Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào ngày 14/7 vừa ban hành Quyết định số 1227, phê duyệt danh sách 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù, hiện sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.
Cụ thể, 32 dân tộc khó khăn bao gồm: Hmong, Xtiêng, Gia-rai, Dao, Nùng, Tày, Sán Chay, Lào, Giáy, Giẻ-Triêng, Mường, Ba-na, Hrê, Chăm, Ê-đê, Cơ-ho, Khơ-me, Mạ, La Hủ, Phù Lá, La Chí, Kháng, Hà Nhì, Xinh-mun, Co, Ta-ôi, Cơ-tu, Khơ-mú, Bru-Vân Kiều, Mnông, Ra-glai, Xơ-đăng... Còn các dân tộc có khó khăn đặc thù được phê duyệt được tiếp tục thụ hưởng các chính sách áp dụng đối với các dân tộc thiểu số rất ít người đã ban hành và còn hiệu lực.
Theo Ủy ban Dân tộc Việt Nam, nước này là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam, với 78,32 triệu người. 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 14,6% dân số. Trong đó, 96% các dân tộc thiểu số nói tiếng mẹ đẻ của họ.
Lâu nay những chương trình hỗ trợ ‘xóa đói, giảm nghèo’ được Chính phủ Việt Nam tuyên truyền là thành công, giúp người dân thoát nghèo, không tái nghèo... Nhưng vì sao lại còn nhiều người dân tộc thiểu số khó khăn như vậy?
Thật ra thì đúng là có sự khác biệt, ai cũng nhận thấy giữa dân tộc thiểu số và đa số có sự khác biệt rất lớn về đời sống kinh tế và các điều kiện hạ tầng cơ bản.
-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 16/7 cho rằng:
“Thật ra thì đúng là có sự khác biệt, ai cũng nhận thấy giữa dân tộc thiểu số và đa số có sự khác biệt rất lớn về đời sống kinh tế và các điều kiện hạ tầng cơ bản. Nó cũng tương tự như sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị, vì dân tộc ít người thường sống ở vùng sâu vùng xa có điều kiện hạ tầng không thuận lợi. Tuy nhiên những năm gần đây nhà nước cũng có nhiều chương trình như chương trình nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giúp đời sống người dân tộc thiểu số thay đổi.”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho biết thêm về các chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số của Chính phủ Việt Nam:
“Các chính sách thì thường chung thôi, dân tộc nào cũng được hưởng theo một chính sách. Bên cạnh đó còn có các chương trình, như gần đây có chương trình hỗ trợ cho các dân tộc rất ít người, tức là số người rất ít thì có một chương trình riêng. Những dân tộc đó còn được hưởng nhiều hơn so với các dân tộc khác. Tôi thấy nó cũng nhằm vào các đối tượng cụ thể, đem lại hiệu quả hỗ trợ nhất định.”
Theo UNDP Việt Nam, dù Việt Nam đã có những kết quả về ‘xóa đói giảm nghèo’, nhưng chưa bền vững; tình trạng tái nghèo tại Việt Nam còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong năm 2020, tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Một người dân tộc ở Tây Bắc (giấu tên vì lý do an toàn) khi trả lời RFA nói:
“Không có hỗ trợ, như chú trên 3,4 hecta, nhưng Nhà nước có tài trợ gì đâu, phải trồng rừng thì Nhà nước mới hỗ trợ. Mình cũng trồng rừng mà Nhà nước có hỗ trợ đâu? Nếu mà trồng cây theo họ thì Nhà nước hỗ trợ 70% vốn để trồng? Chứ không phải tự tiện trồng được đâu. Cái tốt nhất là ưu tiên khai thác gỗ, nhưng ở đây Nhà nước không cho khai thác.”
Một người dân giấu tên ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn nói với RFA:
“Ở đây bà con nghèo lắm, chủ yếu là làm ruộng thôi. Ai làm kinh tế thì nuôi những con vật trâu, bò, nuôi ít thôi, làm để cải thiện kinh tế gia đình thôi. Nói chung khá giả không có, hầu như là không có, đa số là hộ nghèo…”
Theo Ngân hàng Thế giới - World Bank, người dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số của Việt Nam nhưng chiếm tới 70% nhóm đối tượng cực nghèo. Trong những năm tăng trưởng nhanh của Việt Nam, người dân tộc thiểu số đã có mức sống được cải thiện, song thành quả được hưởng vẫn còn kém xa so với dân tộc chiếm đa số là người Kinh.
Vấn đề hiện nay là đồng bào các dân tộc thiểu số thì thường thiếu đất. Mọi người cũng nhìn thấy rõ là hiện nay tỷ lệ đói nghèo nói chung của cả nước là giảm, nhưng tại vùng các dân tộc thiểu số thì lại tăng.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 16/7, cho biết vấn đề của người dân tộc thiểu số là thiếu đất sản xuất:
“Vấn đề hiện nay là đồng bào các dân tộc thiểu số thì thường thiếu đất. Mọi người cũng nhìn thấy rõ là hiện nay tỷ lệ đói nghèo nói chung của cả nước là giảm, nhưng tại vùng các dân tộc thiểu số thì lại tăng. Từ năm 2005, Chính phủ đã có chương trình để giải quyết đất cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên, sau đó có mở rộng cho các vùng khác như Khmer Nam Bộ, Tây Bắc... Tuy nhiên do hạn chế ngân sách và lại không đi theo đúng hướng, cho nên không hiệu quả. Gần đây Quốc hội có thông qua một nghị quyết quan trọng, rà soát lại đất của các nông lâm trường quốc doanh, nếu sử dụng không hiệu quả, hay thừa đất thì chia lại cho người dân tộc.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng tinh thần của nghị quyết này rất tốt. Tuy nhiên theo ông, đến khi triển khai thực tế lại không hiệu quả. Ông nói:
“Có một số nông lâm trường quốc doanh có chuyển lại đất cho địa phương, rồi chuyển cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng người dân tộc thiểu số lại nói rằng đất không màu mỡ, không dùng được, rồi lại ở xa khu dân cư quá... Câu chuyện là làm sao sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường trước đây, vẫn là địa phương không làm giống được như chủ trương của trung ương đặt ra.”
Ngân hàng Thế giới - World Bank cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghèo cao của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam là do bị cách biệt về địa lý và hạn chế trong tiếp cận thị trường, bị cô lập về mặt xã hội, yếu tố văn hóa và ngôn ngữ, hạn chế trong tiếp cận đất đai có chất lượng, tỷ lệ di cư khỏi nơi sinh sống thấp, và có trình độ học vấn thấp...