Phiên xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải liệu có công tâm?

0:00 / 0:00

Tin ngày 28/4 cho biết Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án của tử tù Hồ Duy Hải, dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ ngày 6-8/5 tới đây.

Xác nhận với RFA vào tối cùng ngày, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải cho hay bà đã được Luật sư Trần Hồng Phong, người theo vụ án Hồ Duy Hải từ năm 2010 biết thông tin này.

“Sáng này luật sư có thông báo ‘chị ơi ngoài tòa có đánh giấy cho tôi cho dự phiên tòa’. Luật sư và gia đình rất mừng. Phía gia đình không được tòa gọi, nếu luật sư đi được thì gia đình vẫn đi theo. Nếu không được tòa cho vô thì mình ở ngoài thôi.”

Vẫn theo bà Nguyễn Thị Loan, trong phiên xử diễn ra vào đầu tháng 5 tới đây, Luật sư Trần Hồng Phong được mời tham gia phiên giám đốc thẩm với tư cách luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải.

Tuy nhiên, Luật sư Phong vẫn chưa muốn thông tin gì thêm về những luận điểm sẽ được đưa ra trong phiên tòa tới đây theo lời bà Loan:

“Luật sư đã nắm vững hết những tài liệu chứng cứ rõ ràng Hồ Duy Hải bị oan nên chuyện đó luật sư không nói gia đình.”

Tin của hai mạng báo Tuổi Trẻ và Người Lao Động tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án ‘giết người, cướp tài sản’ đối với bị can Hồ Duy Hải sẽ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao làm chủ tọa phiên tòa.

Đáng chú ý, trước đó, vào ngày 24/5/2011 Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối cao Trương Hòa Bình đã không không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Đến ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình tiếp tục ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới.

Vì vậy, trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn, nhiều người bày tỏ quan ngại về tính công tâm trong phiên xử sắp tới.

Dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng những lo lắng vừa nêu là không cần thiết. Ông giải thích:

“Việc xét xử Giám đốc thẩm có hội đồng, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, rất nhiều người quyết định theo đa số. Đây là việc rất bình thường chứ không có chuyện một người có trách nhiệm quyết định.”

Với kinh nghiệm đã từng đọc qua hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải từ người nhà phạm nhân, Luật sư Phạm Công Út thuộc Công ty Luật Phạm Nghiêm lại có cách nhìn nhận khác về việc nên hay không nên để ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa. Ông lập luận:

“Luật Tố tụng hình sự quy định thẩm phán phải từ chối xét xử trong trường hợp đã tham gia xét xử trong cùng một vụ án, nhưng trước đó ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát lại không tham gia một phiên xử nào đối với Hồ Duy Hải. Đối chiếu quy định Luật Tố tụng hình sư năm 2015 vẫn có thể ngồi ghế chủ tọa trong phiên xử Giám đốc thẩm.

Nhưng nói về yếu tố khác ngoài tố tụng sẽ là không khách quan bởi trước đó ổng cho rằng không có tình tiết mới, tức có tội, bản án tử hình không oan, bây giờ kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát tối cao ông ngồi chủ tọa thì trước đây ông nói không oan, giờ phán oan tức ‘sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng’ thành ra không khách quan. Do đó theo tôi ông Nguyễn Hòa Bình không nên ngồi trong Ủy ban thẩm phán để xét xử vụ Giám đốc thẩm này mà Chủ tọa nên là người khác và không chịu sự phụ thuộc, ép buộc nào từ phía Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.”

Vụ án mạng hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại dã man tại nơi làm việc hồi trung tuần tháng 1/2008 gây chấn động trong dư luận. Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con và bài báo về Hồ Duy Hải
Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con và bài báo về Hồ Duy Hải (Courtesy of FB)

Năm 2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ lại vụ án này.

Đến ngày 30/11/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, thu hồi quyết định không kháng nghị trước đó của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Đồng thời còn đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.

