Thiếu liêm chính trong xây dựng luật ở Việt Nam lâu nay

0:00 / 0:00

Nếu thiếu hoặc không có sự liêm chính, đặc biệt trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều ‘khuyết tật’.

Đây là ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ, đại biểu tỉnh An Giang đưa ra trong phiên thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội diễn ra ngày 26/3 vừa qua.

Cụ thể, ba ‘khuyết tật’ theo lời ông Nguyễn Mai Bộ được được báo chí nhà nước Việt Nam trích dẫn bao gồm: mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản pháp luật; văn bản luật thành công cụ hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành và xung đột với lợi ích nhân dân; vòng đời của các văn bản luật rất ngắn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam đồng tình với phát biểu vừa nêu của vị đại biểu tỉnh An Giang. Luật sư Hậu nhận định:

“Hiến pháp Việt Nam quy định Quốc hội lập pháp, Thủ tướng hành pháp và cơ quan tư pháp là tòa án, ba cơ quan này phải thống nhất nhưng làm sao có sự kiểm soát lẫn nhau.

Ở đây muốn nói sự liêm chính xây dựng pháp luật là khi xây dựng văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, mang một ý nghĩa thúc đẩy quan hệ xã hội đi lên, phải khách quan, vô tư, vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Nếu thiếu những cái này sẽ tạo những văn bản chồng chéo và đá lẫn nhau.”

Sự liêm chính xây dựng pháp luật là khi xây dựng văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, mang một ý nghĩa thúc đẩy quan hệ xã hội đi lên, phải khách quan, vô tư, vì nhân dân và phục vụ nhân dân. - Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Từ Khánh Hòa, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nêu lên quan điểm của ông với RFA tối 29/3 như sau:

“Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, những người chóp bu có quyền lực cao nhất Nhà nước Việt Nam, có quan niệm lâu nay khi xây dựng các đạo luật là đạo luật liên quan đến mảng nào của đời sống kinh tế- xã hội thì sẽ yêu cầu bộ, ngành cơ quan Chính phủ phụ trách về lĩnh vực đó, khía cạnh đó sẽ biên soạn những bộ luật.

Việc xây dựng luật xuất phát từ quyền lợi của người ta (các bộ, ngành) chứ không phải quyền lợi xã hội, như vậy rất mâu thuẫn, ta có thể nói những đạo luật như thế được xây dựng trên nền tảng không liêm chính.”

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu ví dụ điển hình cho thực tế mà ông vừa nêu là Dự luật Biểu tình, một dự luật được cả ‘tứ trụ’ cũng như người dân cả nước yêu cầu, nhưng lại giao cho Bộ Công an soạn thảo, trong khi phía Bộ Công an lại không muốn người dân biểu tình. Theo ông đây chính là nguyên nhân đến nay Việt Nam vẫn chưa có Luật Biểu tình.

Minh họa: Những người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối luật Đặc khu trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018. AFP
Minh họa: Những người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối luật Đặc khu trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018. AFP

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, rất ít trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận xây dựng luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu có thêm ý kiến ngoài sự quan tâm đến liêm chính còn phải đáp ứng yêu cầu khác nữa:

“Trước hết tôi cho rằng năng lực lập pháp của Quốc hội cần phải rút kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh pháp luật ngày càng tăng của xã hội, nhất là trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường để chủ động hội nhập với quốc tế.”

Còn theo Nhà báo Võ Văn Tạo, sở dĩ tình trạng thiếu liêm chính trong xây dựng luật ở Việt Nam tồn tại lâu nay vẫn chưa được giải quyết vì chính cơ chế cai trị đất nước. Ông lập luận:

“Đặc điểm nhà nước Việt Nam mặc dù người ta nói của dân, do dân, vì dân nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Nói chính xác nhà nước này, pháp luật này bảo vệ ai? Nhà nước này của những ông lớn, pháp luật bảo vệ mấy ông lớn, không hề bảo vệ dân.”

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng chỉ có thể xây dựng và thiết chế một nền quản trị quốc gia hữu hiệu khi các hoạt động xây dựng pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật có hiệu quả.

Nếu không thay đổi kinh tế chính trị, ở Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, không chấp nhận có đối lập, có tự do báo chí, không có quyền tự do bầu cử, không có bầu cử minh bạch… thì không thể nào hoàn thiện hóa quá trình luật cho tiến bộ, theo kịp đà văn minh của thế giới. - Nhà báo Võ Văn Tạo

Vì vậy, ông Hậu đề xuất:

“Làm luật nếu có lỗi thì phải nhìn lại quy trình tạo ra sản phẩm đó, năng lực con người tham gia quy trình đó, tôi cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập và để xây dựng nền pháp luật vững chắc phải có sự giám sát và phản biện lại những quy định đó thì pháp luật đó mới đi vào cuộc sống được.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay ở các nước khác khi làm luật thì luật sư được thuê để soạn thảo, hỗ trợ chính phủ, hỗ trợ quốc hội để vòng đời những quy định đó được lâu dài.

Do đó, Luật sư Hậu cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa đến phải có những chính sách xử lý những hành vi thông đồng hay cố tình đi vào những việc có lợi ích nhóm khi xây dựng pháp luật, phải có điều cấm.

Tại buổi Hội nghị 26/3, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai của đoàn Hà Nội cũng góp ý kiến rằng cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.

Trong đó, công tác lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức trực tuyến được Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tỉnh Hải Dương nhận xét vẫn còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao, lượt góp ý tương tác trên trang dự thảo online của Quốc hội và Cổng thông tin của Chính phủ Việt Nam rất thấp.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng với cơ chế độc đảng toàn trị như ở Việt Nam hiện nay, nếu muốn thay đổi luật pháp thì cần phải làm sâu rộng hơn:

“Nếu không thay đổi kinh tế chính trị, ở Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, không chấp nhận có đối lập, có tự do báo chí, không có quyền tự do bầu cử, không có bầu cử minh bạch… thì không thể nào hoàn thiện hóa quá trình luật cho tiến bộ, theo kịp đà văn minh của thế giới.”