Tổng thống Hàn Quốc tới thăm Việt Nam đem theo một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Hà Nội hôm thứ năm, trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày từ 22-24/6/2023, tập trung vào việc mở rộng hợp tác kinh tế với quốc gia Đông Nam Á này, thời báo Hàn Quốc Korea Times dẫn nguồn từ hãng tin Yonhap, hôm 22/6/2023, cho hay.

Theo dự kiến, ông Yoon ​​​​sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng vào thứ sáu và thảo luận các cách thức làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được thiết lập giữa hai nước vào năm ngoái. Ông Yoon sẽ có các hội đàm riêng rẽ với Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội VN Vương Đình Huệ, đồng thời tham dự quốc yến.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, được Yonhap dẫn nguồn, cho biết chuyến thăm này sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, với bốn sự kiện kinh tế khác nhau đã được lên kế hoạch, bao gồm hội chợ đối tác song phương, tiệc trưa với các doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam và một diễn đàn doanh nghiệp.

"Thông qua chuyến thăm cấp nhà nước này, chúng tôi có kế hoạch kiểm tra các cơ sở thể chế khác nhau để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế tích cực hơn giữa hai nước và mở rộng phạm vi hợp tác song phương sang các lĩnh vực mới, chẳng hạn như chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ đổi mới và các thành phố thông minh," Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Tae-hyo cho truyền thông biết trước chuyến thăm của ông Yoon.

Vẫn theo Korea Times, một phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc gồm 205 thành viên tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm:

“Đây là phái đoàn lớn nhất dưới thời chính quyền hiện tại, bao gồm Chủ tịch điều hành Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won và Chủ tịch điều hành Tập đoàn ô tô Hyundai Euisun Chung. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Yoon tới một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, dự kiến, ông cũng gặp gỡ cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam, thăm một trung tâm dạy tiếng Hàn và tham dự một sự kiện văn hóa.”

‘Đối tác quan trọng mà Việt Nam muốn tiếp cận nhiều mặt’

Từ Sài Gòn, hôm 22/6/2023, nhà quan sát thời sự, chính trị và bang giao của Việt Nam, ông Hoàng Việt đưa ra bình luận trên quan điểm riêng về sự kiện:

“Hàn Quốc là một nền kinh tế quan trọng, mới nổi ở khu vực châu Á, đồng thời là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á, mà đang cải thiện quan hệ với Nhật Bản… Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Việt Nam như là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà ông đặt chân tới trên cương vị này cho thấy Hàn Quốc đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam đối với khu vực này như thế nào, trong khi với Việt Nam, hàng hóa của Hàn Quốc xuất hiện ở Việt Nam và cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam đều rất nhiều, chưa kể các tập đoàn của Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam rất lớn, trong đó phải kể đến tập đoàn Samsung vốn đóng một vai trò rất quan trọng, đặt biệt ở các tỉnh phía Bắc.

Đó là chưa kể đến việc Hàn Quốc là một quốc gia xuất khẩu vũ khí mà Việt Nam cũng đã mua nhiều vũ khí của họ, ngoài ra Hàn Quốc còn có thế mạnh là đóng tàu. Vì vậy Việt Nam cũng đang muốn tiếp cận nhiều công nghệ hoặc là những vũ khí, khí tài của Hàn Quốc. Mặt khác, Hàn Quốc là một đồng minh quan trọng của Mỹ, mà Việt Nam lại muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Việc thúc đẩy này chắc chắn có nhiều người muốn, nhưng lại gặp cản trở đặc biệt từ phía Trung Quốc, chính vì vậy nhiều người cho rằng Việt Nam có thể chọn phương án khác. Đó là chọn cách thúc đẩy quan hệ với những đồng minh thân thiết của Mỹ, ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia v.v…, điều đó giúp cho Việt Nam phát triển được quan hệ, nhưng không bị sự cản trở quá nhiều như là phát triển quan hệ với Mỹ.”

