Tiếp tục hoãn đối thoại với dân Thủ Thiêm vì COVID-19

0:00 / 0:00

Tiếp tục trì hoãn đối thoại?

Tại buổi họp báo kinh tế xã hội tháng 9 tổ chức vào chiều ngày 9/9, khi trả lời truyền thông trong nước vấn đề chậm trễ tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm tại 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh ở quận 2, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian tổ chức sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho bà con.

Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ họp thứ VI khóa IX tháng 6/2002 xác định là một dự án công trình trọng điểm của thành phố trong đầu thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, những sai phạm về đất đai và đền bù trong khi thực hiện dự án đã khiến người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện ròng rã hơn 20 năm qua để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với RFA tối 10/9, ông Cao Thăng Ca, một người dân sống tại Thủ Thiêm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho biết ông hoàn toàn không lạ gì với việc dời lại buổi đối thoại lần này:

“Việc thành phố Hồ Chí Minh luôn trì hoãn, lùi hết thời gian này sang thời gian khác cho thấy vấn đề pháp lý cơ sở của họ không đúng theo pháp luật và người ta đang tìm cách, suy nghĩ mưu hèn kế bẩn đánh lừa dư luận và trung ương nhằm áp bức người dân Thủ Thiêm, việc này chúng tôi biết quá rõ. Tất cả những việc thành phố Hồ Chí Minh không đối thoại với người dân đi khiếu nại đã xảy ra từ năm 2016. Có văn bản của Ban Tiếp dân trung ương là (văn bản số) 119 năm 2016 đã yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh phải tổ chức đối thoại với người dân nhưng từ năm 2016 tới giờ người ta không dám đối thoại dân Thủ Thiêm mà chỉ mở ra những cuộc tiếp dân rồi lắng nghe, dân nói sao người ta ghi nhận rồi về nhà người ta đưa ra thông báo theo ý kiến của họ. Thực chất người ta không dám đối thoại, không dám tranh luận với người dân Thủ Thiêm.”

Trong khi đó, ông Lê Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm từng trong nhóm khởi kiện về sai phạm ở Thủ Thiêm lại có nhận định khác:

“Qua cái trả lời này, nói đúng ra bà con số đông cho rằng thành phố cứ tránh né, hứa hoài cuộc đối thoại không có thật tâm xúc tiến đối thoại với bà con để làm rõ chuyện trong ranh, ngoài ranh. Dân hối thúc phải đối thoại, cho là chính quyền né tránh, tôi không nghĩ vậy đâu. Chẳng qua là họ chưa thuận tiện thời điểm để xúc tiến cuộc đối thoại này chứ không phải tránh né.”

Trên các diễn đàn, nhiều nhận định cho rằng tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 tại thành phố lớn nhất miền Nam đang được nới lỏng khi học sinh đã được đến trường, các quán bar được hoạt động trở lại, khu phố Tây Bùi Viện cũng đã được phép mở cửa trở lại, nên việc dời cuộc đối thoại vì lý do đảm bảo sức khỏe người dân chỉ là cách kéo thời gian của lãnh đạo thành phố.

Không đồng tình với quan điểm vừa nêu, ông Lê Văn Lung cho rằng lý do thành phố đưa ra có thể thông cảm được:

“Vấn đề giãn cách thì quán bar hay quán xá gì của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xả rồi, do đó lý do vì dịch COVID không nên tụ tập đông người, nhất là buổi đối thoại vì rất đông theo yêu cầu của bà con. Cá nhân tôi thì tôi thấy lý do này đúng ra cũng không thể xác định, không bắt bẻ được vì còn phụ thuộc vào thanh tra chính phủ và các Bộ tham gia buổi đối thoại thì theo thành phố là phụ thuộc ở ngoài (bắc) mà mấy ông cán bộ ngay dịch này cũng còn ngại mà mấy ông lại cho rằng do đảm bảo bà con, giữ sức khỏe bà con an toàn.”

Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1/2020 đã thống nhất tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân Thủ Thiêm từ ngày 17-22/2.

Tuy nhiên, hai cơ quan vừa nêu sau đó lại quyết định chưa tổ chức buổi đối thoại vì cho rằng các cơ quan, đơn vị đang tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ảnh minh họa: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao.
Ảnh minh họa: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. (RFA Edited)

Tới tháng 5, lãnh đạo thành phố cho biết các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm, trong đó có buổi đối thoại phải hoàn tất trong tháng 6/2020.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 2 ngày 23/6 cho hay Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện việc đối thoại với người dân Thủ Thiêm về vấn đề trong ranh, ngoài ranh đang phát sinh vào tháng 7. Đồng thời khẳng định “Các cơ quan không có sự tránh né, vẫn thường xuyên lắng nghe cử tri và đang cố gắng sớm giải quyết”.

Hy vọng nào cho người dân Thủ Thiêm

Mãi đến ngày 9/9, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Phước Thắng mới cho báo giới trong nước biết Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm phải tập trung giải quyết trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khai mạc ngày 15/10.

Theo lời ông Thắng nói với báo quốc nội, các lãnh đạo thành phố cũng đưa ra đánh giá cho rằng giải quyết việc Thủ Thiêm quan trọng, cấp bách nên phải tập trung để xử lý. Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức đối thoại đã sẵn sàng, các nội dung đối thoại về cơ bản đã xong.

Theo ông Cao Thăng Ca, thông tin mà lãnh đạo thành phố cung cấp thực chất chỉ đang định hướng dư luận bằng cách mời các báo đài trong nước để định hướng xem trước khi đối thoại, trong khi đối thoại và sau khi đối thoại phải làm sao để đồng thuận với những chủ trương của thành phố.

“Hiện cơ sở pháp lý về việc khiếu nại của người dân Thủ Thiêm đã được Thanh tra chính phủ theo Kết luận 1483 nói rất rõ rồi. Mặc dù Kết luận kiểm tra 1483 đó chỉ mới kết luận 4,3 ha nằm ngoài nhưng người dân Thủ Thiêm hỏi căn cứ vào đâu để chỉ có 4,3 ha nằm ngoài thôi thì người ta không có căn cứ nào hết. Trong khi chúng tôi có đầy đủ chứng cứ một cách thuyết phục rằng việc chúng tôi khiếu nại ngoài ranh quy hoạch, ngoài ranh thu hồi đất là hoàn toàn có cơ sở. Thành ra bây giờ người ta đối thoại do chính phủ chủ trì mà một khi chúng tôi nêu được những chứng cứ chứng minh một cách thuyết phục như vậy chắc chắn người ta sẽ không biết cách nào đối phó.”

Với quan điểm cá nhân, ông Lê Văn Lung lại cho rằng với những lý do dịch bệnh mà phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra để dời lại cuộc đối thoại, người dân nên coi đây là một cơ hội tốt để chuẩn bị thêm. Ông đưa ra nguyên nhân:

“Xúc tiến ngay thời điểm này, với lý do thành phố đưa ra như vậy, mà miễn cưỡng tổ chức thì số lượng bà con chúng tôi vào cuộc đối thoại sẽ bị hạn chế. Cái thứ hai nó sẽ bị hạn chế các phóng viên báo đài. Còn bà con mỗi nhóm đại diện vô 5 người, 3 nhóm 15 người, cộng với các cán bộ các Sở, ngành thành phố và cán bộ cơ quan trung ương phải không quá 30 hay 50 người. Nên tôi nghĩ để chin chắn, bên góc độ bà con thì nên chậm lại thời điểm này một chút, chứ mấy ổng đã viện lý do do dịch thì bà con vô 15 người trong cuộc đối thoại không có báo đài, phóng viên, luật sư thì điều đó bất lợi cho bà con.”

Do đó, ông Lê Văn Lung cho rằng đối thoại với bối cảnh và thành phần như ông vừa nêu thì người dân không thể thắng mà chỉ có thua.

“Như vậy chính quyền mới tổ chức cho đối thoại chứ dân thắng thì họ không tổ chức đâu, vì nếu dân có đầy đủ chứng cứ mà chính quyền cảm thấy ngại thì họ giải quyết bằng một cách khác, một phương pháp khác. Khi chính quyền chấp nhận đối thoại có thanh tra chính phủ chủ trì thì điều bất lợi tôi biết chắc nó sẽ nằm ở phía bà con.”

Nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn từng ngày sống trong những khu tạm bợ chờ được đền bù thỏa đáng trong khi các quan chức đứng đầu thành phố liên tục gặp gỡ người dân, hứa sẽ sớm giải quyết dứt điểm cho người dân.