Cambodia kỳ thị người Khmer Krom?

Những người Khmer Krom sống ở Việt Nam cáo buộc chính phủ Việt Nam đàn áp, hạn chế nhiều quyền tự do so với người Việt. Nhiều người Khmer Krom biểu tình ôn hòa bị đàn áp, buộc phải lánh nạn sang Campuchia, nhưng lại bị kỳ thị tiếp.

0:00 / 0:00

Tị nạn, vẫn bị kỳ thị

Đây là những điểm được nêu ra trong báo cáo của Trung Tâm Nhân Quyền Campuchia mới được công bố hồi đầu tháng 7 này. Trung tâm này, là Tổ chức theo dõi nhân quyền của Campuchia, cho biết trong bản báo cáo được công bố vào ngày 4/7/2011 rằng có rất nhiều nhà vận động ôn hòa cho cải cách dân chủ, tự do tôn giáo, giáo dục, quyền sở hữu đất đai và nhân quyền người Khmer Krom tiếp tục là nạn nhân ở Việt Nam. Họ cũng bị kỳ thị và từ chối cấp giấy chứng minh nhân dân sau khi lánh nạn sang Campuchia.

Những người Khmer Krom đứng lên đấu tranh vì dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng và khiếu nại đất đai luôn bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu chụp mũ là ly khai. Bên cạnh đó, văn hóa, quyền học chữ Khmer, quyền quan hệ với người ở ngoài nước cũng bị chính quyền kèm kẹp một cách nghiêm ngặt.

Kể từ năm 1975, chính phủ Việt Nam đóng cửa các trường công lập kể cả trong các nhà chùa dạy tiếng Khmer. Việc giảng dạy ngôn ngữ Khmer bây giờ được phép, tuy nhiên rất hạn chế, cơ quan nhà nước kiểm tra giáo trình trước khi đưa ra giảng dạy. Giáo dục ngôn ngữ Khmer hiện nay gần như hoàn toàn bị giới hạn trong chùa. Kết quả nghiên cứu là 80% phụ nữ Khmer Krom không biết đọc tiếng Khmer. Tỷ lệ học sinh Khmer Krom bỏ học rất cao khoảng 56%. Đời sống của họ gặp khó khăn, buộc họ phải lên thành phố để tìm việc làm.

họ là dân tộc thiểu số dễ bị kỳ thị nhất ở Việt Nam mà còn phải gặp khó dễ sau khi họ lánh nạn sang xứ này.

Giám đốc trung tâm nhân quyền Cambodia

Ông Ou Virak, Giám đốc Trung tâm nhân quyền Campuchia cho biết kể từ cuộc biểu tình vào năm 2008, nhiều nhà đấu tranh Khmer Krom bị chính quyền Việt Nam bắt bớ bỏ tù, nhiều người buộc phải chọn Campuchia làm nơi lánh nạn để xin cơ quan Cao Ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn sang định nước thứ 3, nhưng họ bị cơ quan này từ chối vì chính phủ Phnom Penh thừa nhận những người Khmer Krom là người Khmer, những người này có quyền sinh sống và làm ăn tại xứ này. Ông Ou Virak nhấn mạnh họ là dân tộc thiểu số dễ bị kỳ thị nhất ở Việt Nam mà còn phải gặp khó dễ sau khi họ lánh nạn sang xứ này.

Phnom Penh phải chiều theo Hà Nội

Ông Thạch Soong, 51 tuổi, người Khmer Krom gốc Sóc Trăng lánh nạn sang Campuchia để xin tị nạn và sau đó tiếp tục chạy sang Thái Lan trong năm 2009 cho hay sống ở Việt Nam rất khó vì chính phủ Việt Nam luôn theo dõi những nhà bất đồng chính kiến, tịch thu đất đai, hạn chế hoạt động tuyên truyền văn hóa, phong tục tập quán. Ông cho rằng lý do mà chính phủ Hoàng gia Campuchia không cho họ nhập quốc tịch vì Campuchia làm theo lời chỉ đạo của chính phủ Hà Nội là sợ cộng đồng người Khmer Krom tận dụng xứ này đấu tranh đòi sáp nhập lãnh thổ với Campuchia hay gây rối trật tự an ninh ở Việt Nam.

