Tình trạng tảo hôn đã làm mất đi cơ hội của những thiếu niên người dân tộc vùng cao, khi mà họ phải làm cha, mẹ lúc còn trong lứa tuổi học trò.
Nạn tảo hôn hiện nay ở miền núi đã diễn ra thế nào và những hệ lụy của nó là gì?
Tảo hôn và phong tục tập quán
Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở vùng nông thôn miền núi, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống vẫn diễn ra phổ biến. Đã có rất nhiều đứa trẻ ở vùng cao chưa kịp lớn đã trở thành cha mẹ.
Theo số liệu của Vụ Gia đình, thuộc Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em cho biết, ở 15 tỉnh vùng núi trong cả nước có tỷ lệ kết hôn sớm khá cao. Như ở tỉnh Cao bằng là 5,72%, Hà giang 5,1%..., thậm chí có các xã ở Yên bái có tỷ lệ lên tới 21%.
Đánh giá về tình trạng tảo hôn ở các vùng cao hiện nay, ông Phạm Tuấn Mạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc nói với chúng tôi:
“Qua phân tích các số liệu điều tra của Tổng cục Dân số, các Bộ ngành và Tổng cục Thống kê cho thấy, địa bàn vùng núi phía bắc, đặc biệt là Tây bắc, Tây nguyên là những địa bàn có vấn đề tảo hôn với tỷ lệ cao.”
Tình trạng tảo hôn đối với các học sinh là trường hợp phổ biến ở vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, trường Trung học cơ sở, xã Phong nậm, Trùng khánh, Cao bằng cho biết:
“Hàng năm, trường của chúng tôi vẫn xảy ra tình trạng các em học sinh nghỉ học để đi lấy chồng, cá biệt còn có học sinh lớp 6, mà độ tuổi các em chỉ khoảng 13 tuổi thôi. Nhưng đó là thực tế đã xảy ra với trường của chúng tôi. Ban giám hiệu chúng tôi cũng đã liên lạc với chính quyền địa phương, song vấn đề này họ cũng ít quan tâm.”
Kết hôn sớm là phong tục, nếu không cho con kết hôn sớm thì cha mẹ sẽ bị làng xóm chê cười, nói về lý do vì sao lại cho con tảo hôn khi còn ở tuổi học trò. Ông Vừ A Dìn, ở xã Sán Chải, Si Ma Cai, Lào Cai cho biết:
Hàng năm, trường của chúng tôi vẫn xảy ra tình trạng các em học sinh nghỉ học để đi lấy chồng, cá biệt còn có học sinh lớp 6, mà độ tuổi các em chỉ khoảng 13 tuổi thôi
cô giáo Nguyễn Thị Xuyến
“Chúng nó phải lấy nhau để xây dựng cuộc sống, theo phong tục ở nơi đây thì con gái đến 18 tuổi mà không có chồng thì họ bảo là bị ế rồi. Con trai 20 tuổi chưa vợ thì cũng thế.”
Theo báo Người Lao Động, ông Hồ Văn Liên, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, rất nhiều đứa trẻ ở huyện miền núi A Lưới vẫn kết hôn sau tuổi lên 10. Và hầu như năm nào ở xã này cũng có 10 cặp tảo hôn. Đây chỉ là số trường hợp mà xã nắm được, vì các cặp vợ chồng trẻ đều không đăng ký kết hôn.
Khi được hỏi nguyên nhân do đâu việc tảo hôn ở vùng cao là phổ biến?
Việc kết hôn ở vùng đồng bào dân tộc vẫn dựa trên phong tục tập quán cũ, do đồng bào dân tộc cũng có tâm lý muốn con cái có gia đình sớm để có người nối dõi và có thêm lao động, nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Ông Phạm Tuấn Mạnh khẳng định:
“Việc tảo hôn của động bào các dân tộc chịu sự chi phối rất nhiều của phong tục, tập quán. Chẳng hạn quan niệm có con sớm, có con trai sẽ tăng số người lao động hay kết hôn để lưu giữ tài sản của dòng tộc.”
