Ngày 16 tháng 11 năm 2020 là đỉnh điểm tranh cãi khi Quốc hội Việt Nam cho ý kiến về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ? Và Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe...
Phát biểu tại Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho rằng, trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của Bộ Công an, tách luật là để đi vào đi vào cụ thể, chứ không phải tách luật là để chia luật hoặc là chia quyền.
Trong khi nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến phản bác. Đơn cử như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Tách luật giao thông như 'tách mẹ khỏi con, lấy gan ghép thận'... Ông còn cho rằng thay vì tách luật, sao không chuyển lực lượng cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải quản lý...
Hay đối với việc Bộ Công an đòi quản lý việc cấp bằng lái xe, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cho rằng, lực lượng công an với chức năng, quyền hạn của mình giải quyết tốt những vấn đề tội phạm trật tự xã hội, để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi, công an không nên nhận thêm những nhiệm vụ khác.
Tôi nghĩ có những thảo luận như thế là tốt, chứ không phải không tốt. Nhưng ở Việt Nam có những cái thể hiện rất rõ mà người ta gọi là nhóm lợi ích.<br/>-TS. Nguyễn Quang A
Việc tranh giành giữa Bộ GTVT và Bộ Công An ở Quốc hội là dấu hiệu tốt hay vẫn là ‘quyền anh, quyền tôi’... Hay tranh giành quyền lợi giữa các nhóm lợi ích?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 11 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Chí ít cũng có những tiếng nói khác nhau, thể hiện những lợi ích khác nhau trong Quốc hội. Những đại biểu thuộc Bộ Công an thì ăn cây nào rào cây ấy, kiên quyết ủng hộ đề nghị của Bộ Công an, tách luật đó ra thành một luật riêng về an toàn giao thông, rồi cấp bằng lái xe, dạy lái xe cũng ở bên Bộ Công an. Còn bên Bộ GT_VT thì phản đối kịch liệt. Tôi nghĩ có những thảo luận như thế là tốt, chứ không phải không tốt. Nhưng ở Việt Nam có những cái thể hiện rất rõ mà người ta gọi là nhóm lợi ích.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhiều người cứ hiểu nhóm lợi ích theo nghĩa xấu. Nhưng thật sự trong xã hội rất nhiều nhóm lợi ích... hay bản thân trong Quốc hội, Bộ Công an là một nhóm lợi ích khổng lồ và nó luôn luôn muốn bành trướng quyền lực của nó. Ông nói tiếp:
“Có thể nói, sự đam mê quyền lực của Bộ công an là vô độ, họ muốn càng ngày càng to lên, càng ngày càng được chi nhiều tiền hơn, càng ngày càng nhiều quan số hơn... như thế quyền lực của họ càng ngày càng tăng lên và có ý kiến phản bác ngược lại (từ Bộ GTVT). Chuyện giữa quân đội và công an cũng thế, về chuyện Bộ Công an muốn tăng thêm rất nhiều quân số của lực lượng an ninh cơ sở dưới sự quản lý của Bộ Công an.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, những việc tranh giành quyền lực như thế chí ít diễn ra một cách công khai, việc công khai như thế là dấu hiệu của sự lành mạnh và việc đấu tranh để chống lại sự tham quyền lực của một nhóm này hay nhóm khác là một điều tốt.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 11 năm 2020 rằng đây là một dấu hiệu tốt sau một dấu hiệu xấu:
“Có dấu hiệu tốt sau dấu hiệu xấu, tại vì là dấu hiệu tốt là để chống lại dấu hiệu xấu. Thật ra việc cấp bằng lái trước đây thuộc chuyên môn của Bộ Giao thông, nhưng kiểm soát trên đường lại thuộc cảnh sát giao thông, vì thế bên công an muốn chiếm luôn phần cấp bằng lái xe. Thế thì việc ấy tôi cho là không hay, phải có bộ phận chống lại chuyện đó... thế là tốt, thế là hay, trong cái không hay đấy có cái hay. Tùy theo quan điểm mỗi người thôi, nhưng tôi cho rằng có tranh luận là hay rồi.”
Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, tranh luận ấy phải xem có công bằng không? Có minh bạch không? Nó có phục thiện không? Người ta có hợp tác với nhau không? Ông nói tiếp:
“Còn nếu tranh giành để mà đoạt quyền lợi thì tôi cho là không hay... Vấn đề này đầu tiên là từ tranh đoạt quyền lợi, nên mới bày ra chuyện anh này chuyển qua anh kia. Bây giờ có chuyện đấu tranh trở lại, đó là hay. Nhưng bây giờ hay như thế nào thì phải do công việc mà phải xem người ta diễn biến như thế nào. Đặc biệt, phải xem lãnh đạo quốc hội sẽ điều hành chuyện đấy ra làm sao?”
Hôm 12 tháng 8 năm 2020, tại phiên họp Chính phủ về các dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu cho rằng: “Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước.”
Nghe qua cảm nhận được ông Phúc có lòng vì dân, vì sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều câu nói của ông thì mới phát hiện ra cái ẩn chứa bên trong là sự hời hợt, sáo rỗng và thiếu sự chặt chẽ. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, ở Việt Nam có một cách hành xử khác lạ so với nhiều nước là việc soạn thảo luật do cơ quan hành pháp đảm nhận hoàn toàn. Ngành nào soạn luật cho ngành đó. Nghe qua và kém hiểu biết thì thấy hợp lý, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bất cập của việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vì thế mà có quyền anh quyền tôi trong việc soạn thảo hoặc kiểm soát, xử lý tình huống giữa hai bộ nói trên.
Cũng tại buổi họp Quốc hội hôm 16/11, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, thuộc đoàn Hà Nội, cho rằng 99% dân sẽ ủng hộ không tách Luật Giao thông đường bộ.(!?) Việc tranh giành giữa Bộ GTVT và Bộ Công An ở quốc hội là dấu hiệu tốt, nhưng nếu nói 99% dân ủng hộ sao không trưng cầu dân ý?
Nói 99% người dân đồng tình là chủ quan quá nặng, đã đi tham khảo, trao đổi với ai chưa? Dù cho nói là đúng hay sai thì cái cách mà nói như thế là hàm hồ, chủ quan.<br/>-GS. Nguyễn Đình Cống
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định về ý kiến này:
“Tôi cho rằng đó là một ý kiến chủ quan, anh nào muốn nói thì cứ nghĩ rằng người dân sẽ theo ý mình... Cũng biết đâu được, cũng có thể... nhưng muốn nó rõ ra thì phải trưng cầu dân ý chứ. Nhưng theo tôi việc tách luật hay không tách luật thì trưng cầu dân ý làm gì, chỉ nên tập trung trao đổi, bàn luận đối thoại... và có người sáng suốt quyết định. Hai bên đối thoại rồi thì phải có anh phân xử, giải quyết... trình độ người giải quyết rất quan trọng. Chứ hỏi ý kiến toàn dân thì việc lớn, chứ việc này hỏi làm gì. Nói 99% người dân đồng tình là chủ quan quá nặng, đã đi tham khảo, trao đổi với ai chưa? Dù cho nói là đúng hay sai thì cái cách mà nói như thế là hàm hồ, chủ quan.”
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, từ trước đến nay dù nội bộ của Đảng có sự không đoàn kết, nhưng khi có những việc chung, ví dụ những chính sách áp dụng cho đất nước, dù chính sách đó đúng hay sai, có lợi hay có hại cho đất nước... nhưng trước những chính sách chung đó, họ thường đoàn kết nhất trí, và mọi sự mất đoàn kết đều được loại hết. Nhưng bây giờ theo ông, khi nói đến tình trạng ‘quyền anh, quyền tôi’ thì tức là vấn đề không nhất trí trong nội bộ Đảng đã trở thành nguy cơ.
Cho đến chiều ngày 17/11/2020, với hơn 62% đại biểu Quốc hội Việt Nam, tương đương 302 người, đã bỏ phiếu phản đối việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời, kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội cho thấy có đến hơn 66% số đại biểu Quốc hội, tương đương 321 phiếu, phản đối việc giao Bộ Công an chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, thay vì Bộ Giao thông Vận tải như từ trước đến nay.
Cũng theo thông báo từ Quốc hội vào ngày 17/11, 52% đại biểu tán thành việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá 15).