Thông cáo của Ủy Ban Nobel Hòa Bình cho biết ông được chọn vì “cuộc tranh đấu trường kỳ bất bạo động nhằm đòi hỏi nhân quyền tại Hoa Lục”.
Với những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền, Lưu Hiểu Ba không phải là một nhân vật xa lạ. Thế giới bên ngoài biết đến ông từ khi ông tham gia cuộc biểu tình ở Thiên An Môn hồi 1989, và sau đó là một loạt những vụ bắt bớ, giam cầm mà ông phải gánh chịu.
Ông Lưu Hiểu Ba sinh ngày 28 tháng 12 năm 1955, theo học và tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh, từng được mời giảng dậy ở các đại học nước ngoài như Đại học Columbia và Đại Học Hawaii ở Hoa Kỳ, hay Đại Học Oslo ở Na Uy.
Ông nổi tiếng với những bài viết phân tích triết học, nhưng thật sự được chú ý đến vì lúc biến cố Thiên An Môn xảy ra, ông đang ở nước ngoài, nhưng quyết định quay về để tham gia với giới trẻ cùng lứa tuổi.
Lần đầu tiên ông bị bắt là vào năm 1991, khi nhà nước Bắc Kinh cáo buộc ông tội có tư tưởng chống phá cách mạng. Đến năm 1996, ông lại bị đi tù lao cải 3 năm về tội phá rối trật tự xã hội, chỉ vì những lời phát biểu chỉ trích Đảng Cộng Sản.
Năm 2007, ông lại bị công an triệu lên làm việc, sau khi các bài viết kêu gọi đổi mới chính trị của ông được phổ biến trên internet ở nước ngoài.
Đến ngày mùng 8 tháng 12 năm 2008, ông cùng với khoảng 300 nhà trí thức khác quyết định ký tên chung trong bản Hiến Chương 08, trong đó đòi hỏi nhà nước Trung Quốc phải tôn trọng quyền phát biểu tư tưởng của người dân, phải tôn trọng nhân quyền và tổ chức bầu cử tự do.
Ông và bạn bè cũng đồng ý chọn ngày mùng 10 tháng 12 để công bố bản Hiến Chương vì đó chính là ngày kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chào đời.
Nhưng ngay buổi tối mùng 8, ông bị công an bắt giữ trong lúc bản hiến chương đang được chuyền tay để lấy chữ ký của những người đồng ý hướng. Sau một năm trời bị giam cầm, đến tháng 12 năm ngoái ông lãnh bản án 11 năm tù với nhiều tội danh khác nhau, từ tội tuyên truyền chống phá cách mạng cho tới tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Lúc đó cơ quan thông tấn của nhà nước là Tân Hoa Xã có phổ biến bản tin nói rằng ông đã thành khẩn khai báo và nhận tội. Đương nhiên những người từng hoạt động hoặc đi sát với những hoạt động của ông đều biết đó là chuyện không đúng với sự thật.
Theo giới quan sát, mọi người trên thế giới chờ đợi tin ông được lãnh Nobel Hòa Bình 2010 đã từ lâu. Bằng chứng rõ rệt nhất là trước khi giải được công bố, rất nhiều đoàn thể, nhân vật thế giới lên tiếng kêu gọi trao giải cho ông, xem ông là nhân vật xứng đáng nhất để lãnh giải năm nay.
Đương nhiên chỉ có lãnh đạo và nhà nước Trung Quốc là không hài lòng, nếu không nói là họ đã đưa ra phản ứng bực tức, khó chịu.
Cũng vì lý do này, trước khi công bố trao giài Nobel cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, chính Chủ Tịch Ủy Ban Nobel là ông Thorbjoern Jagland có đưa ra phát biểu nói là khi công bố giải thưởng, thế nào cũng có tranh cãi. Điều đáng mừng là cả thế giới vui mừng, chỉ có một thiểu số thật nhỏ, rất nhỏ là không hài lòng.
Thế giới bên ngoài đã có dịp đọc những bài viết của ông Lưu Hiểu Ba, mỗi bài đều có những điểm đáng chú ý, nói đúng hơn là phải chú ý, nhưng câu không thể nào quên được là câu ông viết rằng “lên tiếng trình bày quan điểm chính trị không phải là một cái tội” và “đối lập với nhà nước không có nghĩa là muốn lật đổ chính quyền”.
Rất nhiều người đề cử ông Lưu Hiểu Ba cho giải Nobel Hòa Bình năm nay, trong đó có cả những Khôi Nguyên Hòa Bình như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Giám Mục Desmond Tutu và Cựu Tổng Thống Vaclav Havel của Cộng Hòa Tiệp.
(Nguyễn Khanh tường trình từ Washington DC)