Ông Thạch Soong nhận định, “chính phủ Campuchia thường thông báo rằng họ chấp nhận người Khmer Krom sống tại Campuchia nếu họ lánh nạn sang nước này nhưng thực tế họ chỉ nói bằng lới nói của họ. Coi như là đầu môi chót lưỡi thôi, chứ họ không chấp nhận hay làm thủ tục cho người Khmer Krom. Lý do là họ phải tuân theo chính phủ Hà Nội. Chính phủ Hà Nội đặt vấn đề cho chính phủ Campuchia, coi như là đừng cho chính phủ Campuchia cấp những tài liệu hợp pháp cho những người Khmer Krom. Tại vì người Khmer Krom là một dân tộc thiểu số đòi tự do tại Việt Nam, rồi lánh nạn sang Campuchia, cho nên coi như là bị khinh bỉ.”

Người Khmer Krom này còn chia sẻ về khó khăn khi ông xin tị nạn ở Campuchia, “chính bản thân tôi gặp khó khăn rất nhiều, coi như là về mặt đời sống khó khăn, về mặt an ninh cũng rất là khó khăn, mình muốn đi mướn nhà trọ ở, không có giấy chứng minh nhân dân thì họ không cho mình mướn…rất là khó.”

Liên quan vấn đề này, phát ngôn viên bộ Nội Vụ Campuchia Khieu Sopheak giải thích rằng những người đào thoát từ Việt Nam vì họ tin lời kích động của Tổ chức Khmer Krom ở ngoài nước để chống đối Việt Nam. Điều này luật pháp của chính phủ Hoàng gia Campuchia không cho phép. Ông Khieu Sopheak cũng nhấn mạnh những người Khmer Krom đặt chân tới xứ Chùa Tháp đều trở thành công dân Campuchia. Còn những người muốn có giấy chứng minh nhân dân thì buộc họ phải có địa chỉ, nơi cư trú vĩnh viễn.

Tuy nhiên Giám đốc Trung tâm nhân quyền Campuchia Ou Virak cho rằng đó là lời giải thích của chính phủ. Ông nói vấn đề cấp gấy chứng minh nhân dân cho người Khmer Krom có liên quan đến chuyện tham nhũng trong khi họ là những người đến từ nơi xa không tiền bạc. Hơn nữa, vấn đề người Khmer Krom có liên quan đến Việt Nam là vấn đề tế nhị. Nếu chính phủ cho phép họ nhập quốc tịch thì không khác gì chính phủ thừa nhận Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số này.

Hà Nội: không có kỳ thị

Người Khmer Krom gốc Trà Vinh bán mì xào ở Phnom Penh- RFA photo
Người Khmer Krom gốc Trà Vinh bán mì xào ở Phnom Penh- RFA photo (RFA photo)

Vẫn chưa có phản ứng từ chính phủ Việt Nam liên quan bảng báo cáo này, nhưng trước đây phát ngôn viên của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia ông Lê Minh Ngọc từng nói với RFA rằng những thông tin mà tổ chức theo dõi nhân quyền nhận được là do những cá nhân có ý thức chống đối chính quyền Việt Nam. Ông nói:

“Tất cả những thông tin cho rằng Việt Nam đàn áp nhân quyền, vi phạm tôn giáo những người tín ngưỡng là những thông tin mang tính chất không có cơ sở. Còn riêng đối với người Khmer Krom đã rất nhiều lần người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói Việt Nam tôn trọng tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như nhau. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không hề có chuyện phân biệt đối xử giữa người dân tộc này hay dân tộc khác trong tất cả các dân tộc của Việt Nam.”

Theo cuộc điều tra dân số của chính phủ Việt Nam năm 1999, có 1.055.174 người Khmer Krom ở Việt Nam. Campuchia gần đây tuyên bố có khoảng 82.000 người Khmer Krom sống tại Campuchia. Trước đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cũng lên tiếng nói Việt Nam vi phạm nhân quyền người Khmer Krom.