Tảo hôn và thực tế
Nói về những hệ lụy của việc tảo hôn, TS. Xã hội học Đinh Văn An thấy rằng, tảo hôn là trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em, hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn. Về mặt khoa học thì vấn đề tảo hôn sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em do làm cha, làm mẹ sớm, mà nó còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Song quan trọng, là nó sẽ khiến các gia đình này sẽ chìm đắm trong sự nghèo khổ. Ông cho biết:
Tảo hôn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ vì cơ thể phát triển chưa hoàn thiện đã phải mang thai. Dẫn đến đứa trẻ sinh ra sẽ phát triển chậm ảnh hưởng tới chất lượng dân số và làm tăng dân số
TS. Xã hội học Đinh Văn An
“Tảo hôn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ vì cơ thể phát triển chưa hoàn thiện đã phải mang thai. Dẫn đến đứa trẻ sinh ra sẽ phát triển chậm ảnh hưởng tới chất lượng dân số và làm tăng dân số. Mặt khác tảo hôn sẽ khiến cho các em mất cơ hội học tập, và thiếu kiến thức xã hội. Điều này khiến phần lớn các gia đình rơi vào cảnh nghèo túng và hạnh phúc gia đình không bền vững.”
Công tác dân số luôn được Nhà nước quan tâm, đặc biệt là việc vận động, tuyên truyền người dân sinh ít con, cũng như kết hôn theo đúng độ tuổi cho phép. Tuy vậy, do đội ngũ cộng tác viên ít, lại phải quản lý lượng dân cư lớn trên địa bàn rộng và nguồn kinh phí hỗ trợ họ trong công tác này cũng còn nhiều hạn chế.
Việc tiến hành các biện pháp để ngăn chặn cũng như giảm bớt việc tảo hôn ở các địa phương miền núi là một vấn đề cực kỳ khó khăn và không hề đơn giản. Hơn nữa, Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn tối thiểu của nam là 20 và nữ là 18. Đây là một chỉ báo cho thấy Luật hôn nhân và gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa và miền núi. Nói về các khó khăn, ông Phạm Tuấn Mạnh tiếp lời:
“Chúng tôi cũng rất trăn trở, song đây là vấn đề hết sức nan giải, vì địa bàn của dân tộc thiểu số rộng, đến được đó cũng hết sức khó khăn. Thứ 2 là, đối với đồng bào thì phong tục, tập quán, ngôn ngữ, thì việc làm theo là cả một quá trình. Pháp luật của mình trong vấn đề này cũng có các khung (hình phạt) nặng đấy, song không thể áp dụng được. Bởi vì nó có rất nhiều vấn đề nhạy cảm, đối với đồng bào dân tộc mà mình làm mạnh tay thì rất khó.”
Tình trạng hôn nhân sớm ở vùng cao còn phổ biến như hiện nay, cũng do sự thiếu gương mẫu của lãnh đạo địa phương, điều đó sẽ không có khả năng thuyết phục những người khác. Chị Văn một cán bộ ở Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Krông Ana, tỉnh Đắk lắc bày tỏ:
“Một số cán bộ và những người có uy tín trong buôn, họ cho rằng đây là công việc của người cán bộ dân số. Do đó họ không kết hợp, không những thế, những người ấy họ còn cho con em của họ tảo hôn. Như vậy không có uy tín với bà con.”
Tảo hôn là một tập tục lạc hậu tồn tại lâu đời trong cộng đồng dân tộc thiểu số và vấn nạn tảo hôn vừa là nguyên nhân của sự nghèo đói. Do vậy, những người chúng tôi tiếp xúc đều nói, nếu muốn xóa đói, giảm nghèo để phát triển vùng cao một cách bền vững, thì việc xóa bỏ tập tục này là việc làm cần thiết. Để xóa bỏ tình trạng này, chính các nhà xã hội học của Việt nam đòi hỏi phải nhận được sự quan tâm hơn nữa và các giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền.