Dự toán của các địa phương về kinh phí bầu cử năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ 1.444 tỉ đồng phục vụ công tác bầu cử năm 2016.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đưa ra khi báo cáo trước Quốc hội hôm 25/3 về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Phúc cho biết, đó là dự toán của 51/63 ủy ban bầu cử các tỉnh, thành và 2 cơ quan trung ương.
Nếu tổng hợp các yếu tố làm tăng, giảm chi phí bầu cử năm 2021 so với chi phí bầu cử 5 năm trước... thì tăng tối đa cũng chỉ 37,5%, tức khoảng 2.000 tỉ. Nếu dự toán chi phí bầu cử năm 2021 tăng gấp 2,6 lần, tức khoảng 3.754 tỉ, vượt mức cần thiết 1.985 tỉ là quá phi lý!
-Anh Quang
Anh Quang, một người dân miền Trung quan tâm vấn đề này, khi trả lời RFA hôm 26/3 cho biết, năm 2021 số lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp được bầu, về cơ bản thì không có thay đổi so với năm 2016. Về dự toán chi phí bầu cử năm 2021 ở Việt Nam, theo anh Quang, có ba yếu tố làm tăng và một yếu tố làm giảm chi phí so với bầu cử năm 2016:
“Ba yếu tố làm tăng chi phí gồm:
-Trượt giá: Bình quân mỗi năm lạm phát 4-4,2%.
-Dân số tăng bình quân 1,3%, tương ứng với số dân đến tuổi đủ điều kiện đi bầu theo Luật Bầu cử. Có nghĩa là chi phí kê khai, in ấn thẻ cử tri, in ấn danh sách cử tri... cũng sẽ tăng 1,3% so với năm 2016.
-Dự phòng chi 10%, là tỉ lệ phải có, dùng để chi phí cho những tình huống không lường trước, không có trong kế hoạch, nhưng có thể sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện. Sau khi bầu cử kết thúc, nếu 10% này không chi hết thì phải hoàn lại ngân sách chứ không được chi vào mục đích khác.”
Còn yếu tố làm giảm chi phí so với năm 2016, theo anh Quang, hiện nay Nhà nước đang làm thí điểm ở một số tỉnh, thành phố bỏ bầu HĐND cấp xã-phường, chỉ bầu cấp huyện và thành phố. Như vậy, chi phí bầu cử đối với những địa phương này sẽ giảm hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, vì chỉ làm thí điểm ở một số địa phương nên anh Quang cho rằng có lẽ chi phí sẽ giảm không đáng kể. Anh Quang kết luận:
“Như vậy, nếu tổng hợp các yếu tố làm tăng, giảm chi phí bầu cử năm 2021 so với chi phí bầu cử 5 năm trước... thì tăng tối đa cũng chỉ 37,5%, tức khoảng 2.000 tỉ. Nếu dự toán chi phí bầu cử năm 2021 tăng gấp 2,6 lần, tức khoảng 3.754 tỉ, vượt mức cần thiết 1.985 tỉ là quá phi lý! Những điều tôi vừa phân tích ở trên là nói trên bình diện quốc gia... các tỉnh, thành phố có thể có chi phí cao hoặc thấp khác nhau. Song, bình quân chung cả nước là như thế!”
Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, có 496 đại biểu. Theo Nghị quyết số 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/1/2021, dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 đại biểu.
Cũng tại buổi báo cáo trước Quốc hội hôm 25/3 về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phúc cho biết, trong năm 2016 đã phân bổ khoảng 1.444 tỉ đồng; nhưng số quyết toán ngân sách trung ương năm 2016 còn thấp hơn... tổng cộng khoảng 1.373 tỉ đồng.
Trong khi dự toán năm 2021 kinh phí bầu cử tới hơn 3.750 tỉ đồng, liệu có hợp lý?
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA hôm 26/3, nhận định:
“Thông thường các địa phương dự toán lên cao hơn mức được duyệt cũng là theo truyền thống. Các nhiệm kỳ họ đề xuất các khoảng chi thường lớn hơn, nhưng khi các cơ quan chức năng duyệt thì thường người ta tính toán cụ thể theo tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, để tiết kiệm ngân sách. Cho nên thường người ta cắt giảm cũng tương đối lớn so với dự toán, trừ một số trường hợp đặt biệt thì có bổ sung thêm. Thông thường kinh phí này không bao giờ cấp trên duyệt theo dự toán của đơn vị. Con số dự toán của cơ sở thì thường vống lên, tăng rất nhiều so với trước. Nhưng sau này con số thực tế chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều so với dự toán ban đầu.”
Tuy nhiên, nhà hoạt động Trần Bang, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 26/3, cho biết, ông không rõ Chính phủ có chính xác trong tăng chi phí và lập dự toán hay không... Nhưng theo ông Bang, rõ ràng nếu dùng tiền của dân mà ‘bầu cử giả’ thì rất lãng phí. Ông giải thích:
“Bởi vì một đảng, không có đảng cạnh tranh thì bầu cử làm gì, tất cả do Đảng quy hoạch, sắp xếp hết. Kể cả bây giờ họ có cho tự do ứng cử, hiện nay có khoảng bảy mươi mấy người tự do ứng cử. Nhưng những ban kiểm phiếu, hiệp thương ở địa phương đều do Đảng lãnh đạo sắp xếp ai được thì người đó được. Thế thì rõ ràng khi Đảng lãnh đạo, không có báo chí tự do, không có đảng khác cạnh tranh, không được lập hội nhóm độc lập với Đảng Cộng sản... thì mọi cuộc bầu cử dù tốn một đồng tôi cũng thấy lãng phí, chứ đừng nói đến gần 4.000 tỷ là vô cùng lãng phí của nhân dân. Trong khi dân đang thiếu thốn trường học, bệnh viện, người nghèo không có tiền chữa bệnh, đi học... rất là lãng phí.”
Khi đảng lãnh đạo, không có báo chí tự do, không có đảng khác cạnh tranh, không được lập hội nhóm độc lập với đảng cộng sản... thì mọi cuộc bầu cử dù tốn một đồng tôi cũng thấy lãng phí, chứ đừng nói đến gần 4.000 tỷ là vô cùng lãng phí của nhân dân.
-Trần Bang
Tính đến hết ngày 14/3, Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử do nhà nước giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử.
Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, được bầu vào ngày 22 tháng 5 năm 2016, theo Hội đồng Bầu cử quốc gia có 21 người ngoài Đảng trúng cử ĐBQH, chỉ chiếm 4,20%.
Vào năm 2016, khi diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, đã xuất hiện một phong trào tự ứng cử bởi các ứng viên độc lập vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc ở Việt Nam.
Khi đó, các ứng cử viên ĐBQH tự do đã gặp rất nhiều khó khăn khi làm hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14... Những việc như tự làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập... Ngoài ra, ứng viên còn bị kỷ luật vì đã đi biểu tình chống Trung Quốc, bị cho là gây rối trật tự.
Mặc dù những người tự ứng cử thật sự ngoài Đảng khi đó đều không trúng cử, tuy nhiên hành động tự ứng cử ĐBQH của họ được cho là một thành công cho những người muốn thực thi quyền công dân, dân chủ.