Gia đình bị cáo Khmer thỉnh cầu xử phúc thẩm vụ đặt bom tượng đài

Gia đình của các bị cáo người Khmer và Khmer Krom bị án 15-17 năm tù gửi đơn lên tổ chức nhân quyền ở Campuchia xin giúp thỉnh cầu xử phúc thẩm và tìm luật sư biện hộ cho những thân nhân mà họ khẳng định là bị án oan.

Hoàn toàn oan trái

1 người Khmer và 4 người Khmer Krom bị kết án trong vụ này vì cáo buộc đặt bom tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam hồi tháng 7 năm 2007. Gia đình các bị cáo làm đơn cầu xin chính phủ Hoàng gia Campuchia xem xét lại vụ án và thỉnh cầu Tổ chức Nhân Quyền LICADHO giúp tìm luật sư biện hộ. Đơn kháng án đệ nạp tòa phúc thẩm từ năm 2009, đến nay vẫn chưa khởi án.

...một vụ án chụp mũ, vì trước thời gian cảnh sát điều tra đến bắt chồng bà, ông ấy luôn luôn ở nhà

lời vợ bị cáo người Khmer

Toà sơ thẩm Phnom Penh. RFA photo.
Toà sơ thẩm Phnom Penh. RFA photo. (Toà sơ thẩm Phnom Penh.)

Bà Phong Sokhoeun, vợ ông Kem Toeun đang bị giam tại Prey Sar ở thủ đô Phnom Penh nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, chồng bà cùng với bốn người Khmer Krom bị cơ quan cảnh sát điều tra chống khủng bố bắt giữ hồi ngày 30 tháng 7 năm 2007. Sau đó, chồng bà bị Tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh kết án 16 năm tù về tội danh tham gia đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam. Tuy nhiên bà cho rằng, vụ án đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam là một vụ án chụp mũ, vì trước thời gian cảnh sát điều tra đến bắt chồng bà, ông ấy luôn luôn ở nhà.
Bà Phong Sokhoeun cho biết thêm, mỗi lần thăm nuôi chồng, bà nhận thấy sức khỏe ông rất kém, lại mang bệnh tật. Luật sư của chồng bà trước đây đã kháng án lên tòa phúc thẩm, nhưng đến bây giờ vẫn không có tin tức gì liên quan đến vụ án. Vì thế bà quyết định viết thư gửi lên Tổ chức Nhân Quyền LICADHO để yêu cầu tìm luật sư mới biện hộ cho chồng bà, đồng thời cầu xin Chính phủ điều tra lại vụ án này. Bà Sokhoeun cho biết thêm:
"Tôi đệ đơn lên Tổ chức Nhân quyền để tìm công lý cho ông ấy. Chúng tôi muốn biết rằng, vụ án năm người bị cáo buộc đặt bom đánh phá tượng đài này chấm dứt tại Tòa sơ thẩm hay thế nào, vì chúng tôi không thấy tòa phúc thẩm khởi án. Họ cáo buộc chồng tôi và bốn người Khmer Krom là nhóm khủng bố, tức là người đánh bom phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam. Ngoài ra, còn cáo buộc tội danh có ý đồ lật đổ chính phủ"

Không phúc thẩm vì không luật sư?

Giám đốc Tổ chức Nhân quyền LICADHO Pung Chhiv Kek cho biết tổ chức LICADHO đã nhận được đơn xin can thiệp của gia đình nạn nhân trong vụ án đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam ở giữa thủ đô Phnom Penh. Bà Pung Chhiv Kek nhấn mạnh rằng, LICADHO sẽ điều tra và xem xét vụ án này:
"Khi nào chúng tôi nhận được đơn yêu cầu điều tra như vậy, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra theo yêu cầu. Nếu họ nói vụ án này bất công đối với các bị cáo, thì điều đó không liên quan đến trại giam mà là Tòa án. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ điều tra lại xem các bị cáo có tội hay không. Đôi khi cũng có một số vụ án tương tự như vậy"

tòa không có đẩy đủ tài liệu hay bằng chứng để cáo buộc họ vì khi xảy ra sự việc, họ đều sống ở tỉnh.

luật sư tại phiên sơ thẩm

Năm bị cáo gồm bốn người Khmer Krom, là Sơn Khanh, Sok Kim Sovath, Sơn Vy, Lâm Phên và một người Campuchia tên Kem Toeun. Luật sư Moeun Sovann từng biện hộ cho năm người này cho biết ông đã kháng án lên Tòa phúc thẩm hồi năm 2009, nhưng đến nay Tòa án chưa thể khởi án vì hiện nay các bị cáo không có luật sư. Tuy nhiên ông cho rằng Nhà nước có nghĩa vụ tìm luật sư cho người dân nghèo.
Luật sư Moeun Sovann nhận định thêm:

Tượng đài hữu nghị VN-Campuchia. RFA Photo
Tượng đài hữu nghị VN-Campuchia. (RFA Photo)

“Phán quyết của toà sơ thẩm không công bằng. Vụ án này, tòa không có đẩy đủ tài liệu hay bằng chứng để cáo buộc họ vì khi xảy ra sự việc, họ đều sống ở tỉnh. Thứ hai, người chứng kiến nhân vật đặt bom đánh phá tượng đài thì cũng nhìn không rõ, cho nên không thể nào xác nhận các nhân vật đặt bom là năm người này. Còn luật (cũ) mà thẩm phán của tòa án áp dụng tại phiên tòa thì cũng không phù hợp bởi vì luật mới chống khủng bố đã được ban hành trong thời gian đang cáo buộc họ. Lúc đó, tôi cũng đề nghị nếu như không thả họ thì nên áp dụng luật mới, tuy nhiên tòa án vẫn áp dụng luật cũ.”

Có người khác nhận tội, vẫn tù

Bộ Nội vụ Campuchia cáo buộc bốn người gốc Khmer Krom này thuộc tổ chức Mặt trận giải phóng Campuchia Krom, đã đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam theo lệnh của các ông Thạch Sang, Thạch Chanh, Thạch Bun Thươne và Kim Huốt, những người sáng lập tổ chức này ở Mỹ. Tuy nhiên ông Thạch Sang phản bác rằng tổ chức của ông đã giải thể từ lâu. Mới đây, ông Thạch Sang còn kêu gọi người Khmer Krom ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia đang cầm quyền.
Liên quan đến vụ án này, một người Campuchia tên Som Ek đã nhận là chủ mưu trong vụ đặt bom đánh phá tượng đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam, và từng tham gia trong phong trào du kích chống Việt Nam. Ông bị thẩm phán toà sơ thẩm thủ đô Phnom Penh kết án 18 năm tù hồi ngày 22 tháng 9 năm 2010 vừa qua. Ông Som Ek bị án nặng như vậy, nhưng 5 bị cáo bị kết án trước đó vẫn cứ bị tù mặc dù họ kêu nài đó là án oan.