Dự thảo Luật đất đai giảm ưu tiên cho Nhà nước?

Phiên thảo luận dự thảo luật đất đai chiều 15 tháng 1 vừa qua diễn ra với nhiều ý kiến. Có các điểm mới nào trong dự luật và chuyên gia phản ứng thế nào?

0:00 / 0:00

Điều khoản không hợp lý

Trong phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ mong muốn có một bộ luật đất đai mới hoàn chỉnh và hạn chế nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện để có thể đưa vào áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, nói với đài RFA, LS Trần Vũ Hải, Đoàn LS Hà Nội, cho rằng ông “không hy vọng lắm” vào việc sửa đổi toàn diện trong lần sửa luật đất đai này. Ông giải thích:

“Hiện nay đang có tranh cãi về một điều khoản của dự thảo Hiến pháp liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai. Trước đây, Hiến pháp không qui định vấn đề thu hồi đất mà chỉ nói trưng mua tài sản. Nhưng dự thảo HP này lại qui định vấn đề thu hồi đất tức là hiến định hóa một quyền của Nhà nước về thu hồi đất. Hiện nay các chuyên gia pháp lý cho rằng điều đó không hợp lý”.

Theo ông Trần Vũ Hải, đất khi được giao cho người dân thì thực tế nó trở thành tài sản của người sử dụng và phải có biện pháp thỏa thuận khi cần trao đổi, mua bán. Ông lưu ý rằng việc dành cho nhà nước quá nhiều quyền về thu hồi đất đai là “không nên” vì lúc vận dụng vào thực tế nó bị sai lệch khi những quan chức nhà nước lại cho mình là nhà nước và thực hiện thu hồi đất.

Dự thảo HP này lại qui định vấn đề thu hồi đất tức là hiến định hóa một quyền của Nhà nước về thu hồi đất. Hiện nay các chuyên gia pháp lý cho rằng điều đó không hợp lý.<br/>LS Trần Vũ Hải

"Theo tôi là không chấp nhận được vì cái này là cái gốc tức là phải công nhận quyền sở hữu hoặc tương đương quyền sở hữu của người sử dụng đất. Trước hết đối với đất nông nghiệp và đất ở", ông nói thêm.

Ông Hải nói rằng để có một luật đất đai hoàn chỉnh, hiệu quả như ông Nguyễn Sinh Hùng mong muốn thì trước hết cần có một cuộc tranh luận, đóng góp ý kiến về những điều liên quan trong dự thảo HP.

Tại buổi thảo luận dự luật đất đai hôm thứ Ba, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang nói dự luật lần này bỏ quy định “nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất”. Ông Quang cho biết thêm dự luật đồng thời bổ sung thêm một số quy định về trách nhiệm của nhà nước trong lĩnh vực đất đai bao gồm việc cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân. LS Trần Vũ Hải cho rằng những điểm mới này cần phải được nghiên cứu kỹ:

“Tôi không tin tưởng những câu chữ như thế. Nếu đi vào chi tiết, chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn nhưng tôi không tin tưởng. Trong các hội thảo, chúng tôi từng kiến nghị có những nhóm chuyên gia độc lập để tham gia vào nhóm dự thảo đất đai và họ có quan điểm khác với các quan chức hiện nay”.

LS Hải nhấn mạnh là đến thời điểm này, theo ông, luật đất đai đang là một lợi thế cho Nhà nước nên sinh ra tình trạng đất đai bị thu hồi bừa bãi khiến nhiều vùng qui hoạch bị bỏ hoang.

Phải biết dân muốn gì

Nông dân Hưng Yên lên Hà Nội biểu tình đòi đất hôm 21/2/2012. AFP photo
Nông dân Hưng Yên lên Hà Nội biểu tình đòi đất hôm 21/2/2012. AFP photo (Nông dân Hưng Yên lên Hà Nội biểu tình đòi đất hôm 21/2/2012. AFP photo)

Trong khi đó nội dung trong dự luật đất đai liên quan đến thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… được nói bổ sung nhiều qui định mới trong đó làm rõ hơn các trường hợp nhà nước thu hồi đất vào mục đích quốc phòng và lợi ích công cộng. Ngoài ra, dự luật mới cũng được cho là có những qui định thu hẹp các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Buổi thảo luận chiều 15 tháng 1 cũng xoáy vào việc xác định giá đất đền bù – một vấn đề gây nhiều tranh cãi và tạo ra hàng loạt các vụ khiến kiện đất đai. Vấn đề đền bù trong dự thảo luật đất đai mới được ông Nguyễn Minh Quang đánh giá là “linh họat hơn” theo nguyên tắc tùy vào mục đích sử dụng đất tại thời điểm nhà nước có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Dự thảo luật đất đai cũng bổ sung các quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, các khoản hỗ trợ cho người dân.

LS Trần Vũ Hải cho rằng cách tốt nhất, theo ông, phải có một cuộc nghiên cứu:

“Trước hết phải có một tổng kết về vấn đề đó trong những năm qua để xem người dân muốn gì? Họ muốn đất hay muốn được đền bù”.

Trước hết phải có một tổng kết về vấn đề đó trong những năm qua để xem người dân muốn gì? Họ muốn đất hay muốn được đền bù.<br/>LS Trần Vũ Hải <br/>

Ông Trần Vũ Hải nói rằng nhiều người dân, cụ thể là nông dân Văn Giang không muốn đền bù mà muốn được canh tác trên đất của mình vì giá trị sinh lợi cao hơn gấp nhiều lần giá đền bù. Theo ông, đất ở phải được đền bù theo giá thị trường còn đất nông nghiệp phải được đền bù bằng số tiền tương đương 30 năm mức sinh lợi của người dân trên mảnh đất. Ông giải thích điều này nhằm làm giảm các chương trình qui hoạch bừa bãi và lưu ý:

“Phải tìm mọi cách giữ đất nông nghiệp tối đa. Đây là cơ hội cho Việt Nam. Và giả sử kinh tế khó khăn thì đất nông nghiệp cũng là một cơ hội cho người dân nông thôn để ổn định đời sống. Phải hiểu được như thế mới thấy tầm quan trọng của việc giữ đất nông nghiệp.

Đây là cơ hội để kéo dài thêm một – hai năm nửa dự luật đất đai này để thư thả. Nhất là khi vấn đề Hiến pháp được ban hành để có thể tổng kết lại các vấn đề và đưa ra một chính sách thoả đáng hơn về đất đai”.

Toàn bộ dự luật đất đai sẽ lấy ý kiến người dân từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 31 tháng 3 năm nay. Sau đó, dự luật đất đai sửa đổi sẽ được bổ sung và trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm nay.

Theo dòng thời sự: