Con cháu của lãnh đạo Việt Nam được cất nhắc các chức vụ quan trọng

0:00 / 0:00

Vấn đề đưa con cháu của lãnh đạo vào các chức vụ quan trọng, béo bở lại được báo chí Việt Nam thông tin.

Tình trạng đó được nhận định thế nào?

Con cháu các cụ cả!

Hôm 13 tháng, 6, Hiệp Hội Các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam – VAFI, cho công khai thư chất vấn cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về hàng loạt vấn đề liên quan đến nhân sự khi ông này đang còn đương chức.

Đây là một thể chế siêu phong kiến cho nên đội ngũ quan chức ngày càng phình ra là tất yếu, không thể tránh được. Cho nên dân phài è cổ ra nuôi 11 triệu người ăn lương!<br/> - Ông Nguyễn Khắc Mai

Trong đó vụ việc lớn nhất là chuyện cậu con trai của ông - Vũ Quang Hải được cất nhắc vào chức vụ tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam - PVFI khi 25 tuổi và chỉ mới học qua cao đẳng thôi; rồi sau đó đến năm 28 tuổi được điều động về Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với hàm phó vụ trưởng đảm nhận chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị đại diện cho cổ phần nhà nước, kiêm chức phó tổng giám đốc.

Điều đáng nói là trong thời gian cậu ấm Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI, công ty này lỗ 155 tỷ đồng vào năm 2011 và 67 tỷ đồng năm sau đó.

Vụ việc mới nhất vừa nêu lại khiến nhiều người dân chép miệng nhắc đến câu ‘con vua thì lại làm vua’ từng có dưới thời phong kiến; nhưng sang đến thế kỷ 21, con cháu những quan chức chính quyền cách mạng cũng tiếp tục được cất nhắc dù rằng khả năng hạn chế.

Nhận định thực tế

Ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt tại Hà Nội, có nhận định về thực tiễn công tác cán bộ tại Việt Nam bấy lâu nay như sau:

“Nói một câu cho nhanh là nó lạc hậu, phi lý từ trong lý thuyết và trog hệ thống cho nên việc to, việc nhỏ đều hỏng chứ không phải chỉ có chuyện cậu Hải con ông Vũ Huy Hoàng hay cậu Trịnh Xuân Thanh trong Hậu Giang đâu. Hàng loạt chuyện: họ bổ nhiệm một anh bộ trưởng mà đi thi gian dối, bổ nhiệm một anh ‘to đùng’ thì khai man tuổi tác (tuổi của em lớn hơn của anh nên bây giờ phải sửa sao đó cho tuổi của em nhỏ hơn của anh!). Đó là chuyện làm lấy được, bất chấp đạo lý, bất chấp khoa học. Không có thuốc chữa đâu! Tôi đã nói rằng đây là một thể chế siêu phong kiến cho nên đội ngũ quan chức ngày càng phình ra là tất yếu, không thể tránh được. Cho nên dân phài è cổ ra nuôi 11 triệu người ăn lương!”

Những gương mặt thái tử đảng đang từng bước nắm quyền điều hành đất nước
Những gương mặt thái tử đảng đang từng bước nắm quyền điều hành đất nước (Photo: truongduynhat.org)

Tình trạng bế tắc mà ông Nguyễn Khắc Mai mô tả trong công tác cán bộ Việt Nam lâu nay được cô giáo Nguyễn Thị Thái, diễn tả bằng hình tượng tắc cống ngay tại Hà Nội và nhiều nơi khác ở Việt Nam:

“Như chuyện cống ở Hà Nội bị tắc; theo tôi quan sát thì tôi thấy trước đây người ta moi móc rác tập trung ở cống hằng tuần nếu không nói có nơi hằng ngày. Bây giờ không thấy điều đó, chưa nói là người ta không thay hố ga để rác đọng lại rồi moi đi.

