Cứ vào những tháng cuối năm hay những ngày đầu năm mới, hình ảnh một vị lãnh đạo nào đó cùng nhiều thuộc cấp ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường như quét rác, khơi thông cống rãnh… với hàng loạt ống kính chĩa vào trở nên phổ biến.
Sáng 18 tháng 1 năm 2020, nhiều quận huyện ở TP.HCM đã tổ chức lễ ra quân thực hiện tháng “Thành phố sạch - Thành phố văn hoá mừng xuân Canh Tý 2020, mừng Đảng 90 năm”. Báo chí trong nước đưa tin kèm hình ảnh Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mang bao tay trắng tham gia quét rác cùng người dân. Lập tức mạng xã hội đăng lại tấm hình ông Nguyễn Thiện Nhân cầm cây khơi thông dòng chảy cho kênh Rạch Lăng ở quận Bình Thạnh năm 2018 với hàng loạt ống kính phóng viên, cũng trong một buổi vận động người dân không xả rác.
Trước đó vài năm, tại buổi lễ phát động các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, người ta cũng thấy hình ảnh nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng thanh niên tình nguyện vớt rác, kéo lục bình khai thông dòng chảy rạch Dừa. Ông này đang phải thụ án tù vì những sai phạm trong công tác.
Nhiều người dân mỉa mai với những câu nói như: “Tôi không hiểu sao ông Bí thư Thành ủy làm đúng nghề của mình mà bị mọi người công kích?”. Có người họa lại đôi câu bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông xuống đường - Cầm chổi chà, cào cỏ - Giữa phố đầy phóng viên”.
Anh Quang, một người dân TP.HCM cho rằng dân cười là phải và chuyện này không mới, chỉ có phản ứng của người dân trên mạng xã hội là mới. Anh giải thích:
“Bình thường họ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, hà hiếp người dân, đến ngày lễ, ngày tết bày ra những trò như vậy nhìn nó lố bịch. Người dân cười là đúng rồi. Đó là hình thức biểu diễn để mị dân của người cộng sản từ hồi nào đến giờ rồi nhưng bây giờ dân mới có phương tiện để nói lên, để phản ứng. Chuyện đó không mới!
Những chuyện thiết thực hàng ngày thì họ không làm, bao nhiêu chuyện nóng về môi trường, về an toàn thực phẩm sờ sờ trước mắt họ không quan tâm ."
Cũng là một người dân ở TP.HCM nhưng cô Tuyết không bao giờ lên mạng xã hội, mà các thông tin cô biết chỉ qua báo đài trong nước. Cô nêu quan điểm của mình về việc quan chức cao cấp ra phụ dân nhặt rác, quét đường:
“Theo quan điểm của em thì những quan chức lớn như vậy mà làm công việc của những người quét rác nó thể hiện sự bình đẳng. Nhìn hình ảnh các quan chức trên báo như vậy thì người dân sẽ không vứt rác bừa bãi ra bên ngoài. Thấy người “lớn” làm như vậy thì đương nhiên người “nhỏ” phải noi theo, không xả rác bừa bãi.”
Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhận xét rằng đa số người dân chê bai những hành động của các lãnh đạo cao cấp như vậy. Bà không có một nghiên cứu chính thức về việc này nhưng theo bà thì người dân không sai, bởi làm lãnh đạo thì phải làm những việc to tát, hoạch định những chính sách sao cho ích nước lợi nhà thể hiện vị thế của mình, chứ đi lượm rác, thông kênh rạch chẳng giải quyết được việc gì cả. Bà đưa nhận định của mình:
“Cá nhân tôi thì tôi thấy các quan chức có cách này cách kia để lấy lòng dân, và hành động nhặt rác thì cũng nhằm cổ vũ cho vệ sinh môi trường, nhưng tôi nghĩ là cách làm truyền thông không phù hợp. Người dân nhìn những hình ảnh đó họ không thấy thuyết phục.”
Việt Nam là một nước có số lượng báo chí chính thống khá nhiều. Theo thống kê được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hôm 6 tháng 11 năm 2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in, 24 báo, tạp chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 279 kênh, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập, biên dịch.
Có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong số đó, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chiếm 20/36 doanh nghiệp.
Đang làm việc trong lĩnh vực báo chí có 41.600 người và Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.
Thế nhưng với những người dân có chút hiểu biết về thời cuộc thì từ lâu họ đã không còn tin, không còn xem những tin tức, hình ảnh mà báo trong nước loan nữa. Người ta nói với nhau rằng, ngày xưa đọc báo để có kiến thức, ngày nay phải có kiến thức hãy đọc báo. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã sáng tác một bài hát có tên “Hãy gấp trang báo và tắt tivi”.
Như vậy mạng xã hội cho đến bây giờ là nơi người dân có thể nói lên những suy nghĩ, những phản biện một cách trung thực nhất, nhưng lại bị chính quyền coi là công cụ chống đảng, chống nhà nước.
Tuy vậy, theo đánh giá của những nhà quan sát thời cuộc thì nhờ mạng xã hội mà nhận thức của người dân được nâng lên rất nhiều và họ không tin vào những điều được gọi là ‘mị dân’ nữa.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định:
"Theo tôi thì chuyện cuối năm mấy ông bà cộng sản cấp cao đi quét rác, dọn dẹp… bị người dân cười cợt thì không có gì ngạc nhiên hết bởi vì người ta không tin vào những chuyện mị dân như vậy. Nó phản ánh não trạng của giới cộng sản cấp cao vẫn rất ấu trĩ. Họ không lừa được người dân bằng những hành động đen cả về hình thức lẫn tâm trí của họ nữa.
Cái thứ hai là tự họ làm cho hình ảnh của họ trở nên xấu xí. Người dân Việt Nam ngày nay nhận thức rất nhiều chứ không phải như ngày xưa nữa. Người dân không cần những hình ảnh quét rác theo nghĩa đen nữa mà họ cần quét rác theo nghĩa bóng, tức là hãy quét sạch hết những tệ nạn như ma túy, tham nhũng…"
Theo báo cáo, thống kê của Bộ Công an, tính đến 15 tháng 5 năm 2018, cả nước có 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 2.100 người so với năm 2017. Còn tệ tham nhũng, hối lộ thì tràn lan khắp các cơ quan công quyền, có vụ ‘ăn’ đến hàng triệu đô la Mỹ mà người dân chỉ được biết qua chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng mấy năm qua.