Nhất thể hoá là khái niệm không còn mới ở Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, nhất thể hoá đã được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề nhất thể hoá các chức danh cao nhất trong Đảng và Nhà nước liệu sẽ được áp dụng trong bối cảnh hiện nay và quá trình này sẽ gặp những khó khăn hay thuận lợi gì? Phóng viên đài RFA đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Việt Nam.
RFA: Thưa giáo sư, ngày 13/2 vừa qua, Tổng bí thư CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, đã có cuộc gặp mặt chúc Tết các vị lão thành cách mạng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời gửi đi lời chúc tết đến đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào ở hải ngoại. Theo truyền thống thì hoạt động này được chỉ được thực hiện bởi Chủ tịch nước vào thời khắc giao thừa trên sóng truyền hình quốc gia mà thôi. Giáo sư nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Ngay sau khi được Đại hội Đảng lần thứ XII tái bầu làm Tổng bí thư, ông Trọng đã bắt tay vào việc củng cố quyền lực của Đảng trên toàn thể hệ thống chính trị qua viêc cắt cử người vào các vị trí lãnh đạo ở trung ương và chiến dịch đánh tham nhũng để loại bỏ các phần tử mà ông cho là bất xứng và lạm quyền. Kết quả là ngày nay Tổng bí thư là người có thực quyền cao nhất. Việc để cho ông Trọng chúc Tết cả nước phản ánh thực tế chính trị ấy. Để đề cao một phần nào vai trò của Chủ tịch nước trên bình diện quốc tế, ngay sau đó, ngày 14/2, ông Trần Đại Quang đã được cắt cử điện đàm với Tổng thống Donald Trump để trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Khó có thể nói rằng việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước "sẽ sớm xảy ra nay mai" - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
RFA: Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đã áp dụng mô hình nhất thể hoá và đã thu được những thành công đáng kể. Hiện tại cũng đã có nhiều địa phương cấp xã, huyện đã được áp dụng mô hình này. Vậy giáo sư có nghĩ rằng việc nhất thể hoá các chức danh cao nhất, cụ thể là Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ sớm xảy ra trong nay mai không? Ý kiến của ông như thế nào nếu trường hợp này xảy ra?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng Về trường hợp Quảng Ninh thì người ta khen nhiều lắm. Tuy nhiên, vấn đề gộp chức danh đã đươc ghi vào Nghị quyết của Đại hội XII từ hai năm trước đây. Tháng 3 năm ngoái, trong một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của môt số ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, môt số người đề nghị nên hợp hai chức danh thành một tại một số tỉnh. Trong giai đoạn đó cũng có người như Tiến sĩ Nguyên Sĩ Dũng đề cập đến khả năng hợp hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Nhưng trong bài diễn văn bế mạc Trung ương VI kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trọng chỉ nói đến việc nhất thể hóa chức vụ chỉ huy ở những huyện nào mà "điều kiện cho phép" mà thôi. Nghĩa là Đảng vẫn hết sức dè dặt. Trong tình trạng ấy, khó có thể nói rằng việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước "sẽ sớm xảy ra nay mai."
RFA: Vậy đâu là những khó khăn và thuận lợi của việc nhất thể hoá các chức danh cao cấp nhất trong Đảng và Chính quyền, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điểm thứ nhất, về phương diện nghi lễ, thủ tục ngoại giao thì nó làm giản dị trong việc những người lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam khi tiếp xúc với nước ngoài. Còn về phương diện thực tiễn, chính trị thì nó rất lợi vì nó tạo ra cái mà người ta gọi là "chỉ huy thống nhất" – chỉ có một người nói thôi. Còn cái phương cách gọi là lãnh đạo tập thể hay quyết định tập thể nó chỉ là kết quả của mẫu số chung nhỏ nhất thành ra không thể làm những quyết định có tính cách quyết liệt, kịp thời, nhanh chóng, vốn là những quyết định hết sức cần thiết để đối phó với tình trạng thế giới thay đổi rất nhiều. Vì thế nên Việt Nam trong quá khứ đã bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vì sự lừng chừng. Đó là việc lợi của nó. Còn việc khó khăn hay không khó khăn thì mình thấy ở các nước, rất nhiều Đảng cộng sản có thể nói thầu hết, thì họ đều nhất thể hoá cả, Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn nhà lãnh đạo của Hành pháp. Nhưng riêng Việt Nam thì Đảng lãnh đạo tuyêt đối và được đại diện bởi ông Tổng bí thư, còn Hành pháp thì chỉ thi hành thôi và việc thi hành đại diện bởi ông Thủ tướng nhưng ở Việt Nam thì hành pháp lại có thêm ông Chủ tịch nước nữa. Do đó, sự hợp tác giữa hai bên có khó khăn hơn và đó là vấn đề của Việt Nam vì đã có ông Thủ tướng lại có thêm ông Chủ tịch nước nữa. Có lẽ một phần vì nhưng lý do ấy mà Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nga Xô từ năm 1953 đã kiêm nhiệm luôn chức Thủ tướng năm 1958.
Ở các nước, rất nhiều Đảng cộng sản có thể nói thầu hết, thì họ đều nhất thể hoá cả rồi - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
RFA: Cho đến thời điểm hiện tại, nhất thể hoá đã được áp dụng tương đối thành công tại Trung Quốc với việc ông Tập Cận Bình kiêm nhiệm cùng lúc chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước? Theo giáo sư, Việt Nam liệu có học tập hoàn toàn mô hình này và xác suất thành công khi đươc áp dụng ở Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi đã nói thì đây là mô hình lý tưởng của các nước cộng sản mà hầu hết họ đã làm rồi, chỉ còn Việt Nam thôi. Tuy nhiên ở Việt Nam, vì lý do lịch sử hay là lý do cá nhân thì từ năm 1997, thì đã có chế độ Tam đầu chế, gồm Thủ tướng – Đảng - Quân đội thành ra vậy. Nhưng bây giờ đến giai đoạn này rồi thì họ bắt đầu dần cải tổ. Thành ra trong nhiều năm vừa rồi họ đã nói về chuyện nhập 2 chức danh đó để giản tiện nhưng thực tế chính trị Việt Nam chưa cho phép nhập 2 chức danh đó. Nhưng mà hiện nay chúng ta thấy họ đang làm từ từ. Họ mới sát nhập một số chức ở quận/ xã thôi. Trong Chính phủ như hội nghị tháng 3 tôi nói vừa rồi đó, thì họ chỉ nói đến nhất thể hoá ở cấp tỉnh thôi, còn ở cấp trung ương nhất thì chưa thấy ai đề cập đến. Ở ngoài thì có thể có một số người đã nói đến như ông Nguyễn Sĩ Dũng hay một số người khác nhưng trong Đảng chính thức thì chưa thấy có ai đề cập đến vấn đề này cả.
RFA: Xin cảm ơn giáo sư về buổi phỏng vấn!