Có cần lập quỹ riêng về phòng thủ dân sự?

Đại diện Bộ Quốc phòng mới đây cho rằng, cần có "quỹ phòng thủ dân sự" vì thảm họa, sự cố khi xảy ra ảnh hưởng rất lớn nên cần nguồn lực giải quyết.

0:00 / 0:00

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/2/2023 về dự án Luật phòng thủ dân sự, đã có nhiều ý kiến khác nhau về "quỹ phòng thủ dân sự".

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, đại diện Bộ Quốc phòng, tại cuộc họp cho rằng cần có "quỹ phòng thủ dân sự" để chủ động trong nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh…

Mỗi một việc mà đòi hỏi một ngân sách thì ngân sách nào chịu nổi. Bây giờ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, hai bộ đấy là siêu bộ được ưu ái bởi vì bảo vệ chế độ, cho nên trong thời điểm này họ đòi được cái gì là họ đòi thôi…
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, hôm 15/2 nhận định qua điện thoại:

“Mỗi một việc mà đòi hỏi một ngân sách thì ngân sách nào chịu nổi. Bây giờ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, hai bộ đấy là siêu bộ được ưu ái bởi vì bảo vệ chế độ, cho nên trong thời điểm này họ đòi được cái gì là họ đòi thôi… Phòng thủ dân sự thì bản thân quốc gia cũng có một quỹ rồi, Bộ Quốc phòng khi có chức năng cứu hộ trong phạm vi quốc phòng cũng có quỹ rồi… Bây giờ nếu giành phòng hộ dân sự về Bộ Quốc phòng mà đòi phải thêm một quỹ nữa, thêm một ngân sách nữa thì rất là vô lý.”

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, hiện tại Nhà nước cũng đã có một quỹ cho cứu hộ, Bộ Quốc phòng cũng có… như thế là đầy đủ. Tuy nhiên ông Bình nói tiếp:

“Nhưng có thể họ không nói rõ, có thể trong thời kỳ tới người ta lo ngại về vấn đề diễn biến hòa bình, chống bạo loạn… thì họ đòi quỹ cho cái này. Chứ nếu cứu hộ, cứu nạn dân sự từ lúc lập nhà nước ta đã có rồi. Có thể trong thời gian gần đây họ nghiêm trọng hóa vấn đề, muốn giải quyết việc biểu tình khiếu nại… nên cần quỹ.”

000_Hkg10247714.jpg
Ảnh minh họa. AFP.

Cũng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu khác lại có ý kiến ngược lại, đề nghị bỏ quy định về "quỹ phòng thủ dân sự" bởi nhiệm vụ chi của quỹ này có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách; hiệu quả không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn. Còn nếu quỹ ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng…

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nhận định qua điện thoại hôm 15/2:

“Lực lượng cứu hộ cứu nạn của Việt Nam hiện nay rất phân tán, có ở nhiều bộ ngành quản lý, cả trung ương lẫn địa phương. Vừa rồi xảy ra trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi rất ngạc nhiên khi Bộ Quốc phòng có hẳn một Cục Cứu hộ Cứu nạn nhưng không thấy cử sang hỗ trợ, mà lực lượng được cử sang giúp lại là của Bộ Công an. Tôi thấy việc phân tán như vậy làm giảm tập trung thống nhất, giảm sự chuyên nghiệp và huấn luyện tổ chức chỉ huy hoạt động của lực lượng cứu hộ cún nạn nó làm phân tán, kể cả các nguồn lực… Bây giờ lại đòi ngân sách, ví dụ như mai kia Bộ Quốc phòng có những lực lượng khác nữa thì lại cũng đòi quỹ nữa thì có lẽ không đúng với luật ngân sách nhà nước.”

Hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu người dân thường phải đi bộ hoặc đi xe máy, xe thô sơ hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số, có người từ trong Nam đi lên tận tỉnh phía Bắc… Thì lúc bấy giờ quân đội có rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật, nhiều xe vận tải… nhưng không thấy hỗ trợ người dân.
-Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí

Cựu trung tá Quân đội Vũ Minh Trí cho biết, chức năng của quân đội là chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Cho nên theo ông Trí nếu nói quân đội có chức năng làm kinh tế là sai nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin mà Việt Nam đang theo và sai so với cả thế giới vì các đội quân chuyên nghiệp trên thế giới không quân đội nào làm kinh tế. Ông Trí nói tiếp:

“Về cứu hộ cứu nạn thì quân đội có lực lượng phương tiện, nên có thể tham gia trong một số trường hợp đặc biệt. Còn nếu thành lập hẳn một ban, rồi cuối cùng một năm không làm bao nhiêu. Thế nhưng khi rất cần lực lượng phương tiện của quân đội thì lại không thấy xuất hiện hoặc có nhưng không đem lại kết quả tốt. Gần đây nhất khi thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa vì COVID-19, hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu người dân thường phải đi bộ hoặc đi xe máy, xe thô sơ hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số, có người từ trong Nam đi lên tận tỉnh phía Bắc… Thì lúc bấy giờ quân đội có rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật, nhiều xe vận tải… nhưng không thấy hỗ trợ người dân.”

Theo ông Trí, quân đội lúc cần thiết thì không xuất hiện, ngược lại có những trường hợp xuất hiện lại đem về kết quả thảm khốc như trường hợp quân đội đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Tre, cuối cùng mười mấy hai mươi quân nhân bị chết. Ông Trí cho rằng, đó là sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ của quân đội.

Dự án Luật Phòng vệ Dân sự gồm 7 chương với 75 điều, được Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu từ ngày 16/8/2022.

Một số đại biểu Quốc hội từng bày tỏ lo ngại Luật Phòng vệ dân sự có thể có sự chồng chéo với các luật hiện hành.