Truyền thông Nhà nước mới đây dẫn bài viết của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ca ngợi cái gọi là 'những dấu ấn về Đảng lãnh đạo văn hóa'. Bài viết cho rằng: ‘dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa’.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 6/3/2024:
“Đảng lãnh đạo qua bộ máy của Đảng, cụ thể văn hóa là Ban Tuyên giáo. Chỉ cần thấy thỉnh thoảng chỉ thị của Ban Tuyên giáo đưa xuống các tờ báo không được đưa tin này, không được đưa tin kia… thì ta biết họ lãnh đạo theo tiêu chuẩn văn hóa rất cũ và họ ‘chống’ cũng theo tiêu chuẩn rất cũ.”
Người dân có một nhu cầu văn hóa khác, mà Đảng lại muốn một con đường khác.
-Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng
Nhìn chung ông Dũng cho biết, ông không có hy vọng gì vào sự lãnh đạo văn hóa của đảng. Ông nói tiếp:
“Người dân có một nhu cầu văn hóa khác, mà Đảng lại muốn một con đường khác. Mà cái đó là những việc hằng ngày đã đập vào mắt người dân, chẳng hạn như những chuyện mê tín dị đoan xảy ra rất gai mắt, nhưng chính quyền hoàn toàn bỏ lơ. Mặc dù việc vi phạm pháp luật rất rõ, mê tính dị đoan rất rõ, những chuyện gần đây như ‘cúng vong’, ‘ấn đền Trần’… tất cả những cái đó hằng ngày đều diễn ra.”
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi tham dự Hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương diễn ra vào ngày 4/1/2024 từng nói “Xây dựng đời sống văn hóa phải xuất phát từ nhu cầu của người dân”.
Thực tế văn hóa do Đảng lãnh đạo có là nhu cầu văn hóa của người dân? Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nói:
“Những chủ trương chính sách của Nhà nước thì có thể nói thẳng họ sử dụng văn hóa để tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước. Thực sự mà nói đến vấn đề nhu cầu văn hóa của người dân thì rất cần, nhưng chủ trương của Nhà nước thì tôi thấy có vẻ là văn hóa lồng ghép với chính trị để tuyên truyền thôi, chứ thực sự nhu cầu của người dân họ không quan tâm, tôi chưa thấy giải quyết vấn đề này.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết Việt, khi trả lời RFA từng cho rằng, nói về văn hóa thì trước hết phải nâng cấp trình độ văn hóa của lãnh đạo. Mà muốn giới lãnh đạo học được thì theo ông Mai là phải cho phép báo chí tư nhân thoải mái đưa tin. Có như vậy, lãnh đạo mới hiểu, cập nhật được… văn hoá.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA hôm 6/3/2024 cho rằng, một trong những tính chất quan trọng của văn hóa là tính đại diện. Theo ông Già, có ba giai đoạn của văn hóa Việt Nam để nói về tính đại diện:
“Thứ nhất là trước năm 1975, đại diện văn hóa trong giai đoạn này qua hai thảm nạn rất lớn, đó là ‘cải cách ruộng đất’ và ‘nhân văn giai phẩm’. Hai thảm nạn này đã gây ra những chết chóc, điêu tàn cho miền Bắc trước đây và nó hoàn toàn gần như phá hủy phẩm giá người Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này coi như là không có một chút gì là văn hóa nữa.”
Văn hóa Việt Nam ngoài không có nguồn cội, nó không có lòng nhân đạo, không có lòng nhân ái… Ông Già cho rằng, văn hóa Việt Nam gần một trăm năm qua dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nền văn hóa "lạc loài".
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Giai đoạn hai theo ông Già là sau năm 1975, là thời điểm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và đại diện cho tính văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn này là “đổi tiền, tù cải tạo đối với người lính Việt Nam Cộng Hòa, thảm nạn thuyền nhân và đánh tư sản mại bản”… Ông Già cho rằng, giai đoạn văn hóa sau 1975 này đã đánh sập nền kinh tế hai mươi năm của Việt Nam Cộng Hòa và nó đánh tan luôn văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Giai đoạn ba sau 1995, đây là cột mốc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và lập lại ban giao với Việt Nam. Tính đại diện của văn hóa ở giai đoạn này thể hiện qua các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư, du lịch, du học, xuất khẩu lao động… Giai ba kéo dài đến hiện nay có thể nói kinh tế phát triển hơn nhờ bãi bỏ cấm vận của Hoa Kỳ là yêu tố quan trọng. Văn hóa cũng có khởi sắc, tuy nhiên không đáng kể so với sự xuống cấp trầm trọng về văn hóa. Đặc trưng văn hóa của giai đoạn này là một nền văn hóa lai căng, đua đòi, vong bản...”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, về văn hóa dưới sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam trong gần một trăm năm qua là một nền văn hóa không có nguồn cội, bởi vì dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đấu tranh giai cấp chuyên chính vô sản, chứ không bàn về xây dựng văn hóa theo một mô thức nào hay theo tư tưởng nào.
Thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, văn hóa Việt Nam ngoài không có nguồn cội, nó không có lòng nhân đạo, không có lòng nhân ái… Ông Già cho rằng, văn hóa Việt Nam gần một trăm năm qua dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nền văn hóa “lạc loài”.