Tôi nói hơi trừu tượng một chút nhưng là thực tế. Ở qui mô lớn hơn cũng thế thôi ‘cống rãnh tắc vì không moi hằng ngày từ đó dẫn đến ngập úng, bẩn thỉu, ô nhiễm…’ Ví dụ họ đặt một đường cống một mét rồi để đó, mấy tuần lễ sau, có khi cả tháng mới đặt tiếp khúc khác, chỉ có chừng 2 mét cống khiến đất đá rơi xuống. Do vậy khi đường chưa làm xong, cống chưa lấp xong thì dưới lòng cống đã đầy đất cát rồi. Tức là những cái tiêu cực cứ tích tụ hằng ngày, hằng giờ và dẫn đến cống tắc thôi!”

Vấn đề nhân sự/giáo dục

Nhà tài chính Bùi Kiến Thành từng có ý kiến cho rằng trong tình thế hiện nay, Việt Nam cần có những con người biết làm việc để có thể thực thi mọi cải cách. Ông trình bày:

“Để làm việc trong ngành công vụ của Việt Nam thường thường phải qua những tổ chức của đảng. Như vậy đảng cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ rất lớn đào tạo cán bộ thế nào, bố trí cán bộ thế nào. Không chỉ đảng viên mới làm được công vụ của Nhà nước.

Để làm việc trong ngành công vụ của Việt Nam thường thường phải qua những tổ chức của đảng.<br/> - Nhà tài chính Bùi Kiến Thành

Đại hội 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây 10 năm cũng nói đến vấn đề mở rộng quản lý nhà nước cho các thành phần trong đảng và ngoài đảng, trong nước và ngoài nước để họ tham gia vào việc quản lý nhà nước. Nhưng đã 10 năm có nghị quyết như thế nhưng chưa được áp dụng. Bây giờ phải cố gắng nhanh chóng làm sao áp dụng chứ không phải quản lý nhà nước chỉ dành riêng cho đảng viên đảng cộng sản. Việc đó rất quan trọng. Nhà nước phải lo. Đảng cộng sản phải có bổn phận làm sao thay đổi tư duy, thay đổi phong cách quản lý cho phù hợp với nhu cầu của thời đại.”

Ở Việt Nam người ta hay nhắc lại câu nói được cho là của ông Hồ Chí Minh ‘muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa’. Thế nhưng theo ông Nguyễn Khắc Mai thì đó là một phát ngôn đầy mâu thuẫn:

“Ông Hồ nói điều này vào những năm 60 thì đến bây giờ qua nửa thế kỷ rồi. Con người xã hội chủ nghĩa là cái gì? Không rõ! Nhưng cứ tiến lên chủ nghĩa xã hội; do đó nó cứ luộm thuộm. Hiện chúng tôi đang sống trong những nghịch lý chưa biết lúc nào hanh thông.

Phải tìm tới hanh thông. Muốn như thế đảng phải thay đổi. Thay đổi căn bản từ triết lý, từ đường lối rồi từ đó có phương thức hoạt động. Và phải đặt mình trong xã hội văn minh, dân chủ, pháp quyền; phải nhìn vào sự thật.

Dân nói ‘dột từ trên nóc dột xuống’ rồi. Bây giờ phải làm sao sửa đổi, chỉnh đốn chứ cứ hô hào đổi mới thì không ăn thua đâu!”

Trong thực tế lâu nay có nhiều nhân tài Việt Nam ở trong nước được đưa đi đào tạo ở nước ngoài về, và có cả những tài năng gốc Việt trở về nước làm việc; thế nhưng hầu như số này không thể nào phát huy được mọi năng lực làm việc của họ.

Ông Nguyễn Khắc Mai đưa ra nhận định trong hệ thống Việt Nam hiện nay xảy ra hiện tượng người càng có tài, càng có kiến thức lại càng có khả năng làm những điều mà ông này cho là ‘nhảm’. Ông đưa ra một trường hợp điển hình là cựu đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên Minh Châu Âu: bà Tôn Nữ Thị Ninh qua vụ việc ông Bob Kerrey.