Vào ngày 12/1/2021, khi báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định “Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự”. (!?)
Cụ thể ông Bình cho rằng: ‘Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội’.
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 12/1, Luật sư Phạm Công Út, nhận định:
“Nói là không có án oan là nói theo kiểu chủ quan của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan. Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường, đó là việc tôi biết và có trực tiếp tham gia trong việc bồi thường án oan.”
Theo Luật sư Phạm Công Út, ngoài ra còn rất nhiều vụ án oan khác trên báo chí hoặc không trên báo chí, mà ông không nắm rõ chi tiết. Ông nói tiếp:
“Như vậy nói không có án oan là không đúng, tại vì việc ông Võ bà Thưởng cách nay 2 năm rơi đúng nhiệm kỳ ông Nguyễn Hòa Bình. Do đó đây là câu nói mang tính báo cáo, nhưng mà không trung thực. Mà cấp dưới báo cáo không trung thực thì ngân sách ở đâu ra để bồi thường cho những người bị hàm oan. Tất nhiên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng là người phê duyệt mức bồi thường hoặc các phương án giải quyết bồi thường, do đó không thể nói ông Nguyễn Hòa Bình không biết hay không nghe báo cáo.”
Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan. Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường.
-Luật sư Phạm Công Út
Ông Nguyễn Văn Võ và vợ là bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, vào tháng 10 năm 2018 trong vụ tranh chấp đất đai bị đưa ra xét xử với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Sau đó bị tuyên mỗi người 24 tháng tù nhưng cho bà Thưởng được hưởng án treo.
Cả hai kháng cáo kêu oan đến ngày 21/9/2019, cơ quan Công an huyện đã ban hành các quyết định đình chỉ vụ án, lý do là đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Đến ngày 5/6/2020, TAND huyện Tuy Đức đã tổ chức xin lỗi, cải chính minh oan công khai đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trước đây tại Việt Nam tình trạng án oan được nhiều người quan tâm qua các vụ như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội; ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm ngồi tù oan mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người; hay vụ ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, gần 17 năm ngồi tù oan, và chỉ được đình chỉ điều tra sau khi công an tìm ra hung thủ giết người.
Mới nhất là vào ngày 12/10/2020, VKSND tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án ‘Cướp tài sản riêng của công dân’. Vụ án oan này đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979 và có hai người đã chết không được nhận bồi thường.
Đây không phải là lần đầu tiên Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo không có án oan sai trong nhiệm kỳ của ông. Vào ngày ngày 6/11/2020 khi báo cáo trước Quốc hội, ông đã nói các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.
Trả lời RFA khi đó từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh đã bày tỏ sự ngạc nhiên về lời phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình:
“Dường như ông không nắm được về tình hình xét xử vụ án hình sự. Trong nhiều năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, hơn nữa những vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Không hiểu tại sao ông lại nói tòa án chưa bao giờ có vụ oan sai như vậy. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long, khá nhiều, trước mắt tôi chưa kể được nhưng thống kê thì xấp xỉ 10 vụ.”
Ngoài ra, vụ án được nhiều người quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Anh Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói về vụ án này:
“Vụ án Hồ Duy Hải thì đúng phương diện pháp lý thì chưa được kết luận là án oan sai nhưng qua quá trình xét xử nhiều cấp tòa, thậm chí ở cấp sau cùng đi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người xem xét vụ án thì chính công chúng cũng chỉ ra một loạt sai phạm mà lẽ ra chỉ cần 1 trong những sai phạm ấy thì vụ án phải được xem xét như án oan sai.”
Trong nhiệm kỳ qua của ông Nguyễn Hòa Bình, thì theo nội quy đó nhiều luật sư bị dẫn giải ra ngoài một cách vô cớ, bị phản ứng của Liên đoàn Luật sư VN, nhưng vẫn lập đi lập lại.
-Luật sư Phạm Công Út
Vào ngày 2 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49 -NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Vậy đến nay, hiệu quả của việc cải cách này như thế nào? Luật sư Phạm Công Út nhận định:
“Ngành tư pháp tố tụng của Việt Nam đã bước qua giai đoạn cải cách tư pháp theo nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, tức hết thời hạn cải cách tư pháp. Nhưng có thành công hay không, thì theo tối có những bước tiếng chỉ mang tính chữ nghĩa, chứ đi vào thực tiễn thì có những bước lùi. Ví dụ như bảng nội quy phiên tòa trong các Tòa án không giống luật tố tụng. Thay vì luật có 3 loại gồm tố tụng hành chánh, dân sự và hình sự... thì họ gộp chung lại thành một nội quy phiên tòa. Trong nhiệm kỳ qua của ông Nguyễn Hòa Bình, thì theo nội quy đó nhiều luật sư bị dẫn giải ra ngoài một cách vô cớ, bị phản ứng của Liên đoàn Luật sư VN, nhưng vẫn lập đi lập lại.”
Ngoài ra theo Luật sư Phạm Công Út còn có vấn đề an ninh tại các phiên tòa, ví dụ như vụ xét xử Luật sư Trần Vũ Hải, chỉ là thường án chứ không phải trọng án hay vi phạm an ninh quốc gia, nhưng lực lượng an ninh dầy đặc cảnh sát bào vệ phiên tòa. Ngoài ra tòa còn dùng máy phá sóng, không cho sử dụng công nghệ thông tin... Ông nói tiếp:
“Trong khi nhà nước hướng về chính phủ điện tử, luật sư họ cũng muốn là luật sư điện tử, tức là tất cả văn bản pháp luật nằm trong điện thoại thông minh, chứ không cần ôm theo cả tủ sách vào phiên xử. Nhưng tòa án lại không cho luật sư đem điện thoại, laptop hoặc bất cứ vật dụng gì vào... rồi tòa cấp giấy bút và cho mượn laptop. Nhưng cuối phiên xử luật sư sao chép lại từ laptop đó thì tòa lại không cho.”
Như vậy việc cải cách tư pháp vừa qua theo Luật sư Phạm Công Út là đi thụt lùi, trước đây theo ông là không ngăn cấm trái luật như thế. Ngoài ra còn nhiều rào cản đối với luật sư, ví dụ như quyền có luật sư của bị can... Nhưng quyền đó theo ông chỉ nằm trên giấy, chứ thật sự những bị can bị rơi vô tình huống vô vọng. Theo luật, ngay cả họ từ chối luật sư hoặc bị ép từ chối thì luật sư được vào gặp trực tiếp... Tuy nhiên việc này không được thực hiện. Như vậy theo Luật sư Phạm Công Út, luật đặt ra chỉ như những bông hoa nhỏ, chứ không đi vào đời sống thực tiễn của ngành tố tụng.