Quyền đa sở hữu
Dù theo chủ nghĩa cộng sản nhưng bản Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn thừa nhận quyền đa sở hữu về đất đai. Theo đó Điều 14 xác định “Bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân” và chỉ có “đất hoang” mới là sở hữu toàn dân. Sau thống nhất đất nước với bản Hiến Pháp 1980 và tiếp đó Hiến pháp 1992 kế thừa thì mới công bố “đất đai là sở hữu toàn dân”. Dù Luật đất đai đã được sửa đổi 5 lần từ 1987 đến 2009 nhưng cũng luôn luôn bị chi phối bởi quan niệm đất đai là sở hữu toàn dân giao cho nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Từ thực tế này và sự lạm quyền của các địa phương suốt mấy chục năm qua đã xảy ra vô vàn kiện cáo, khiếu kiện đông người và cả xô xát bạo động như ở Thái Bình 1997 và Tiên Lãng Hải Phòng mới đây. Luật Đất Đai sau 5 lần sửa đổi bổ sung cũng vẫn chỉ là những giải pháp tình thế và hoàn toàn không còn thích hợp sau mấy chục năm Việt Nam đi vào con đường kinh tế thị trường dù có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo LS Trần Vũ Hải, một người có nhiều kinh nghiệm qua tham gia hàng trăm vụ án liên quan tới tranh chấp đất đai, thì Việt Nam nên có qui định về đa sở hữu đất đai. Nhưng theo ông, điều rất khó là nhiều người lo sợ trở về sở hữu tư nhân như trước kia sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, thí dụ như sở hữu đất đai thuộc về tôn giáo hay hội đoàn. Từ mấy năm nay vấn đề các tôn giáo đòi lại đất đai tài sản cho mượn hoặc bị tịch thu cùng với phản ứng của chính quyền đã tạo ra nhiều xáo trộn. Đối với vấn đề đa sở hữu đất đai, LS Trần Vũ Hải đề nghị:
Trước mắt để tránh những phức tạp, nên coi đất đai là sở hữu tư nhân đối với các trường hợp là đất ở và đất nông nghiệp.
LS Trần Vũ Hải
“Chắc chắn sẽ đụng tới Hiến pháp, nói chuyện đa sở hữu thì rõ ràng phải giải quyết cái gốc Hiến pháp. Trước mắt để tránh những phức tạp, nên coi đất đai là sở hữu tư nhân đối với các trường hợp là đất ở và đất nông nghiệp. Còn đất rừng thì chưa nên vội, và những đất có tài nguyên…đất công cộng đất khu công nghiệp có nhà máy xí nghiệp cũng chưa nên vội. Nếu định tư hữu hóa đất đai thì phải từng bước một. Đất khu công nghiệp trước kia là đất nông nghiệp nay cho sơ hữu tư nhân thì không công bằng, việc này phải qua một quá trình xử lý nào đó, đóng thêm tiền cho nhà nước hay một thứ thuế nào đấy.”
Đất nông nghiệp ở Việt Nam đặc biệt quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên tới 25 tỷ USD năm 2011 và đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng trong lãnh vực lúa gạo để nuôi sống 90 triệu người dân và xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm, hàng chục triệu hộ nông dân đã sản xuất theo hình thức tiểu nông. Họ lao động cật lực trên khoảng 70 triệu thửa ruộng, tính bình quân mỗi nông hộ chỉ khoảng 0,65 héc-ta. Đây là hệ quả của chính sách công bằng ruộng đất của nhà nước cộng sản. Sản xuất theo qui mô tiểu nông như vậy thì không thể cơ giới hóa và đạt hiệu quả tối ưu được.
Nếu đất đai là sở hữu tư nhân đặc biệt đối với đất nông nghiệp thì Việt Nam có được một phần giải pháp, để giải quyết vấn đề tích tụ ruộng đất sản xuất lớn. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:
“Tôi nghĩ nếu nói về vấn đề sở hữu thì sẽ tạo ra được động lực cho người quản lý họ thấy mình là người chủ hơn, thực sự hơn. Và nếu như thế thì những vấn đề hạn điền hay thời gian sử dụng đất không còn đặt ra nữa. Tuy nhiên nó lại đặt ra những vấn đề khác mà có nhiều người băn khoăn, thí dụ khi Nhà nước cần lấy lại đất công cộng mà người sử dụng đất gây khó khăn vì đấy là đất của người ta rồi. Hay là lo ngại về tích tụ đất đai, có người mua quá nhiều đất tập trung quá nhiều đất chẳng hạn. Khi sửa đổi các chủ trương tới mức như thế thì phải tính tới những nội dung mới.”
