hơn đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Chẳng hạn như vừa rồi, chính thức chính phủ ra chính sách về chuyển đổi số quốc gia, đó sẽ là cơ sở để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận cũng còn hạn chế, còn một số doanh nghiệp công nghệ thông tin nhỏ gặp khó khăn, vì việc đầu tư bị gián đoạn, bị giảm sút, nên sẽ có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Nhận thức của nhà nước chưa tương xứng, nhưng qua đợt dịch này thì nó là một cú hích thật sự, nó thay đổi toàn bộ suy nghĩ của xã hội, kể cả người dùng Việt Nam về lĩnh vực công nghệ.<br/>-Nguyễn Tử Quảng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, các đơn vị trong ngành Truyền thông, Thông tin phải có một sứ mệnh mới, 6 tháng đầu năm là tập dượt, 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên, chuyển đổi số để giúp đất nước bứt phá vươn lên...
Thực tế Việt Nam có cơ sở để thực hiện ước mơ như Bộ trưởng Hùng mong muốn?
Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc khi trao đổi với RFA cho rằng, muốn chuyển đổi đòi hỏi rất nhiều yếu tố và thời gian, ông nói tiếp:
“Cái này nó có nhiều khía cạnh trong đó, nó không chỉ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, mà nó còn liên quan đến pháp luật và tư duy của người Việt trong nước, chứ không phải muốn tuyên bố cái gì thì nó có cái đó. Không có một chính sách nhất quán, thì không thể nào nó có thể phát triển công nghệ thông tin như một công tắc ‘switch on switch off’ được. Rào cản tâm lý cho người trong nước là tự nhiên họ sẽ e dè, họ thấy cái luật an ninh mạng như cái thòng lòng treo lơ lửng trước mặt họ. Họ thấy chuyện gì họ cũng có thể dính vô luật an ninh mạng thì làm sao họ có thể có tự do để sáng tạo và phát triển được, thì làm sao mở cửa để phát triển được?”
Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, phải thay đổi cơ chế, thậm chí phải thay đổi cả một chế độ thì mới có thể thực hiện như lời các vị lãnh đạo Việt Nam tuyên bố, nếu không thì sẽ vẫn tiếp tục như từ trước đến giờ. Theo ông Diêu, không biết bao nhiêu ông lãnh đạo cứ tuyên bố trong vòng 10 năm, 20 năm sẽ thế này thế kia… nhưng cho đến bây giờ những thứ đã tuyên bố đó vẫn chưa thấy thực hiện được.
Từ Na Uy hôm 8/7, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA qua tin nhắn liên quan vấn đề này:
" Đúng là đại dịch Covid-19 cùng với việc giãn cách xã hội thúc đẩy các cơ quan và tổ chức dùng nhiều hơn các ứng dụng để làm việc cùng nhau qua Internet. Tuy vậy, sẽ là một sự lạc quan quá trớn nếu cho rằng đại dịch có thể cung cấp một cú hích trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số.
Có vài khó khăn mang tính cấu trúc và hệ thống mà những nước đang phát triển thường đối diện khi thực hiện chuyển đổi số và do đó nó khiến cho việc chuyển đổi không thể nhanh, cũng không thể toàn diện mà việc chuyển đổi là một quá trình tiệm tiến, lan toả từ từ, từng bước một.
Thứ nhất là hạ tầng viễn thông và Internet. Ở các thành phố lớn, mạng Internet đã dần trở nên phổ biến, tuy vậy, ở các vùng xa hơn việc tiếp cận được Internet tốc độ ổn định vẫn còn là một điều thách thức.
Thứ hai đó là thói quen và điều kiện để tiếp cận được mạng Internet. Việt nam có một lợi thế là một nửa dân số là trẻ và thành thạo với việc sử dụng máy vi tính và mạng Internet. Tuy vậy đối với một nửa dân số lớn tuổi còn lại, việc sử dụng máy vi tính và các ứng dụng kỹ thuật số là một thách thức cực kỳ lớn đối với họ. Đó là chưa kể nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện để có một cuộc sống cơ bản bình thường, và mạng Internet là một điều quá xa xỉ đối với họ.
Thứ ba đó là đội ngũ nhân lực để phát triển những hệ thống số ứng dụng cho quốc gia. Việc một vài tổ chức dùng các ứng dụng số để thực hiện các hoạt động thường nhật của mình như phối hợp làm việc, hay giảng dạy trực tuyến… chỉ là phần nổi của việc áp dụng các ứng dụng. Trong khi đó, việc lập trình và triển khai các ứng dụng kỹ thuật số trên bình diện quốc gia đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu hơn gấp nhiều lần. Nó cần những công ty lập trình các ứng dụng, các công ty khác lưu trữ và xử lý dữ liệu…Và để có được một lực lượng nhân lực như vậy, chính phủ cần phải nuôi dưỡng và hỗ trợ trong rất nhiều năm."
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, rào cản cuối cùng đó là lực lượng công chức. Không phải tất cả các công chức đều có thể sử dụng thành thạo máy vi tính và các thành phần ứng dụng. Và việc đào tạo họ để làm quen với máy tính không phải là một việc dễ dàng. Đó là chưa kể có những trường hợp các công chức cố tình ngăn cản việc triển khai các hệ thống ứng dụng số vì lo ngại rằng một khi các ứng dụng như vậy đưa vào làm việc thì cơ hội để các nhân viên lợi dụng tham nhũng sẽ không còn nữa.
Cho nên Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam việc chuyển đổi chỉ có thể diễn ra một cách từ từ và từng khu vực.