Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không còn phù hợp và không có lợi về lâu dài đối với kinh tế - xã hội Việt Nam - Một chuyên gia về lao động nhận định như vậy về tình trạng XKLĐ ở Việt Nam hiện nay.
VN tiếp tục thúc đẩy XKLĐ
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, hàng loạt các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử… đều đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động mất việc lên tới 279.409 người, chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lao động được coi là một cái phao cứu nguy cho nền kinh tế cũng như mang lại cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.
Năm 2023, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cao kỷ lục với 16 tỷ USD, chiếm khoảng 4% GDP và tương dương 2/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân của Việt Nam.
Trong một bài viết được đăng tải trên trang web Fulcrum hôm 4/3, có tựa đề " Vietnam's Labour Export: Economic Boon or Developmental Bane?" (tạm dịch là "Xuất khẩu lao động của Việt Nam: Lợi ích kinh tế hay tai họa cho sự phát triển?", tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang nhận định Chính phủ Việt Nam coi xuất khẩu lao động là giải pháp then chốt để phát triển nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề thất nghiệp, tạo kiều hối và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Vì vậy, kể từ năm 2010, hơn 1,4 triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng ngắn hạn.
Do đó, Bộ LĐTB&XH tiếp tục đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…
Thạc sỹ Luật học Trịnh Khánh Ly, người từng làm việc cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, đánh giá việc lao động từ một nước có nền kinh tế kém phát triển hơn sang làm việc tại một nước có nền kinh tế phát triển hơn là một thực trạng không mới. Nếu như lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, lao động có trình độ cao sau một thời gian công tác tại những nước có nền kinh tế phát triển, tiếp thu thêm được những kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trở về phục vụ đất nước thì đây là một lợi thế cho đất nước họ:
"Tuy nhiên, nếu người lao động sau đó không trở về thì những nước đó không chỉ chịu tổn thất về đầu tư giá o d ục cho những lao động này mà còn mất đi mộ t l ực lượng lao động cho đất nước. Cho đến nay số lượng những lao động Việt Nam có trình độ sau một thời gian làm việc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam là rất ít."
Hệ luỵ khi phụ thuộc XKLĐ
Dù lượng kiều hối tăng cao mang lại lợi ích cho kinh tế, tuy nhiên, cũng theo tiến sỹ Khánh Ly, chính sách khuyến khích XKLĐ của Việt Nam là không còn phù hợp và không có lợi về lâu dài đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.
Nguyên do, theo bà Khánh Ly là vì những lao động không có trình độ đi XKLĐ đều nằm trong độ tuổi rất trẻ, phần lớn không nói được tiếng sở tại, khó tiếp cận được các kiến thức, kỹ năng chuyên môn của các nước có nền kinh tế phát triển. Sau một thời gian ở nước ngoài, dù có trở về Việt Nam thì họ cũng trở thành lao động lớn tuổi, sức khỏe suy giảm và việc không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sẽ làm họ khó khăn hơn trong việc tái hòa nhập cuộc sống tại Việt Nam.
Bộ LĐTB&XH, vào tháng 8/2022, cho biết lao động Việt Nam có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, có đến 90% số này là lao động tay nghề thấp, trình độ học vấn không cao.
Bà Khánh Ly nhận định, nhóm lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ở nước ngoài đã và đang gặp rất nhiều rủi ro tại nước sở tại như phí môi giới quá cao mà tiền lương trong một số trường hợp không đủ để trang trải cuộc sống nước sở tại, khiến nhiều người lào động bỏ trốn làm việc bất hợp pháp.
Tại Châu Âu, nhiều lao động Việt Nam làm việc ở một số nước Đông Âu như Rumania, Séc, Ba Lan… mặc dù phải lao động vất vả nhưng tiền lương eo hẹp nên sau một thời gian bằng nhiều cách khác nhau họ lại tìm cách sang các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ… và nhiều người vượt biên sang Anh một cách bất hợp pháp. Vụ 39 người Việt bỏ mạng trong một chiếc xe thùng trên đường nhập cư lậu vào nước Anh hồi năm 2019 là một hậu quả thảm khốc cho sự lựa chọn này.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa thiết lập được một hệ thống quản lý và hỗ trợ lao động Việt Nam tại các nước sở tại vì vậy khó có thể hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả cho họ khi cần.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, xuất khẩu lao động cũng kèm theo nhiều thách thức, hệ luỵ cho xã hội. Ví dụ, các tỉnh thành có số người làm việc ở nước ngoài đông đang phải đối mặt với nguy cơ tan rã cấu trúc gia đình truyền thống.
Một số lãnh đạo ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết năm 2022, tỷ lệ ly hôn ở huyện này khá cao, nguyên nhân phần lớn có liên quan đến xuất khẩu lao động.
Chị T, hiện đang ở Bắc Giang, chia sẻ với RFA rằng do công việc kinh doanh của hai vợ chồng chị không ổn định, đi làm công nhân gần nhà thì lương không đủ nuôi hai con ăn học và trang trải cuộc sống. Do đó, chồng chị T phải sang Đài Loan làm việc từ bốn năm qua. Cũng từ đó, ngoài những cuộc nói chuyện qua điện thoại, các con của chị chưa được gặp lại bố. Chị nói:
“Nhiều nhà có một người đi, một người ở nhà thì dễ nảy sinh vấn đề lắm. Nhưng mà giờ ở quê mình kinh doanh thất bại thì phải đi thôi. Một mình vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ cũng khó khăn nhưng mà phải chịu chứ biết làm sao.”
Từ những hệ luỵ vừa nêu, tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang cho rằng XKLĐ nên được tiếp cận như một đòn bẩy tạm thời chứ không phải là động lực tăng trưởng vĩnh viễn. Việt Nam phải xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào XKLĐ. Thay vào đó tập trung vào phát triển thị trường lao động trong nước cạnh tranh, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.
Theo bà Khánh Ly, Việt Nam nên tận dụng thời cơ khi hiện đang được coi là điểm đến đầu tư sáng giá của các doanh nghiệp FDI:
"Thay vì là một nền kinh tế dựa vào XKLĐ, Việt Nam nên chú trọng hơn và o vi ệc đào tạo lao động để phục vụ cho các ngành sản xuất đang ngày càng đóng vai tr ò quan trọng cho nền kinh tế. Nếu không kịp thời thay đổ i ch ính sách thì Việt Nam sẽ mất nhiề u c ơ hội khi mà chỉ hơn 10 năm nữa sẽ qua giai đoạ n d ân số vàng và bước vào giai đoạ n d ân số già."