Phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 được đưa ra nói trong cuộc họp ban vào ngày 27 tháng 3, rằng nếu kiên trì các biện pháp chống dịch như lâu nay, Việt Nam sẽ không rơi vào kịch bản tăng đến 1.000 bệnh nhân Covid-19 tính đến ngày 31/3 tới đây.
Theo phân tích của ông Vũ Đức Đam dựa trên thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm Covid-19 tăng từ 100 lên 1.000 là 9 ngày, ngoại trừ Nhật Bản là 28. Vì vậy, theo cách tính này, Việt Nam ghi nhận 100 ca nhiễm mới vào ngày 22/3 thì đến ngày 31/3, Việt Nam có khả năng tăng lên thành 1.000 ca nhiễm.
Tuy nhiên, người đứng đầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 khẳng định rằng sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm đó như kịch bản dự tính. Nguyên nhân được ông Vũ Đức Đam giải thích vì những giải pháp của Việt Nam tính đến giờ phút này vẫn rất hiệu quả.
Nhà báo độc lập Phạm Thành, người trước đây từng làm việc trong hệ thống truyền thông Nhà nước Việt Nam, đưa ra nhận xét:
“Căn bệnh cộng sản là không bao giờ biết được sự thực khách quan là gì, luôn luôn điều hành, cụ thể là muốn ngăn dịch theo ý muốn chủ quan. Dịch phát triển như thế thì làm sao ngăn chặn theo ý muốn chủ quan được mà phải trình bày được phương án như thế nào, lực lượng vật chất chống dịch thế nào, chứ cứ nói khơi khơi mà lực lượng không có thì làm sao chống được.”
Đồng quan điểm vừa nêu với nhà báo Phạm Thành, Blogger Nguyễn Ngọc Già ở Sài Gòn lập luận:
“Chống dịch virus Vũ Hán hiện nay đối với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam qua nhiều lời phát biểu chứ không phải riêng ông Vũ Đức Đam mà kể cả của ông Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cấp cao khác tôi cho rằng tiền hậu bất nhất. Tôi không ngạc nhiên vì truyền thống của người cộng sản là luôn luôn bưng bít sự thật. Bằng chứng là những câu chữ của ngay ông Nguyễn Xuân Phúc đó là dịch bệnh đang phát triển ở mức ‘khó lường’, tôi cho là còn những thông tin ghê gớm hơn về dịch bệnh mà họ vẫn đang giấu diếm người dân Việt Nam.”
Trước đó, báo trong nước đưa tin cho biết trong cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Chính trị diễn ra tại trụ sở Trung ương Đảng vào ngày 20/3, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có khen ngợi công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén và quyết liệt.
Vẫn theo người đứng đầu đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam, cả hệ thống chính trị lẫn toàn dân đã cùng vào cuộc chống dịch và đạt được những kết quả tích cực.
Đó cũng là lần đầu Tổng Bí thư kiêm chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19 sau hơn cả tháng dịch được chính thức công bố có mặt tại Việt Nam.
Trước đó một ngày, Tổng Bí thư đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ra mặt chủ trì cuộc họp về nhân sự đảng. Đây cũng là lần xuất hiện công khai mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng kể từ ngày 27 tháng 2.
Nói về vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng, người vừa đứng đầu Đảng Việt Nam hơn 4 triệu người đồng thời cũng là Chủ tịch nước đứng đầu gần 100 triệu người Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, nhà báo Phạm Thành nhận định:
“Thấy hiện tượng rất lạ trên thế giới không ông nào đứng đầu đất nước trước nạn dịch lớn toàn cầu thế này mà không dám mở mồm nói một tiếng. Trong khi đó ông lại chỉ lo cho Đảng của ông nhưng thật sự có lo cho Đảng không thì không biết được. Bởi vì hình ảnh đưa lên mạng là hình của trước đây chứ không phải hình bây giờ. Nên tôi nghĩ một là ông ấy không đủ sức khỏe để điều hành đất nước, hai là đám quân quyền của ông nịnh ông nên ông ấy không muốn từ chức, ba là ông ấy lên được hay không là do Tàu Cộng viện trợ cho ông ấy, nên Tàu Cộng không cho ông nghỉ thì ông không dám nghỉ.”
Vì những nguyên nhân vừa nêu, nhà báo Phạm Thành cho rằng do ảnh hưởng của Trung Quốc mà việc phòng chống Coronavirus hiện nay của Việt Nam cũng theo phương thức mà Trung Quốc đề ra. Ông tiếp lời:
“Hàng nghìn người, hàng triệu, hàng vạn người từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thì im, không dám nói một hiện tượng nào bị nhiễm virus này từ Trung Quốc mà đợi tới khi mấy người ở phương Tây về mới la lối lên là nhiễm cúm. Đấy là kịch bản của Tàu Cộng, vừa rồi còn đổ cho Mỹ là người gieo rắc virus.”
Còn Blogger Nguyễn Ngọc Già lại bảy tỏ niềm tin rằng dịch bệnh rồi cuối cùng sẽ qua, nhưng cũng sẽ kéo theo sự khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế và đặc biệt là khủng hoảng về niềm tin của người dân đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
“Họ cứ làm chuyện chống dịch bằng quyết tâm chính trị thì tôi nghĩ việc đó rất ngây ngô và không có hiệu quả gì. Chúng tôi ở ngay Việt Nam, tôi ở ngay Sài Gòn nhưng không hề có sự hỗ trợ nào thiết thực ngoài những tin nhắn rất nhiều của Bộ Y tế, Chính phủ, Bộ Thông tin – Truyền thông. Cái quan trọng nhất hiện nay là tôi không tin vào những con số người nhiễm, đặc biệt số tử vong ở Việt Nam hiện nay là số thật.”
Bộ Y tế Hà Nội vào khoảng 6 giờ chiều ngày 27 tháng 3 thông báo có thêm 10 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số các trường hợp bị SARS-CoV-2 tại Việt Nam lên 163 bệnh nhân, trong đó có 20 ca được chữa trị khỏi bệnh.