Từ Tokyo Nhật Bản, nhà quan sát Đỗ Thông Minh bình luận với RFA Tiếng Việt:

“Trước hết, cần phải nói đến sự phát triển tột bực của Hàn Quốc, năm 1975, Bắc Hàn và Nam Hàn có lợi ích bình quân trên đầu người một năm là 2.000 đô-la giống nhau, nhưng bây giờ con số đó của Bắc Hàn tụt xuống còn có 1.700 đô-la, trong khi ở Nam Hàn, con số lên trên 30.000 đô-la, có thể nói là một trời một vực. Chuyến thăm này của Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol, mà đọc theo âm Hán Việt là Doãn Tích Duyệt, cùng phu nhân thăm Việt Nam trong bốn ngày, cũng là để đáp lễ chuyến thăm tới Hàn Quốc vào đầu tháng 12/2022 của Chủ tịch Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyến đi này do đó cũng thể hiện sự thân thiện giữa hai bên và như chúng ta biết với một quốc gia đứng hàng thứ 10 về GDP trên toàn thế giới, mặc dù diện tích chỉ xấp xỉ 100 ngàn cây số vuông, tức là xấp xỉ bằng miền Nam của Việt Nam thôi, nhưng lại vượt cả tổng sản lượng GDP của cả nước Nga với diện tích 11 triệu cây số vuông, Hàn Quốc do đó là một bạn hàng rất quan trọng của Việt Nam và đồng thời cũng là nơi nhận rất nhiều người lao động đến làm việc.

Lâu nay, tôi quan sát và thấy rằng cũng giống như với Nhật Bản, Việt Nam có quan hệ rất tốt với Hàn Quốc, chuyến đi này của Tổng thống Hàn Quốc do vậy để thắt chặt thêm tình thân hữu, cũng như Việt Nam tìm thêm những đối tác, đồng minh như những người bạn để hỗ trợ Việt Nam khi cần, và điều cần đến ấy là gì, không ai nói ra, nhưng mọi người ngầm hiểu rằng nếu chuyện đó xảy ra, thì nó sẽ là như vậy.”

‘Phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu rất quan trọng cho VN lúc này’

Còn từ Ottawa, Canada, cũng trên quan điểm cá nhân, luật sư Vũ Đức Khanh, nhà quan sát chính trị, bang giao khu vực, bình luận với Đài Á Châu Tự Do:

“Tôi cho rằng đối với Hà Nội, chuyến thăm của Tổng thống Nam Hàn cùng một đoàn doanh nhân hùng hậu đến Việt Nam trong lúc này là vô cùng quan trọng. Hà Nội luôn tìm cách né tránh những biểu hiện chính trị, ngoại giao và quân sự quá khắng khít với thế giới tự do. Họ thích nhấn mạnh đến phát triển đầu tư, thương mại, trước để tránh sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và kế đến cũng để tranh thủ dư luận trong nước ủng hộ chính quyền khi đời sống kinh tế được ổn định hơn.

Đối với Nam Hàn, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng đứng hàng thứ ba nên họ cũng rất chú trọng để cột chặt Việt Nam vào chuỗi kinh tế toàn cầu của họ. Hơn thế nữa, một mối quan hệ tốt đẹp với Hà Nội cũng giúp cho Nam Hàn cải thiện vị trí của họ với hai đồng minh trụ cột Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thông qua mối quan hệ này, Mỹ và Việt Nam có thể hiểu và xích lại gần nhau hơn.

Cuối cùng, Việt Nam và Nam Hàn đã là đối tác chiến lược toàn diện. Nam Hàn có thể được xem như là Trung Quốc hoặc Nga đối với Việt Nam. Mỹ có thể tác động để Nam Hàn có những hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam trong lãnh vực an ninh, quân sự, quốc phòng mà Mỹ không cần thiết phải ra mặt.

Trong chiến lược Indo-Pacific, tức là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, nếu trục Nam Hàn - Việt Nam được hình thành thì coi như Mỹ có thể dễ dàng kiềm chế Trung Quốc. Mỹ, Nhật Bản và đồng minh có thể đã chấp nhận vai trò này của Nam Hàn mà không cần phải trực tiếp.

Tuy nhiên, những động thái này không dễ qua mặt được Trung Quốc, cho nên, Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng áp lực tối đa không để Hà Nội tiến gần với phương Tây bằng cách này hay cách khác. Vậy nên vấn đề đặt ra là Hà Nội có "thực tâm" muốn làm đối tác chiến lược quan trọng với phương Tây hay là không, hay là chỉ muốn "đu dây" để bảo vệ chế độ. Theo tôi, Hà Nội sẽ trả giá rất đắt nếu để cả Trung Quốc và phương Tây đều có những ‘hiểu lầm’ hay khó hiểu về sự "thực tâm" này của Hà Nội.”

Hôm 22/6, đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam, báo mạng VnExpress cho hay:

“Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành Đối tác hợp tác chiến lược vào tháng 10/2009. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021…

Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 9.500 dự án đầu tư còn hiệu lực, với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012-2015, hai bên đã gia hạn Hiệp định tín dụng khung Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020 quy mô 1,5 tỷ USD… Hàn Quốc cũng là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Việt Nam hiện có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 01/2023, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc là hơn 206.000 người,” vẫn theo VnExpress.