Phải thay đổi tư duy
Hiện nay 70% dân số sống ở nông thôn và đa phần liên quan tới nông nghiệp. Theo TS Đặng Kim Sơn, sau khi giải quyết được gút thắt về vấn đề sở hữu, Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều việc nữa để tiến lên sản xuất lớn nhưng với một lực lượng lao động tối thiểu. TS Đặng Kim Sơn tiếp lời:
[ Video: Tranh chấp đất đai và sự bất bình của nhân dânOpens in new window ]
“Về một nền nông nghiệp sản xuất lớn trong tương lai, càng ngày càng phải tập trung đất lại, số người nông dân trong xã hội càng ngày càng ít đi, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, số nông dân trong xã hội chỉ chiếm dưới 5% toàn xã hội. Do đó một phần lớn người lao động phải đi ra, sản xuất nông nghiệp trong tương lai phải sử dụng máy móc cơ giới.
Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng khái niệm người cày có ruộng trước đây sẽ lần lượt được thay thế bằng khái niệm tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập một cách tốt nhất, ổn định lâu dài cho người lao động từ nông thôn đi ra và tạo điều kiện cho họ bước vào cuộc sống công nghiệp hóa tương đương mức sống của các thành phần kinh tế khác trong xã hội.”
Sau hơn ba thập niên đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ở hạng thấp. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và đứng ở đó không thoát ra được thì trước mắt phải có những thay đổi rất lớn, đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp lãnh đạo ở thượng tầng và của toàn thể bộ máy chính quyền các tỉnh thành. Liệu Việt Nam có vượt qua bức tường mang tên ‘đổi mới’ như đã làm năm 1986 hay không. TS Đặng Kim Sơn nhận định:
Để có được bước chuẩn bị cho tương lai ấy, thì chúng ta phải hình dung ra qui luật tất yếu của xã hội để mà cùng hướng đến đấy tìm giải pháp thích hợp nhất.
TS Đặng Kim Sơn
“Cả cuộc sống đang thay đổi, cả quá trình phát triển đang thay đổi. Tất cả những điều chúng ta chưa hình dung được, từ lao động nông thôn số người dân làm trong nông nghiệp chiếm hơn 50% tổng số lao động trong cả nước, cho đến lúc nền kinh tế rút xuống còn khoảng 5%-10% số người làm việc ở nông thôn, thì đó là một thay đổi về tư duy mà tất cả mọi người trong xã hội đều dính đến và nói thật là đều ngỡ ngàng ngay cả bản thân người nông dân. Để có được bước chuẩn bị cho tương lai ấy, thì chúng ta phải hình dung ra qui luật tất yếu của xã hội để mà cùng hướng đến đấy tìm giải pháp thích hợp nhất.”
Đất đai đa sở hữu trong đó có sở hữu tư nhân chắc chắn là điều Việt Nam phải quay trở lại như những giai đoạn lịch sử đã qua. Nhưng nhanh hay chậm hoàn toàn tùy thuộc vào ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và nhận thức của họ. Việt Nam đang chuẩn bị sửa Hiến pháp 1992 với nhiều thay đổi lớn, liên quan tới thể chế Nhà nước và hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chưa có một thông tin nào được loan báo liên quan tới chuyện thay đổi quan niệm đất đai sở hữu toàn dân.
Theo dòng thời sự:
- Sửa Luật thế nào đối với đất nông nghiệp
- Sửa Luật Đất đai để tránh những vụ Tiên Lãng
- Sửa hiến pháp để tháo "ngòi nổ"Tiên Lãng
- Dân oan các tỉnh tập trung khiếu kiện tại Hà Nội
- Mặt trái của việc cưỡng chế đất đai
- Khi người Nông dân nổi dậy
- Tiên Lãng - Bài học lòng dân
- Giữ đất trồng lúa cho đời sau
- Tích tụ ruộng đất sản xuất lớn còn xa vời