Thân phụ nghi phạm Đoàn Thị Hương, một công dân Việt Nam vô tình tham gia vào vụ ám sát người anh trai của ông Kim Jong Un, mong lãnh đạo Việt Nam nêu vấn đề con ông ra khi tiếp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un.
Chiều ngày 01-3-2019, Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sau một kỳ Thượng đỉnh không thành công với phía Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày.
Chỉ trong vòng buổi chiều tối, các lãnh đạo hàng đầu hiện nay ở Việt Nam như Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều đã gặp lãnh tụ Bắc Hàn.
Thân phụ cô Đoàn thị Thương mong mỏi vấn đề con ông được phía lãnh đạo Việt Nam đưa ra.
Ngày 13-12-2017, ông Kim Jong Nam, người anh ruột của ông Kim Jong Un bị 2 người phụ nữ dùng chất độc thần kinh VX bôi vào mắt và tử vong ngay sau đó.
Một trong 2 người phụ nữ đó là cô Đoàn Thị Hương - công dân Việt Nam, người nói mình chỉ được thuê mướn để tham gia vào một trò đùa vô hại trên truyền hình.
Tuy nhiên, các công tố viên Malaysia cáo buộc cô Hương và một nữ công dân người Indonesia thông đồng với 4 người Bắc Triều Tiên để giết anh trai cả của ông Kim Jong Un.
"N ó i cho phí a Tri ều Ti ê n để Hươ ng v ô tội và được về nh à "
Ông Đoàn Văn Thạnh, bố của cô Đoàn Thị Hương nói qua điện thoại như vậy với chúng tôi khi được hỏi, ông mong muốn lãnh đạo Việt Nam khi gặp lãnh tụ Bắc Hàn sẽ nói điều gì.
Ông Thạnh, năm nay 66 tuổi, hiện làm công việc dọn dẹp và trông xe tại một khu chợ gần nhà ở Nam Định cho hay, con gái của ông có gọi điện thoại cho gia đình khoảng 2-3 lần vào năm ngoái. Cuộc gọi cuối cùng của ông và cô Hương là vào cuối năm 2018.
"Gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, gia đình và không nói gì cả. Sức khỏe Hương bình thường, ăn uống tốt," ông Thạnh cho biết.
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi bị gián đoạn giữa chừng giữa những cơn gió rít trong điện thoại khiến không thể nghe gì hơn.
Phiên tòa của cô Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia tên Siti Aishah bị Tòa án Malaysia tạm hoãn hồi cuối tháng 1-2019, và dự tính mở lại vào tháng 3. Phán quyết cuối cùng dự kiến được đưa ra sau ngày 31-7.
Các luật sư của 2 bị cáo yêu cầu cơ quan công tố công bố lời khai của nhân chứng, tuy nhiên bị từ chối.
Phía Hàn Quốc cho rằng Bắc Hàn đứng sau vụ sát hại ông Kim Jong Nam, tuy nhiên Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này.
Nhiều nghi phạm người Triều Tiên trong vụ việc đến nay vẫn chưa bị bắt giữ và hầu tòa giúp củng cố thêm lập luận của các luật sư biện hộ cho rằng hai cô gái này chỉ bị dụ dỗ tham gia vào vụ việc.
Việt Nam cần có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình
Luật gia Phạm Lê Vương Các từ thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ông không rõ trong cuộc gặp của các lãnh đạo Việt Nam có đề cập đến vụ việc của công dân Đoàn Thị Hương hay không, tuy nhiên đứng dưới góc độ một nhà nước, trách nhiệm hàng đầu cảu chính quyền Việt Nam là phải lên tiếng để bảo vệ công dân của mình.
"Rõ ràng trong vụ Đoàn Thị Hương, các đặc vụ Triều Tiên đã núp bóng nhân viên ngoại giao để tiến hành các hoạt động gián điệp tại Việt Nam, việc này đứng về mặt quan hệ ngoại giao quốc tế cho thấy vụ việc này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng niềm tin rất lớn về mối bang giao giữa 2 quốc gia.
Thông thường đứng trên phương diện mà quan hệ ngoại giao của nhà nước thì khi một nhà nước (khác) tiến hành bắt cóc công dân, hoặc dụ dỗ công dân của họ để mà tiến hành những hoạt động này thì họ có thể đi đến hành động “hạ mức cấp độ ngoại giao” thậm chí cắt đứt quan hệ ngoại giao để phản ứng và bảo vệ cho công dân của họ.
Trong chuyện này thì tôi nghĩ rằng là phía nhà nước Việt Nam phải có trách nhiệm, phải lên tiếng để bảo vệ cho công dân của mình là cô Đoàn Thị Hương, một nạn nhân của chế độ Triều Tiên, dụ dỗ để tham gia vào vụ ám sát Kim Jong Nam," ông Các qua điện thoại khẳng định.
Theo luật gia người Sài Gòn, vụ việc ám sát người con cả của cố lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong il hồi năm 2017 là do ông này hay chỉ trích chế độ gia đình trị ở Bắc Hàn từ nước ngoài. Vụ việc này theo ông Các cũng chứng tỏ Bắc Hàn chưa hòa nhập vào cộng đồng chung của thế giới.
"Trước đây, những vụ giết người ngoài vòng pháp luật đã được thực hiện nhiều lần, chẳng hạn như trong vụ việc mà mật vụ Triều Tiên đánh bom chiếc máy bay của Hàn Quốc, giết chết một trăm tám mươi mấy người và cho tới những vụ bắt cóc công dân NHật Bản, Hàn Quốc.
Các vụ việc này theo luật quốc tế được xét là hành vi cưỡng bức mất tích, cho đến bây giờ cũng chưa rõ số phận của hàng trăm công dân quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc. Tóm lại, trong vấn đề Bắc Triều Tiên cho thấy đây là thời điểm của xã hội văn minh nhưng vẫn còn tồn tại những quốc gia như Bắc Triều Tiên bất chấp, không tuân thủ quy định nào của luật quốc tế cũng như đe dọa tới an ninh, hòa bình cho cộng đồng thế giới.
Qua sự việc của Đoàn Thị Hương cho thấy họ vẫn còn tiến hành các hoạt động này, chưa chấm dứt để hòa nhập vào cộng đồng chung của nhân loại," luật gia Phạm Lê Vương Các cho hay.
Căng thẳng ngoại giao giữa Malaysia và Bắc Hàn
Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền Việt Nam đã im lặng một thời gian dài trước khi tổ chức thăm lãnh sự và cung cấp luật sư cho cô Đoàn Thị Hương trước làn sóng chỉ trích ở Việt Nam.
Bắc Hàn thì chưa bao giờ thừa nhận người bị ám sát bằng chất độc thần kinh mang hộ chiếu công vụ của Triều Tiên là Kim Jong Nam, nước này chỉ cho biết người đó tên là Kim Chol như trong hộ chiếu.
Ở chiều ngược lại, Malaysia cáo buộc Bắc Hàn đứng đằng sau vụ việc này. Họ tiến hành trục xuất Đại sứ Bắc Hàn tại Kuala Lumpur về nước đồng thời phát lệnh truy nã ít nhất 7 công dân Triều Tiên được cho là có dính líu tới vụ việc.
Một trong số các nghi phạm bị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol truy nã được BBC dẫn một nguồn tin cho hay đó là con trai cựu đại sứ Bắc Hàn tại Hà Nội.
Theo nguồn tin này, nghi phạm Ri Ji Hyon, 33 tuổi, có cha là cựu đại sứ Ri Hong từng phục vụ hai nhiệm kỳ ở Hà Nội, lần đầu từ 11/1988 tới 4/1993.
Bản thân Ri Ji Hyon ở Việt Nam khoảng 10 năm, nói tiếng Việt thành thạo và bị nghi là đã "lôi kéo và tuyển mộ cô Đoàn Thị Hương tham gia vụ sát hại ông Kim Jong Nam”.
2 nữ nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam và Indonesia đều khẳng định họ được những người Triều Tiên trả khoảng 90 USD để tham gia "trò chơi khăm” trên truyền hình.
Ngay sau vụ việc, 4 người Triều Tiên lập tức lên máy bay trở về quê nhà, trong khi đó 3 người còn lại được tin là vẫn còn ở Malaysia.
Bắc Hàn cũng đáp trả bằng việc trục xuất Đại sứ người Malaysia ở Bình Nhưỡng và cấm công dân Malaysia xuất cảnh.
Chính quyền Malaysia cũng làm công việc tương tự đối với công dân Bắc Triều Tiên.