Ký duyệt hàng loạt dự án trước khi hết nhiệm kỳ: chuyện bình thường ở Việt Nam!

0:00 / 0:00

Nhiệm kỳ trước ký duyệt hàng loạt

Chỉ trong 65 ngày cuối nhiệm kỳ, tức từ ngày một tháng hai cho đến ngày sáu tháng tư năm 2021, nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký duyệt đến 36 dự án đầu tư, chiếm đến một phần ba tổng số dự án được ông ký trong cả nhiệm kỳ.

Cũng trong thời gian trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký 12 quyết định; Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký bốn quyết định; Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký một quyết định; nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký 78 quyết định (trong đó có 36 quyết định là chủ trương đầu tư dự án). Riêng nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký 64 quyết định, chủ yếu liên quan tới phê chuẩn nhân sự, các đề án, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng là 159 quyết định.

Việc các vị lãnh đạo cấp tập ký hàng loạt quyết định như vậy khiến nhiều người cho rằng bất bình thường, nhất là các dự án đầu tư. Tiến sĩ Kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm của ông:

“Nó không bình thường. Cũng có thể có những khuất tất phía sau đó. Khi đã gần hết chức quyền, trách nhiệm cũng gần như đã hết mà ký vội ký vàng thì rõ ràng trong những trường hợp đó, người ta nghĩ rằng sau khi ký người ta không còn chịu trách nhiệm nữa. Đây là điều không nên làm trong quá trình thực thi công việc.

Đặc biệt có những người mà lượng công trình, dự án mà họ ký trong những tháng gần nghỉ công việc lãnh đạo nó nhiều gấp mấy lần so với lượng dự án mà các vị ấy ký trong mấy năm công tác. Rõ ràng điều đó là bất thường.

Điều này cũng đặt ra một vấn đề cho những người có trách nhiệm về lãnh vực đó, là cần phải ra soát lại sau khi các dự án đó đã được ký duyệt để đảm bảo tính hiệu quả cũng như tính pháp lý một cách đầy đủ, chắc chắn.”

Vào ngày sáu tháng Tư, tức một ngày trước khi các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký một lúc bốn dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp: tháng Ba ký 17 dự án và tháng Hai ký 15 dự án.

Nó không bình thường. Cũng có thể có những khuất tất phía sau đó. Khi đã gần hết chức quyền, trách nhiệm cũng gần như đã hết mà ký vội ký vàng thì rõ ràng trong những trường hợp đó, người ta nghĩ rằng sau khi ký người ta không còn chịu trách nhiệm nữa. - Tiến sĩ Kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Một trong các dự án được ông Dũng ký gây bất bình trong công luận là dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thời hạn khai thác trong 50 năm. Sân golf này chiếm đến hơn một phần ba diện tích rừng của cả huyện Đak Đoa. Nếu dự án này được thực hiện thì phải phá rừng thông làm sân golf. Thủ tướng Việt Nam đã cho phép chuyển mục đích 156 ha đất rừng để thực hiện dự án.

Người ta cho rằng hiệu suất làm việc của Dũng trong những ngày cuối nhiệm kỳ cao một cách đáng ngạc nhiên. GS. Đặng Hùng Võ nhận định:

“Không có quy định chính thức là không được ký nhưng chắc chắn việc ký kết hàng loạt dự án trước khi kết thúc nhiệm kỳ về mặt đạo đức thì không nên, bởi vì nếu đó là một dự án tốt thì nhiệm kỳ trước chưa ký thì nhiệm kỳ sau cũng sẽ ký. Vậy tại sao lại không muốn chờ đến người của nhiệm kỳ sau ký mà phải ký ngay? Theo tôi nó có vấn đề về đạo đức.

Tất nhiên việc ký vội vã những dự án như vậy thường dẫn đến những hậu quả dễ thấy, là sự chưa chín muồi về việc xem xét hiệu quả dự án như thế nào, có ảnh hưởng đến môi trường hay không…

Mọi sự vội vã đều dẫn đến việc xem xét không cẩn thận, không tốt và hậu quả là một tỷ trọng rất cao rơi vào thua lỗ. Nếu đó là một dự án công thì sẽ làm thâm hụt ngân sách Nhà nước.”

Nhiệm kỳ sau cần làm gì?

000_Del265941.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 22 tháng 2 năm 2009. AFP

Một số chuyên gia cho rằng, nếu những người có trách nhiệm ký duyệt các dự án đã không xem xét thấu đáo các điều kiện cần và đủ để bảo đảm an toàn cho môi trường, cho xã hội thì những người nhiệm kỳ sau có trách nhiệm rà soát lại để chỉnh đốn kịp thời.

Tiến sĩ Kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến:

“Các cơ quan quản lý cũng như những người có trách nhiệm về sau cũng cần kiểm tra, giám sát lại các dự án để đảm bảo các quy trình cũng như bảo đảm hồ sơ các dự án nó đầy đủ, chuẩn xác, bảo đảm tính hiệu quả về đầu tư sau này.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, người có thẩm quyền quyết định khi dự án đã được phê duyệt thuộc về người đứng đầu Chính phủ. Ông nói:

“Người tương đương trong nhiệm kỳ sau không thể có quyền ngăn chặn các dự án đã ký, mà người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ sau hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp có thể thay đổi quyết định. Đó là điều không ai cấm và đã từng xảy ra.

Thậm chí ý kiến của công luận, của công chúng cho rằng những dự án này có thể gây tổn hại thế này thế khác, và Chính phủ xem xét lại luận cứ của việc phê duyệt dự án thấy vội vã, hời hợt thì họ hoàn toàn có thể đưa ra luận cứ để chỉnh đốn lại việc ký kết này.”

Rất nhiều dự án công thua lỗ trong những năm qua chưa thể giải quyết. Càng duy trì thì càng lỗ, không có cơ hội hồi phục nhưng vẫn không bị phá sản. Có thể kể một số dự án thua lỗ nghìn tỷ như Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy thép Việt Trung, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất …

Người tương đương trong nhiệm kỳ sau không thể có quyền ngăn chặn các dự án đã ký, mà người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ sau hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp có thể thay đổi quyết định. Đó là điều không ai cấm và đã từng xảy ra.- Giáo sư Đặng Hùng Võ

Nguyên nhân các dự án vẫn chưa bị phá sản được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương giải thích với RFA hôm năm tháng ba năm 2021:

“Việt Nam thì cái chữ ‘phá sản’ rất là nặng nề, vả lại để mà phá sản thì phải làm đầy đủ các thủ tục, tức là báo cáo về tài sản, các khoản nợ, rồi thì phải thanh toán... cho nên phá sản là một thủ tục khó khăn ở Việt Nam, nếu không muốn nói đấy là một điều đau đớn đối với một số người có trách nhiệm trong việc quyết định các dự án đầu tư đó.”

Dự thảo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ Tài chính hoàn tất, dự kiến trình Chính phủ trong tháng tư năm 2021. Yêu cầu của đề án là cơ bản hoàn tất yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Sau giai đoạn này, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động dưới hình thức sở hữu hỗn hợp, thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, chịu sự giám sát của thị trường.