Lý giải thêm việc đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt

0:00 / 0:00

Ông Lê Thanh Vân được biết đến là một trong số rất ít đại biểu Quốc hội dám lên tiếng mạnh mẽ về những vấn đề “nhạy cảm” tại Việt Nam trên ở nghị trường.

Nguyên nhân bắt giữ ông này có đúng như thông báo của cơ quan chức năng hay còn lý do nào khác nữa?

Bị cáo buộc suy thoái tư tưởng chính trị

Hôm 16/7 vừa qua, ông Lê Thanh Vân bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận rằng ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… Ngoài ra ông này còn bị quy kết vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương… gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức Đảng…

Vì những lý do trên, UBKTTW ra quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Thanh Vân.

Một luật sư ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng lời kết luận của UBKTTW đối với ông Lê Thanh Vân là quan điểm riêng của Đảng Cộng sản đối với thành viên của mình. Tuy nhiên, một khi Đảng đã cho rằng một ai đó vi phạm Điều lệ đảng thì cũng phải cho người vi phạm có quyền họ khiếu nại, có cơ hội để tự bảo vệ minh:

"Đảng cho rằng là ông ấy tự diễn biến, tự chuyển hóa thế thì tự diễn biến, tự chuyển hóa ở đâu, như thế nào? Phải rõ ràng ra chứ không thể nào đưa ra một cái thông cáo báo chí hoặc là đưa ra một cái thông tin rất là chung chung như vậy."

Trước đó, hôm 10/7, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Thanh Vân với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 BLHS.

Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Thái Bình, những biện pháp này được tiến hành trong quá trình mở rộng điều tra vụ án cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về tội "cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại tỉnh Thái Bình.

Luật sư giấu tên quan sát thấy rằng những thông tin về vụ bắt giữ ông Lê Thanh Vân rất mù mờ và một chiều, công chúng không thể nào biết được chính xác điều gì thực sự đã xảy ra:

“Với những thông tin ít ỏi như vậy thì người bên ngoài rất khó đánh giá được cái vai trò và trách nhiệm của ông Vân ra sao trong vụ án này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì có thể thấy rằng việc quy kết hoặc là quy chụp ai đó về một cái hành vi phạm tội bất kỳ là cái điều cực kỳ dễ dàng.”

Có nguyên nhân nào khác sau vụ bắt giữ?

Ông Lê Thanh Vân trước giờ nổi tiếng với những phát biểu mạnh mẽ, không ngại đụng chạm tới các cơ quan, đoàn thể khác của nhà nước.

Điển hình, hồi tháng 5/2020, Ông Lê Thanh Vân đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của toà án, thông qua vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Ông cho rằng kết quả phiên Giám đốc thẩm chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.

Tháng 11/2023, ông Lê Thanh Vân lên tiếng về dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng có nhiều dấu hiệu vi phạm. Cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt bị can, trong đó có một số cán bộ của Thanh tra chính phủ (TTCP) về tội Nhận hối lộ. Ông cho rằng tổ công tác của TTCP đã thay đổi kết luận thanh tra từ năm 2020, từ kết luận dự án sai pháp luật, yêu cầu thu hồi dự án chuyển sang giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn cho nhà đầu tư. Điều này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng là "trái pháp luật hoàn toàn". Đồng thời, ông Vân đề nghị Tổng TTCP nhận trách nhiệm của mình với hậu quả việc làm sai đấy gây ra.

Tháng 6/2023, ông Lê Thanh Vân nói trước Quốc hội về vấn đề cán bộ "không dám làm, sợ chịu trách nhiệm" rằng "cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Không hành động là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, cần phải xử lý."

Tháng 11/2022, ông Lê Thanh Vân đề nghị trước Quốc hội rằng các đại biểu cần thảo luận, tranh luận nhiều hơn, chứ không phải là cầm giấy đọc ê a.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tổ Quốc năm 2019, ông Lê Thanh Vân khẳng định "Chắc chắn vẫn còn các vụ việc "nâng đỡ không trong sáng" đâu đó mà chưa bị khui ra. Vẫn bộc lộ đây đó vi phạm trong bổ nhiệm "không trong sáng" người nhà, người thân, cánh hẩu…"

Chính việc cơ quan chức năng không thông tin một cách rõ ràng về các vụ bắt giam ông Lê Thanh Vân, cộng với những lần phát ngôn được cho là “đụng chạm” như vừa nêu, có nhiều đồn đoán cho rằng việc ông cựu đại biểu này bị bắt thật ra là vì một nguyên do khác, chứ không đơn thuần là liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” như báo chí nhà nước đưa tin.

Ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ nước Đức nói với RFA rằng ông không tin vào những cáo buộc đối với hai vị cựu đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng, và cho rằng chắc chắn các vụ bắt giữ này là có vấn đề:

" Tại vì đây là hai đại biểu Quốc hội mà đã có rất nhiều phát biểu gai góc và đụng chạm ở Quốc hội. Căn cứ vào gần đây, tình hình đàn áp phong trào dân chủ Việt Nam gần đây bắt bớt nhiều người thì tôi thấy nó nằm trong một cái trào lưu chung, một cái xu hướng chung của Bộ Công an là đàn áp tất cả những tiếng nói đối lập, cả những tiếng nói đối lập trung thành với đảng Cộng sản, là những đảng viên Cộng sản như ông Lê Thanh Vân."

Luật sư giấu tên lại có nhận định khác. Ông cho biết đúng là có những đồn đoán rằng có thể ông Lê Thanh Vân bị bắt chính vì những phát biểu đụng chạm tới các quan chức khác. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Bàn về Quốc Hội” của tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng có nội dung cho biết những người đại biểu Quốc hội phải họp bàn trước và được thông qua những gì họ sẽ được phát biểu trước nghị trường:

“Không phải ngẫu nhiên mà ông đại biểu được lên nói bô bô thế kia được. Tất nhiên có thể có các vị đại biểu hăng máu lên như ông Nhưỡng hoặc là ông Vân, nhưng họ cũng chỉ nói được một hai câu chệch đi so với những cái gì thống nhất trước mà thôi. Tôi không tin là có một vị đại biểu gọi là đối lập với Đảng Cộng sản này đâu. Đừng có mơ mộng!”

Từ đó, vị luật sư suy đoán rằng vụ bắt giữ hai vị cựu đại biểu “mạnh miệng" chỉ là kết quả của một cuộc đấu đá giữa các nhóm với nhau, mà hai vị này ở thế yếu hơn.