Hoãn xây đập Xayaburi chưa phải đã hết lo

Ngày 27/4 Lào tuyên bố tạm hoãn xây dựng đập thủy điện Xayaburi để xem xét lại các khuyến nghị của Việt Nam và Campuchia đưa ra trong phiên họp Ủy hội sông Mekong trước đó một tuần.

0:00 / 0:00

Bốn nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên Ủy hội sông Mekong thành lập năm 1995.

Trả lời Nam Nguyên vào tối 28/4, TS Dương Văn Ni, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam tán dương quyết định của Lào:

“Chính phủ và người dân Lào đã biết thông cảm với nỗi lo chung của dân chúng nhiều nước trong khu vực trong đó có cả Lào nữa. Sự lo lắng của cộng đồng khu vực là có cơ sở, người ta dựa trên những tài liệu đã được nghiên cứu đã được công bố thấy rằng chưa đầy đủ chưa phản ánh hết những điều mà cộng đồng quan tâm. Tôi cho rằng tuyên bố của Lào là một tin mừng.”

Ảnh hưởng sản xuất

Mekong-rfa-250.jpg
Đời sống dọc theo sông Mêkong trên địa phận Việt Nam. RFA photo.

Vị trí dự án thủy điện Xayaburi ở trung lưu sông Mekong trên dòng chính gần cố đô Luang Prabang. Nơi này cách vùng đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam ở hạ lưu khoảng 2.000km. Công trình Xayaburi trị giá 3,5 tỷ USD, dự kiến mỗi năm thu lợi 600 triệu USD tương đương 1/10 GDP của Lào. Xayaburi là 1 trong 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong mà các nước vùng trung lưu có kế hoạch xây dựng.

Theo Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai trong dịp hội kiến Thượng Nghị sĩ Jim Webb ở Hà Nội hôm 21/4 đã phát biểu rằng, cộng với các đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu, nếu tất cả 11 đập thủy điện ở vùng trung lưu hoàn tất thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác hại nghiêm trọng về sản xuất lúa và thủy sản. Cụ thể tổng lượng phù sa 26 triệu tấn mỗi năm sẽ chỉ còn 7 triệu tấn. Lượng dinh dưỡng sẽ suy giảm từ 4.000 tấn/năm còn 1.000 tấn và nguồn cá mỗi năm suy giảm 450.000 tấn.

Cụ thể hơn sản lượng lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm 300.000 tới 400.000 tấn mỗi năm do thiếu nước, theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Đình Hòe thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong bài viết trên báo điện tử Đại Đoàn Kết.

Câu chuyện đập thủy điện Xayaburi đầy tranh cãi và mối lo ngại của cộng đồng được thể hiện tới tận những người nông dân sống nhờ vào cây lúa. Một người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu với chúng tôi:

Lào chưa xây đập mà lượng nước còn rất ít, nếu họ xây chắc là làm lúa rất khó.

Một nông dân vùng ĐBSCL<br/>

“Mỗi năm tiếp theo lượng nước ngọt càng giảm, lượng phù sa ít đi những năm gần đây những con nước lớn mùa nước nổi cứ kém dần, kém dần như hiện tại.
Nếu bên Lào xây đập thủy điện mà chúng tôi nghe được một số thông tin trên báo đài thì đồng bằng sông Cửu Long càng khó khăn. Lào chưa xây đập mà lượng nước còn rất ít, nếu họ xây chắc là làm lúa rất khó.”

Bản thân người Lào cũng đã có kinh nghiệm của chính mình về các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, qua lời giáo sư Souphab Khouangvichit Trưởng khoa môi trường Đại học Quốc gia Lào trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 25/4.

Theo lời giáo sư, việc Trung Quốc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng lưu sông Mekong thật sự ảnh hưởng lượng nước của dòng sông này, trong mùa khô nước cạn hẳn so với những năm trước. Để chứng minh rõ hơn thì cần có thêm các nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Khouangvichit dẫn nghiên cứu khả thi của đập Xayaburi, con đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong, nước được giữ lại trên sông có thể sẽ thay đổi hệ sinh thái của dòng sông như làm thay đổi sự di cư của cá, làm ổn định dòng chảy. Giáo sư Khuangvichit nhìn nhận đập Xayaburi sẽ gây ảnh hưởng đối với lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam hay vùng biển hồ Tonle Sap của Campuchia.

Tuy nhiên đối với Lào, giáo sư Khuangvichit cho rằng việc dòng chảy ổn định sẽ làm giảm lũ lụt nếu kiểm soát được lũ, sản lượng nông nghiệp của Lào sẽ tốt hơn. Tỷ lệ người dân Lào có điện còn thấp, Vientiane hy vọng tới năm 2020 90% người dân Lào sẽ được sử dụng điện. Lào hiện mới sản xuất 1.000MW, trong khi tiềm năng điện lực của Lào hơn 20.000MW.

Phối hợp phát triển hài hòa

Mekong-Lao-rfa-250.jpg
Thác Khone của sông Mekong trên địa phận Lào. RFA photo.

Liên quan tới vấn đề Lào muốn chuyển nguồn tài nguyên nước dồi dào của mình thành điện năng để phát triển kinh tế và nước Lào có kế hoạch xây tới 100 đập thủy điện, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam TS Dương Văn Ni nói với chúng tôi:

“Hiện nay bối cảnh trong khu vực cũng như toàn cầu, nếu nói về phát triển thì khó có quốc gia nào đứng riêng một mình mà có thể phát triển được. Trong thời kỳ gọi là toàn cầu hóa sự phụ thuộc giữa quốc gia này với quốc gia khác rất lớn. Phụ thuộc ở đây có hai mặt, trước hết là phụ thuộc nền kinh tế qua lại, sự phát triển của nước bạn cũng là sự phát triển của nước mình.

Điều này càng rõ ràng hơn trong khu vực Đông Nam Á, bất kỳ một sự xáo trộn hay bất ổn của một quốc gia nào thì nó sẽ kéo theo ảnh hưởng cho quốc gia khác. Tôi nghĩ rằng đặc biệt người dân bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã có truyền thống lâu đời và hiểu chuyện đó rất cặn kẽ.”

Chúng ta không cấm cản một quốc gia nào mà cùng phối hợp phát triển cho hài hòa.

TS Dương Văn Ni

Từ những lập luận này, TS Dương Văn Ni xác định quan điểm của riêng mình và cũng có thể là của nhiều nhà khoa học khác. Ông nói:

“Chúng ta không cấm cản một quốc gia nào mà cùng phối hợp phát triển cho hài hòa. Đặc biệt ở đây là chuyện sử dụng nguồn nước, bản thân nguồn nước giúp cho sự phát triển các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Đặc biệt ở hạ lưu chúng tôi dựa trên nền tảng chủ yếu về nông nghiệp, nguồn nước xem như là xương sống cho phát triển nông nghiệp.

Do vậy, Lào Thái Lan Campuchia hay Việt Nam đều thấy rằng sự phụ thuộc lẫn nhau rất là quan trọng. Trên ý nghĩa hiểu biết đó tôi cho rằng việc Lào tạm dời quyết định xây dựng đập lại để bổ sung xem xét nghiên cứu kỹ hơn để biết rõ những cái được và mất để cân phân chuyện này một cách chín chắn hơn, thì tôi cho rằng cũng là quyết định mang tính thông cảm và hiểu biết nhau trong lưu vực.”

Tác động môi trường?

vn-mekong-250.jpg
Những cư dân sống dọc sông Mekong bị thiệt thòi khi quá nhiều đập được xây trên sông này, chưa kể đến vấn đề môi trường. RFA photo.

Nói về chuyện tạm hoãn việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi, ngày 27/4 ông Viraphonh Viravong Tổng Cục trưởng Tổng cục Điện lực Lào loan báo nước ông sẽ thuê tư vấn quốc tế để xem xét lại ảnh hưởng môi trường của đập Xaburi trên sông Mekong.

Việt Nam và Campuchia đã bày tỏ quan ngại việc cản dòng chảy sông Mekong sẽ ảnh hưởng hàng chục triệu người phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ thủy sản và lúa gạo.

Riêng Việt Nam đề nghị hoãn việc xây đập Xayaburi trong 10 năm để nghiên cứu thấu đáo về vấn đề ảnh hưởng môi trường.

TS Dương Văn Ni nói rõ về sự cần thiết một khoảng thời gian đủ dài để nghiên cứu sâu rộng về tác động môi trường nếu xây dựng đập Xayaburi. Ông nói:

“Tôi nghĩ trong khoảng 10 năm đó có rất nhiều cách, thứ nhất bổ sung những đánh giá mang tính khoa học hơn có nghĩa là có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về cái được cái mất.

Tôi nghĩ trong khoảng 10 năm đó có rất nhiều cách, thứ nhất bổ sung những đánh giá mang tính khoa học hơn có nghĩa là có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về cái được cái mất.

TS Dương Văn Ni

Thứ hai trong 10 năm đó cũng là thời gian mà với trình độ khoa học công nghệ của thế giới hiện tại, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các nước đang phát triển khác để có thể chọn lựa giải pháp phù hợp hơn giải pháp kỹ thuật mà đập Xayabury dự định xây là loại đập dâng nước, có thể tìm được kỹ thuật khác phù hợp hơn nếu thấy phần thiệt hại không đáng kể so với phần được. Nhưng nếu thấy phần thiệt hại vẫn to lớn thì nên xem xét hủy bỏ dự án là tốt hơn.”

Người Việt, người Thái, người Lào, người Khmer đã chẳng làm gì được khi Trung Quốc xây một loạt thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu các nước vùng trung lưu sông Mekong tiếp tục 11 dự án thủy điện được biết tới, trong đó có đập Xayaburi của Lào thì khoảng 1/3 tổng lượng nước sông Mekong sẽ bị điều tiết theo ý muốn của chủ sở hữu đập.

Để bảo vệ nồi cơm chung của 65 triệu người dân sống nhờ nguồn lợi thủy sản và lúa gạo trong lưu vực sông, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam, nói như PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, tốt nhất là không xây dựng bất cứ con đập nào chắn ngang sông Mekong, vì những khủng hoảng môi trường trên diện rộng tầm cỡ quốc tế do con người gây ra là điều có thể thấy trước một cách chắc chắn.

Mời các bạn tìm hiểu cội nguồn sông Mekong qua video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.

Theo dòng thời sự: