Vào ngày ngày 10 tháng 9 năm 2019, trong chuyến đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của nước này, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng CSVN do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã tới thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.
Cách sáng tạo của Đảng Cộng sản
Việc này mang ý nghĩ như thế nào, khi một đảng cầm quyền theo đường lối Chủ nghĩa Xã hội, lại đi học hỏi từ một quốc gia Tư bản?
Trao đổi với RFA hôm 16/9, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng, đây là một hiện tượng lạ, trước giờ chưa có tiền lệ.
“Tôi còn nhớ trước chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington vào tháng 7 năm 2015, đã không có đoàn quan chức Việt Nam nào đi học hỏi chính sách kinh tế thực tiễn của Mỹ. Mặc dù lúc đó Việt Nam đã “đầu tư” vào Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS của Hoa Kỳ tới vài triệu đô la rồi, thì có thể nói việc Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ vào thời điểm được cho là cận với chuyến đi được dự kiến vào tháng 10 năm 2019 của ông Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ, là điều nhạy cảm và thú vị, nó cho thấy Việt Nam muốn phát đi một thông điệp là có một sự gần gũi hơn một chút giữa hệ thống triết lý của hai ý thức hệ.”
Tin cho biết, phái đoàn Đảng cộng sản Việt Nam đã đến Mỹ sẽ có các buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới WB, Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS và The Asia Group.
Phái đoàn Việt Nam sẽ làm việc với phía Mỹ trong nhiều lĩnh vực, ngoài vấn đề chính là giải pháp kinh tế cho Việt Nam, còn có các chủ đề về chính trị.
Theo trang thông tin của Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhóm chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp ý kiến và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội từ năm 2021-2023 và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021-2025.
Trao đổi với RFA qua điện thoại hôm 16/9/2019, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Singapore, nhận định về sự kiện này:
“Họ đi thì họ có gặp một số chỗ như Viện Brookings, rồi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS… hai chỗ này là hai kênh rất mạnh, có thể nói là mạnh nhất ở Mỹ cũng như trên thế giới. Việc đi như vậy cho thấy Việt Nam quan tâm làm thế nào để phát triển kinh tế, làm thế nào trong Khóa XIII của Đảng cầm quyền có những bước đổi mới về phát triển kinh tế. ”
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, việc Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, là đúng như lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong nước gần đây, là Đảng cộng sản vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội nhưng phải mở, phải sáng tạo… Theo Tiến sĩ Dũng, có thể hiểu là cử một Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ là một cách sáng tạo...
Điều này làm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhớ lại có một nét hơi giống với Thuyết Hội tụ ở Châu Âu vào những năm 60, là thuyết nói về sự gặp nhau tất yếu giữa Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội, tại một điểm nào đó, tại một thời điểm nào đó. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng, điều này cũng không loại trừ việc ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang hình dung, hay tưởng tượng ra Thuyết Hội tụ.
Cân bằng các mối quan hệ
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết, qua thông tin ông nghe được từ các cuộc gặp, Việt Nam muốn tìm hiểu làm sao để cư xử khôn ngoan với Trung Quốc và cũng muốn biết người Mỹ đánh giá về Trung Quốc như thế nào? Liệu Trung Quốc có ổn định không, hay TQ đang gặp trục trặc bên trong để rồi phá sang Việt Nam? Tiến sĩ Hoàng Hợp cho rằng các chuyên gia Hoa Kỳ cũng nhận định, Mỹ không thể can thiệp quân sự, vì Trung Quốc đến nay chỉ dùng các bài dân sự, như ép Việt Nam đuổi các công ty dầu khí nước ngoài... Nhưng quan trọng nhất theo các chuyên gia Hoa Kỳ, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và việc này sẽ không thay đổi, bất kể ai sẽ là tổng thống Mỹ sau này.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói tiếp, để đấu tranh với Trung Quốc, các chuyên gia ở Hoa Kỳ khuyên Việt Nam nên nêu thẳng tên Trung Quốc là kẻ quấy phá và hãy vận động các nước khác gọi tên kẻ quấy phá, như thế Trung Quốc mới chùn chân lại!
Trong bối cảnh Việt Nam bị Bắc Kinh dồn ép, dẫn đến những đối đầu căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian gần đây, cộng với Đại hội Đảng thứ 13 sắp diễn ra, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu Hà Nội có nghiêng hẳn về phía Mỹ hay không?
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, việc Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, cũng chưa phải là dấu hiệu Việt Nam đã nghiên về phía Mỹ. Ông nói tiếp:
“Từ Đại hội 7 năm 1991, họ có đưa ra một chính sách quan trọng là chính sách đối ngoại của Đảng CSVN, là quan hệ với tất cả các đảng trên thế giới, chú ý đảng cầm quyền và các đảng trong phong trào dân chủ xã hội, và từ đó đến nay dần dần họ có nhiều đoàn đi ra nước ngoài. Về quan hệ Việt Mỹ thì ngày càng tốt đẹp, phía Mỹ thì luôn sẵn sàng mở rộng quan hệ với Việt Nam. Nhưng Việt Nam chắc chắn vẫn phải duy trì một quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, để cho nó yên ổn.”
Còn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng, động thái Việt Nam cử Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, cho thấy có những dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ:
“Động thái Việt Nam cử Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đi nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, nằm trong bối cảnh đang diễn ra ngày càng nhiều hơn, dầy hơn những hoạt động gần gũi về mặt Việt Mỹ, như hành động Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, là hành động chưa từng có. Và vào ngày hôm nay đã xảy ra hiện tượng đặc biệt tại Hà Nội, là Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội và các Đoàn thể mặt trận, bất ngờ tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm ngày mất của cụ Bùi Bằng Đoàn, là một nhân sĩ có 12 năm làm việc dưới chế độ Bảo Đại, mặc dù dưới thời Pháp thuộc nhưng ông được coi là một Nhân sĩ yêu nước, liêm chính và có công. Đáng chú ý, ông Bùi Bằng Đoàn là cha của nhà báo Bùi Tín, người đã thoát ly khỏi chế độ cộng sản, và viết cho Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA cho đến lúc ông mất. Những dấu hiệu như vậy cho thấy có những dấu hiệu xích lại gần nhau vừa tự nhiên vừa khiên cưỡng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Ngoài ra theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Việt Nam cử đoàn sang nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ, cho thấy thêm một vấn đề là Việt Nam đang tìm cách lấy lòng Hoa Kỳ, bằng cách phát đi một thông điệp: “Có thể vấn đề ý thức hệ giữa Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam và Chủ nghĩa Tư bản ở Hoa Kỳ không quá xa nhau, và thậm chí có thể gần gũi nhau hơn và học hỏi một cách có chọn lọc.”