Theo dõi sát sao toàn bộ những tình tiết trong các phiên xử Hồ Duy Hải, Luật sư Phạm Công Út nêu ra 3 trường hợp có thể xảy ra trong phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra ngày 6-8/5 tới đây. Ông phân tích:

“Đầu tiên bản án Giám đốc thẩm tới đây phải hủy bỏ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án tỉnh Long An và Tòa án Nhân dân Tối cao. Hủy 2 bản án đề điều tra xét xử lại. Tức ông Nguyễn Hòa Bình sẽ không nói oan hay không oan mà chỉ là chủ tọa phiên tòa hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại nhưng việc điều tra lại sẽ lòi ra nhiều vấn đề.

Nếu các điều tra viên của Cơ quan điều tra Cảnh sát Long An, những người mới có tâm huyết thì người ta sẽ tìm hiểu con dao ở đâu ra, các vết máu, dấu vân tay nếu không phải của Hồ Duy Hải thì của ai? Nếu tìm khắp hiện trường không có dấu vết, dấu vân tay Hồ Duy Hải gây án thì tất nhiên việc xét xử sẽ không chứng minh được tội phạm, lúc đó sẽ minh oan cho Hồ Duy Hải. Hoặc người ta sẽ xử ép buộc Hồ Duy Hải có tội, nhưng có sự thông đồng của cơ quan tố tụng với Hồ Duy Hải.

Trước khi dùng các biện pháp chuyên dụng như vậy, người ta sẽ biệt giam, hoặc hành hạ Hồ Duy Hải để trấn áp tinh thần, cuối cùng Hồ Duy Hải chấp nhận nhận tội để được xử mức án bằng thời gian tạm giam và được trả tự do tại phiên tòa. Trường hợp thứ ba là tòa án sẽ xét xử dựa theo kết quả tranh tụng tại phiên tòa, tức các luật sư sẽ chứng minh Hồ Duy Hải không có tội. Như vậy nhà nước không phải bồi thường và những người (xét xử) trước đó không phải chịu trách nhiệm. Hội đồng xét xử có 5 thành viên, bao gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm để xử sơ thẩm, còn khi phúc thẩm sẽ có 3 thẩm phán xử phúc thẩm.”

Trong 13 năm qua, gia đình tử tù Hồ Duy Hải kiên trì kêu oan ở các cấp chính quyền và đại biểu quốc hội.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã từng kêu gọi Chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng.

Vì vậy, phiên xử giám đốc thẩm lần này đối với Hồ Duy Hải được xem như cánh cửa mở ra hy vọng mới cho cả Hải và gia đình, như lời bà Loan nghẹn ngào chia sẻ:

“Mong đợi của tôi là Hồ Duy Hải oan thì các cơ quan có thẩm quyền của bộ máy công quyền phải trả tự do cho Hồ Duy Hải liền chứ không hẹn gì nữa. Hai chữ công lý, công bằng tôi đi đòi lâu lắm rồi, suốt 12 năm, bữa nay qua năm thứ 13 rồi. Có người mẹ nào chịu đựng nổi trong khi con mình ở trong đó chịu khổ.”

Dưới góc nhìn của người làm luật lâu năm, Luật sư Phạm Công Út cũng bày tỏ hy vọng nếu phiên tòa lần này của Hồ Duy Hải có được những thẩm phán công tâm chịu công bố án oan, hủy bản án như thẩm phán Nguyễn Văn Nhân ở Tòa án tỉnh Bình Phước tham gia thì vụ án Hồ Duy Hải sẽ được xử lại với kết thúc có hậu!

Trao đổi qua email, ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) bày tỏ hy vọng trong phiên tòa lần này Hồ Duy Hải sẽ được tuyên vô tội hoặc không đủ chứng cứ để kết tội và được trả tự do tại tòa.

Ông Sơn cho rằng đây là điều nên làm bởi không những Ân xá Quốc tế, mà ngay cả các luật sư theo sát vụ việc này cũng khẳng định rằng việc kết tội Hồ Duy Hải vào năm 2008 là vội vàng, thậm chí là đã vi phạm các quy định tố tụng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định: “Ân xá Quốc tế vẫn sẽ tiếp tục quan tâm đến Hồ Duy Hải cho tới khi Hồ Duy Hải được tự do. Ngoài ra, một trong những mục tiêu chính của Ân xá Quốc tế là xóa bỏ án tử hình trên toàn cầu, do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để hiện thực hóa điều này ở Việt Nam”.