Một tàu chiến thuộc hạng lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF), tàu Izumo, đã cập cảng Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam vào thứ ba tuần này, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong bốn năm, truyền thông Nhật Bản hôm 20/6/2023 đưa tin.
‘Chính sách từ thời của Thủ tướng Abe Shinzo’
Hôm 21/6, từ Tokyo, nhà báo Đỗ Thông Minh, nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực đưa ra bình luận với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng về sự kiện này:
“Có thể nói rằng gần như năm nào gần đây hải quân Nhật Bản cũng tới thăm Việt Nam, đặc biệt Nhật Bản là quốc gia cung cấp nhiều tàu tuần duyên, gọi là ‘coast-guards’ cho Việt Nam, mà khởi đầu bằng chính sách của Thủ tướng Abe Shinzo. Ngay khi ông lần đầu tiên lên làm Thủ tướng ông đã đi thăm Việt Nam ngay đầu tiên, và Nhật Bản đã tiến hành chính sách đó suốt mười mấy năm nay. Chính sách này tiếp tục được Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida nối tiếp và củng cố, trong bối cảnh Việt Nam thời gian qua ở thế quan sát, nhưng cũng chủ động tìm thêm những người bạn cho mình”.
Nói riêng về chuyến ghé thăm của tàu Izumo, nhà báo Đỗ Thông Minh cho rằng, đây là một hàng không mẫu hạm trực thăng, trong chữ Hán cũng có khi dùng từ gọi là ‘hộ vệ hạm’, là một loại tàu chiến đổ bộ mà nhìn xa xa nó cũng như một hàng không mẫu hạm, nhưng nhỏ hơn. Chiến hạm này đối với Nhật Bản là lớn nhất, với trọng lượng 27 ngàn tấn, dài tới 248 mét, nguyên thủy nó có thể trở được 14 trực thăng ở trong hầm cũng như sẵn sàng ở trên boong, bên trong tàu có thể chở binh sỹ và xe tăng, cho nên đây là một khu trục hạm tấn công và đổ bộ.
Ông Đỗ Thông Minh nói với RFA:
“Loại này Hàn Quốc cũng có, Mỹ cũng có cả chục chiếc, nhưng Mỹ về hàng không mẫu hạm loại chiến đấu thì họ có nhiều quá, nên người ta không để ý đến loại này, còn loại này Nhật có hai chiếc,Hàn Quốc như tôi đã nói cũng có, Pháp cũng có và Nga gần đây cũng muốn mua của Pháp, nhưng do Nga đánh chiếm Crimea của Ukraine, nên Pháp không bán cho Nga nữa. Với loại hạm này, chiếc Izumo như đã nói trọng tải 27 ngàn tấn, còn một chiếc khác là 19 ngàn tấn, nhỏ hơn, trở được 11 trực thăng. Mới đây mà chỉ cách chừng một năm, chính phủ Nhật đã có quyết định sửa hai chiếc này, sửa, thêm thiết bị, để có thể cho máy bay F35 B của Mỹ, loại cho hải quân, có thể đáp thẳng và cũng lên thẳng, thành ra thay vì trực thăng được chở trên hạm, chiến đấu cơ cũng có thể được chở trên hạm này, nên nó trở thành một hàng không mẫu hạm thứ thiệt, nhưng đương nhiên loại nhỏ thôi.”
“Các tàu của Nhật Bản đợt này ghé thăm cảng Việt Nam cập vào cảng quốc tế Cam Ranh, cảng này khác với cảng quân sự, mà được giữ bí mật, cảng quốc tế này mở ra cho không chỉ tàu buôn mà cả tàu chiến quốc tế vào, khu vực đó bỏ trống nhiều năm, ngày nay Việt Nam quyết định xây cảng đó, với mục đích là tàu buôn và tàu chiến các nước đi qua, nhân tiện có thể cập vào như cảng nghỉ, một ‘rest-area’ cho tàu bè nên rất tiện lợi. Nhưng điều quan trọng là khi các tàu bè quốc tế không ở đó, mà giả sử giữa Việt Nam và Trung Quốc có xung đột, giao tranh, bắn nhau, thì quốc tế có thể ‘mặc kệ’, có thể cho rằng đó là chuyện của hai nước, họ cùng lắm chỉ có lên tiếng thôi. Song bây giờ tàu của các nước chúng tôi đậu ở đó, chỉ cần bắn một phát đạn nhỏ thôi, là thành một vấn đề lớn rồi.”
Trang mạng Nippon.com được mệnh danh là cửa ngõ thông tin vào Nhật Bản, thuộc Quỹ truyền thông Nhật Bản (NCF) hôm thứ ba cho hay, tàu khu trục này sẽ ở lại vịnh Cam Ranh cho đến thứ Sáu (23/6) như một phần của kế hoạch mà MSDF đã phái tàu này ra nước ngoài kể từ năm 2017 nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Trang mạng này đồng thời nêu rõ, các thành viên thủy thủ đoàn của tàu Izumo sẽ có các hội đàm với giới chức hải quân Việt Nam để xác nhận sự hợp tác giữa hai nước khi vịnh hướng ra Biển Đông, nơi Trung Quốc và các nước khác có tuyên bố chủ quyền.
Vẫn theo kênh tin tức này, tàu Izumo đã tham gia một cuộc tập trận chung với quân đội Hoa Kỳ, Canada và Pháp chủ yếu ở Biển Đông từ ngày 10/6 tới ngày thứ Tư 20/6.
‘Làm sâu sắc hơn quan hệ Nhật – Việt và củng cố an ninh khu vực’
Cũng hôm 21/6, từ Ottawa, Canada, một nhà quan sát khác về chính trị và an ninh khu vực, Luật sư Vũ Đức Khanh đưa ra bình luận với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng về diễn biến các tàu chiến của Nhật Bản thăm Việt Nam dịp này, ông nói:
"Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ song phương rất tốt trong nhiều lãnh vực, trong đó có cả an ninh quốc phòng, hợp tác quân sự.
Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao cho nên có rất nhiều hoạt động sôi nổi. Chuyến thăm này theo tôi được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, qua đó góp phần duy trì và củng cố hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn tự do hàng hải trong khu vực dựa trên pháp luật quốc tế.
Vả lại, thời gian gần đây, Nhật Bản cũng rất tích cực "mở rộng" các hoạt động quân sự trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, củng cố đồng minh và kết nối đối tác nên Việt Nam là đối tác tự nhiên của Nhật Bản.
Tuy nhiên, tôi hơi bỡ ngỡ khi chuyến thăm này không được thông báo trước. Báo Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông Việt Nam đầu tiên đưa tin này mà lại đi trích dẫn một nguồn tin nước ngoài và phát bản tin vào lúc 22 giờ đêm trong khi chiến hạm đã cập cảng Cam Ranh từ sáng sớm.”
Hôm thứ ba, đài NHK của Nhật Bản đưa tin về sự kiện này có bình luận rằng chuyến thăm của tàu Izumo đến Việt Nam xảy ra vào khi Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Đi cùng với tàu này còn có tàu khu trục Samidare của MSDF.
Lần cuối cùng tàu Izumo ghé cảng Cam Ranh là vào năm 2019. Trước khi thăm Việt Nam, tàu Izumo đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông từ ngày 10 đến 14/6 với các tàu Hải quân Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan,” vẫn theo NHK của Nhật Bản.
Loan tin về sự kiện này, báo Quân Đội Nhân Dân online của Việt Nam hôm 20/6 khẳng định chuyến thăm góp phần thêm hiểu biết lẫn nhau và khả năng phối hợp giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản, tích cực củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Nhật Bản nói riêng, hợp tác giữa hai nước nói chung lên tầm cao mới.
________
Đài Á Châu Tự Do sẽ giới thiệu thêm bình luận chi tiết nhân sự kiện này cùng một số sự kiện khác có liên quan ngoại giao và hợp tác an ninh, chính trị, quốc phòng của Việt Nam với các đối tác ở khu vực, với các ý kiến trên quan điểm riêng của nhà quan sát Đỗ Thông Minh và Luật sư Vũ Đức Khanh trong một bài tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.