Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Viết Hùng vừa nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi để ‘nhường ghế’ cho cán bộ khác. Ông Hùng được hưởng các chế độ theo Nghị quyết 159/2018 và được bổ sung bởi Nghị quyết 279/2019 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng về quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ.
Kể từ khi Nghị quyết 159 ra đời đến nay, hàng chục cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện thôi việc để nhường ghế cho cán bộ trẻ. Theo đó, cán bộ lãnh đạo của TP. Đà Nẵng chủ động nghỉ hưu trước tuổi có thể được nhận mức hỗ trợ lên đến 200 triệu đồng.
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, được coi là thành phố đáng sống nhất, là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tại Tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng” diễn ra vào cuối tháng 12 năm 2021, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng phải là đầu tàu kéo phát triển của đất nước.
Nếu đúng là “nhường ghế” thì phải có một số biểu hiện rõ ràng mà cụ thể là xin được miễn nhiệm rồi vẫn làm việc khác hợp năng lực hơn cho đến đúng tuổi nghỉ hưu. Ở đây ông Hùng xin nghỉ hưu sớm từ trước đó. Chưa thể nói có “văn hóa nhường ghế” ở Việt Nam hiện nay. - Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Với vị thế như vậy, liệu những trường hợp cán bộ về hưu sớm để nhường ghế cho người khác ở Đà Nẵng, cụ thể là Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Viết Hùng có là nền móng cho “văn hóa nhường ghế” ở các thành phố lớn khác trong nước hay không? Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định ngắn gọn qua email với RFA sáng 20 tháng 4:
“Việc ông Hùng sinh năm 1962 xin nghỉ hưu trước tuổi vài tháng và không công khai lý do chưa thể nói đó là “văn hóa nhường ghế”. Có nhiều lý do để người ta xin nghỉ hưu sớm. Nếu đúng là “nhường ghế” thì phải có một số biểu hiện rõ ràng mà cụ thể là xin được miễn nhiệm rồi vẫn làm việc khác hợp năng lực hơn cho đến đúng tuổi nghỉ hưu. Ở đây ông Hùng xin nghỉ hưu sớm từ trước đó. Chưa thể nói có “văn hóa nhường ghế” ở Việt Nam hiện nay.”
“Văn hóa nhường ghế” là cụm từ mới, được truyền thông trong nước sử dụng để nói về các trường hợp cán bộ nghỉ hưu trước tuổi mà chưa có vi phạm gì bị phát hiện, không phải là “văn hóa từ chức” bị coi là hiếm hoi và không khả thi ở Việt Nam vì nhiều lý do. Một số lãnh đạo vướng vi phạm đều nói họ còn phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ do Đảng phân công để né tránh việc từ chức, cụ thể là trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2012.
Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 14 tháng 11 năm 2012, Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc chất vấn ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng Việt Nam rằng: “Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?”
Ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chịu sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó…Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó”.

Nói về “văn hóa nhường ghế” của một số cán bộ ở Đà Nẵng thời gian qua, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương nêu nhận định của mình với RFA:
“Cái này theo tôi chỉ xảy ra lẻ tẻ thôi chứ chưa thành một chủ trương gì đâu. Bởi vì cái tham quyền cố vị, tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực nó vẫn tồn tại nên chuyện nhường ghế là rất hi hữu. Nó có việc gì đấy bất khả kháng, không làm được nữa thì nói là nhường ghế thôi chứ chưa có cái ý thức tử tế nào, văn minh nào chi phối chính quyền Việt Nam hiện nay. Tôi đánh giá rất thấp năng lực, đạo đức và chuyên môn của cán bộ hiện nay ở trong nước.
Cái ấy không phải là một chính sách về tổ chức, về nâng cấp năng lực cán bộ. Nó chỉ là chuyện vặt thôi. Muốn xây dựng đội ngũ công chức tử tế thì phải làm lại, làm rất nhiều, trong đó phải điều chỉnh những chuyện lớn của thể chế. Cái phương thức lãnh đạo của Đảng phải thay đổi. Đảng phải chịu trách nhiệm công việc bằng luật. Nếu quyết định cái gì mà sau một thời gian không đạt yêu cầu và gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Tại kỳ họp giữa năm 2018, Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết 159 quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ. Độ tuổi áp dụng chính sách là từ 55 tuổi đối với nam và trên 50 tuổi đối với nữ. Theo thống kê của Sở Nội vụ Đà Nẵng lúc đó, có khoảng hơn 300 cán bộ lớn tuổi của thành phố phù hợp để động viên thôi việc theo diện chính sách này.
Muốn xây dựng đội ngũ công chức tử tế thì phải làm lại, làm rất nhiều, trong đó phải điều chỉnh những chuyện lớn của thể chế. Cái phương thức lãnh đạo của đảng phải thay đổi. Đảng phải chịu trách nhiệm công việc bằng luật. - Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Tuy vậy, tính đến tháng 12 năm 2020, chỉ có 28 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thôi làm nhiệm vụ hoặc thôi việc. Trong đó, năm trường hợp thuộc khối Đảng, mặt trận đoàn thể và 23 trường hợp thuộc khối chính quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị cho là người tham quyền cố vị khi nắm giữ vị trí này từ năm 2011 đến nay, đang ở nhiệm kỳ thứ ba (2021-2026). Đây là vị trí quyền lực nhất trong Đảng và Chính phủ chiếu theo điều 4 Hiến pháp.
Hiến pháp 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.