Đề đốc Lâm Ngươn Tánh trong mắt đồng đội

0:00 / 0:00

Ngày 11tháng Hai, 2018, Cựu Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, từng giữ chức vụ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, từ trần tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.

Đề đốc Lâm Ngươn Tánh cũng là người chỉ huy lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc tại Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974.

Một chiến hữu của Đề đốc Lâm Ngươn Tánh là Đề đốc Đinh Mạnh Hùng, hiện sống tại Tiểu bang Virginia, nhớ lại những ngày đầu tiên của hải quân Việt Nam Cộng hòa”

"Tôi và ông ấy cùng nhận những chiếc tàu mà hải quân Pháp trao lại vào năm 1955. Ông ấy là một người rất cẩn thận và chu đáo. Về chuyện binh nghiệp thì tôi nghĩ ông ấy là một người rất giỏi, rất kỷ luật."

Xin nhắc lại là năm 1954, sau khi người Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ và phải rút ra khỏi Đông Dương, trong đó có Việt Nam, Miền Nam Việt Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa, và quân đội của quốc gia này bắt đầu được xây dựng từ những vũ khí do người Pháp để lại và viện trợ bắt đầu tăng lên từ Hoa Kỳ, để bắt đầu cuộc chiến tranh chống du kích cộng sản nổi dậy, và những lực lượng cộng sản chính qui xâm nhập vào miền Nam.

Ông ấy là một người rất cẩn thận và chu đáo. Về chuyện binh nghiệp thì tôi nghĩ ông ấy là một người rất giỏi, rất kỷ luật.<br/>-Cựu Đề đốc Đinh Mạnh Hùng.

Ông Lâm Ngươn Tánh được đào tạo thành một sĩ quan hải quân tại Hoa Kỳ và trong giai đoạn từ năm 1970 cho đến 1975 trước khi Sài Gòn sụp đổ ông là người giữ trọng trách của hải quân Việt Nam Cộng Hòa với chức vụ tư lệnh hải quân.

Trong giai đoạn binh nghiệp quan trọng nhất này của cuộc đời, ông đã chứng kiến sự kiện quần đảo Hoàng Sa bị tấn công và rơi vào tay Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, vào ngày 17/1/1974 ông Lâm Ngươn Tánh đã có mặt ở Đà Nẵng để chỉ huy hải quân chống lại hạm đội Trung Quốc vào ngày 19/1. Sau khi chống trả quyết liệt một lực lượng lớn hơn, gây cho địch quân nhiều tổn thất, và cũng chịu nhiều hy sinh, hải quân Việt Nam Cộng Hòa phải rút lui.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho rằng người Mỹ đã can thiệp không cho cuộc chiến leo thang, cho nên cuộc phản công bằng không quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bị hủy bỏ.

Hạm trưởng Vũ Hữu San, người chỉ huy chiến hạm Trần Khánh Giư, có mặt trong trận hải chiến Hoàng Sa, nhớ lại trong một lần nói chuyện với đài RFA:

“Chúng tôi chỉ có 4 chiến hạm trong tổng số mấy chục chiến hạm ra tham chiến ngoài đó. Có thể phải đưa nhiều chiến hạm hơn nữa ra để làm công tác quan trọng cho vận mệnh đất nước. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc là không quân cũng không bay ra Hoàng Sa khiến các bạn mất dịp góp mặt trong quân sử VN. Đánh nhau thì cần phải dốc toàn lực. Nếu cần thì toàn dân chiến đấu. Trong trận Hoàng Sa chúng tôi vô cùng cơ đơn. Chúng tôi xin phép là vì trong tuổi đã già yếu rồi, phải nói lên lời cuối của chúng tôi để mong rằng thế hệ tương lai học hỏi.”

Đề đốc Lâm Ngươn Tánh cùng gia đình rời Việt Nam vào ngày 29 tháng Tư năm 1975, trong lúc quân đội Cộng sản tiến chiếm thành phố này cũng như toàn bộ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong thời gian sống tại Mỹ, trước khi về hưu ông làm việc tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đồng thời ông cũng tham gia một số hoạt động chính trị của các tổ chức của người Việt tại hải ngoại, trong đó có tổ chức Chính phủ Việt Nam Tự do của ông Nguyễn Hữu Chánh. Những hoạt động xâm nhập Việt Nam của tổ chức này bị thất bại.

Trong trận Hoàng Sa chúng tôi rất cô đơn.<br/>-Hạm trưởng Vũ Hữu San.

Giải thích những hoạt động chính trị của ông Lâm Ngươn Tánh tại hải ngoại, Cựu Đại tá hải quân Việt Nam Cộng Hòa Bùi Cửu Viên hiện sống tại Tiểu bang Maryland nói với chúng tôi:

"Ông Lâm Ngươn Tánh là một người có ý chí, rất chịu khó, có lòng yêu nước, tham gia rất tích cực trong các công việc đó. Những người anh em rất mến ông ấy."

Các nghi lễ an tang dành cho Cựu Đề đốc Lâm Ngươn Tánh được các đồng đội và người thân cử hành tại Virginia trong hai ngày 14 và 15 tháng Hai, 2017.