Nhà báo chụp hình nhà của cán bộ có phạm luật?

0:00 / 0:00

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khi tham dự buổi thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 5 năm 2019 cho rằng: “Bây giờ nhà báo cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý!?”

Luật sư Nguyễn Duy Bình, khi trao đổi với chúng tôi hôm 31/5 từ Sài Gòn qua tin nhắn, cho rằng:

“Nhận định như vậy là thiếu chính xác và có tính chất chụp mũ. Nhà báo có đăng và hỏi như vậy cũng chỉ muốn cán bộ giải trình về nguồn gốc tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh nghi ngờ từ quần chúng nhân dân, chưa có gì vì phạm pháp luật.”

Nhận định như vậy là thiếu chính xác và có tính chất chụp mũ. Nhà báo có đăng và hỏi như vậy cũng chỉ muốn cán bộ giải trình về nguồn gốc tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh nghi ngờ từ quần chúng nhân dân, chưa có gì vì phạm pháp luật.<br/>-Luật sư Nguyễn Duy Bình

Theo Luật sư Bình, hiện luật báo chí và các văn bản pháp luật khác không có quy định nào cấm nhà báo thực hiện những hành vi đó. Về địa vị xã hội, nhà báo cũng là một công dân nên có quyền giám sát, kiểm tra, phản biện nên khi thấy cán bộ có tài sản lớn vượt quá mức thu nhập thì có quyền hỏi, nghi ngờ và chính cán bộ đó phải có nghĩa vụ giải trình với cơ quan, tổ chức và với cả nhân dân. Vì vậy, ông cho rằng, một vị chủ tịch hội nhà báo mà có phát biểu ấu trĩ như vậy thì thật là đáng tiếc.

Từ Hà Nội, Nhà báo Ngô Nhật Đăng thì cho rằng, ông Chủ tịch Hội Nhà báo đã một lần nữa khẳng định, báo chí nhà nước Việt Nam là báo chí công cụ. Ông nói tiếp:

“Chúng ta cũng biết, thiên chức của nhà báo, ngoài chuyện đưa tin các vấn đề xã hội, cũng là người phản ánh những chuyện xã hội quan tâm, người dân phẫn uất… ví dụ như chuyện tham nhũng, mà ông Chủ tịch Hội Nhà báo lại cho rằng chụp ảnh nhà quan chức là vi phạm pháp luật thì tôi cho rằng chính ông ta đã làm nhục cái danh hiệu nhà báo.”

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Khả Thành cũng cho rằng, đây là quyền của nhà báo:

“Thật sự cái đó là quyền của nhà báo mà, có gì đâu mà nói vi phạm cái này cái khác. Ông Chủ tịch Hội nhà báo dùng từ ‘nhăm nhăm’ thì tôi nghĩ không có nhà báo nào ‘nhăm nhăm’ đi làm chuyện đó, mà có lẽ trong công tác họ tình thấy việc đó… hoặc do người dân phản ánh về vấn đề đó thì họ mới chụp thôi.”

Ảnh minh họa: Một sạp bán báo ở Việt Nam.
Ảnh minh họa: Một sạp bán báo ở Việt Nam. (AFP)

Còn nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải thì cho rằng, khi công dân "chụp hình nhà cửa của cán bộ đưa lên mạng, hỏi tiền đâu mà xây", công dân đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước. Công dân đã thể hiện quyền và trách nhiệm của mình là giám sát quan chức và hệ thống công quyền. Theo nhà báo Chu Vĩnh Hải, ông Thuận Hữu đã tỏ ra không hiểu gì về luật pháp. Là một nhà báo, lẽ ra ông Thuận Hữu phải có trách nhiệm cổ vũ cho sự công khai và minh bạch. Với phát ngôn này, ông Thuận Hữu đã cổ súy cho việc tham nhũng của các quan chức.

Luật báo chí 2016 được ban hành ngày 05/4/2016 và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2017. Trong đó, theo quy định tại Điều 25 nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí.v.v…

Từ Sài Gòn, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định:

“Tôi nghĩ điều 4 Hiến pháp Việt Nam đã nói rất rõ, là Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với dân, chịu sự giám sát của dân, và chịu mọi trách nhiệm với việc họ làm ra. Cũng như điều 25 của Hiến pháp đã nêu rõ, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Ngoài ra luật tiếp cận thông tin có hiệu lực tháng 7 năm 2018 có quy định rất rõ về tiếp cận thông tin, vì vậy ông Thuận Hữu với tư cách là một nhà báo, mà lại là tờ báo nhân dân, thì tôi nghĩ rằng chính ông ta đang vi phạm pháp luật khi phát ngôn như vậy.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, luật Việt Nam không cấm nhà báo và người dân dùng thiết bị để ghi hình, định vị, để thực hiện nghiệp vụ của mình. Như luật báo chí có quy định, họ có thể sử dụng nghiệp vụ để chống tham nhũng, hay điều tra tội phạm, nhưng mà phải làm sao đừng phạm hiến định. Bởi trong hiến pháp 2013, điều 21 có quy định, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, đời sống gia đình. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Nhưng ta có thể dùng cách khác, cái chụp hình ảnh đó người dân họ biết hết, nhà nào to, quan chức nào… làm sao qua mắt người dân… mình sẽ làm kiểu khác. Chống tham nhũng nhưng phải chính xác, có phải nhà của cán bộ đó không hay người khác đứng tên, vì cán bộ đó phải kê khai tại sao họ có. Cho nên phải có bằng cớ và phải chính xác. Cuộc chiến chống tham nhũng phức tạp, khó khăn nên mình phải cẩn trọng, vì đôi khi mình tích cực thì lại vi phạm luật.”

Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực tháng 7 năm 2018 có quy định rất rõ về tiếp cận thông tin, vì vậy ông Thuận Hữu với tư cách là một nhà báo, mà lại là tờ báo nhân dân, thì tôi nghĩ rằng chính ông ta đang vi phạm pháp luật khi phát ngôn như vậy.<br/>-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cần cẩn trọng bởi vì, Việt Nam khi thông qua Bộ luật dân sự 2014, có một cái quyền là quyền cá nhân đối với hình ảnh, tức là sử dụng hình ảnh của một cá nhân thì phải được người đó đồng ý, vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao. Chỉ có những trường hợp sử dụng hình ảnh phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng… mà không tổn hại uy tín danh dự của người đó… thì không cần xin phép.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cũng cho rằng tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên Luật sư Nguyễn Khả Thành lại không đồng tình:

“Những trường hợp người ta thấy ông này ông kia tự nhiên giàu bất chính, thì những tài sản đó làm sao luật bảo vệ được. Quy định là một chuyện, nhưng làm được hay không là chuyện khác. Nếu làm nghiêm được những gì pháp luật quy định bây giờ, thì sẽ giảm bớt những cái không rạch ròi. Thành ra quy định và thực hiện nếu song hành được với nhau thì quá tốt.”

Cũng có ý kiến cho rằng, những vi phạm trên mạng xã hội như lời ông Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu lên thì đã có Luật An Ninh Mạng kiểm soát. Tuy nhiên cũng có lo ngại, tuyên bố của ông Thuận Hữu có phải là bước tiếp theo của Luật An Ninh Mạng để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:

“Luật An Ninh Mạng cũng đã có hiệu lực vài tháng rồi, như chúng ta cũng thấy, những người đưa những chuyện tiêu cực hay phản ứng trên mạng lại nhiều hơn. Thành ra tôi thấy rằng, ông Chủ tịch Hội Nhà báo nói như vậy thì theo tôi, nhà nước đã cảm thấy luật an ninh mạng không có tác dụng gì với nhân dân cả.”

Luật An ninh mạng của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018 với hơn 86% phiếu tán thành, và đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bất chấp những phản đối của nhiều người dân và những quan ngại được một số tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ đã nêu ra trước đó. Lý do phản đối vì quan ngại luật này được làm ra để xiết chặt thêm nữa quyền tự do ngôn luận của người dân.