Hiệp hội điều Việt Nam - VINACAS vào tối ngày 9/3 đã chính thức thông báo có 36 container điều xuất khẩu bị mất quyền kiểm soát, thay vì 100 container điều xuất khẩu sang Ý như thông tin báo chí Nhà nước loan trước đó.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam khi phát biểu tại buổi họp báo ngày 9/3 cho biết, theo kế hoạch đúng là có khoảng 100 container nhân điều sẽ xuất đi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi một số container đã xuất phát đi, thì các doanh nghiệp phát hiện có những dấu hiệu mờ ám, nghi bị lừa, nên đã kịp thời ngăn chặn các container chưa xuất phát.... Do vậy chỉ có 36 container bị mất quyền kiểm soát. Trong đó, có hai container xuất đi Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại là xuất đi Ý.
Theo ông Nhựt, 36 container mất 36 chứng từ gốc tức mất quyền kiểm soát trị giá 7.025.000 USD, tương đương 162 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - VINACAS, hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Tanimex LA, khi trả lời RFA hôm 15/3, nói:
“Chắc không đến nỗi nào, bởi vì Thủ tướng cũng chỉ đạo rồi... năm bộ cũng đã vào cuộc thì chắc không đến nỗi nào đâu... Trước đây ở Bình Dương cũng bị lấy mất điều, nhưng chuyện đó cũng đã lâu rồi... Mình phải lựa chọn khách hàng thôi... Kinh doanh thì mình phải chú ý, phải thận trọng... phải khảo sát khách hàng... thì sẽ không bị...”
Hiện nay yêu cầu chính phủ can thiệp, nhưng theo tôi khả năng chính phủ can thiệp lấy lại được là khó khăn chứ không phải đơn giản.
-Phó Giáo Sư - Tiến Sĩ Ngô Trí Long
Theo VINACAS, 100 container nhân điều xuất đi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ đều thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, do một phụ nữ tên Hạnh - Việt kiều Mỹ làm chủ. Doanh nghiệp này có thâm niên trên 10 năm hoạt động và chưa xảy ra sự cố gì, vì thế theo VINACAS, không có lý do gì để cảnh báo và rất khó để lường trước.(!?)
Các doanh nghiệp Việt Nam trong đơn cầu cứu VINACAS và chính phủ được truyền thông đăng tải cho biết, hiện không biết bộ chứng từ gốc của 100 container nhân điều đang ở đâu? Trong khi đó theo thông lệ quốc tế, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể nhận hàng.
Vào ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp điều tra hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết vụ việc.
Phó Giáo Sư - Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 3 năm 2021 liên quan vấn đề này cho rằng, rất khó khăn để lấy lại số hàng này:
“Nói chung do cách làm của họ không thận trọng trong tìm đối tác, trong phương thức thanh toán mua bán chưa nắm chắc được vấn đề nên bị như vậy. Hiện nay yêu cầu Chính phủ can thiệp, nhưng theo tôi khả năng Chính phủ can thiệp lấy lại được là khó khăn chứ không phải đơn giản. Đây là lần đầu tiên xảy ra tổn thất lớn như vậy, từ trước đến nay cũng có nhưng chỉ là những vụ nhỏ lẻ. Đây là vụ điển hình do kinh nghiệm non nớt của những đối tác này quá tin tưởng môi giới. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì chắc chắn không xảy ra như vậy.”
Theo ông Ngô Trí Long, việc xử lý này thì luật sư trong nước không thể bằng các tổ chức luật sư nước ngoài. Cho nên nếu đủ điều kiện kinh phí, tính toán hiệu quả, có đối tác tin cậy... giải quyết tốt được thì thực hiện, còn hơn là để mất trắng.
![hat-dieu-960.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/EF7CAQIYLYW3JNMQBK2ZRK5SYM.jpg?auth=8b3ca03c4d97dd239f2fb593d82627a5d4b8ab91817501ab71d0169ef82c5321&width=800&height=502)
Theo truyền thông trong nước, đây được cho là vụ lừa đảo lịch sử trong ngành xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Trao đổi với RFA tối 15/3, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nhận định:
“Theo tôi việc này là bài học cho các doanh nghiệp, những vụ như vậy gần đây cũng thường xảy ra... do những doanh nghiệp này không sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư, trong quá trình làm những hợp đồng này. Trước khi xảy ra tranh chấp thì các doanh nghiệp phải nắm được quy định của nước sở tại. Những tranh chấp làm tổn thất kinh tế một bên nào đó thường giải quyết theo thủ tục trọng tài. Những tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại trước hết giải quyết qua thương lượng hòa giải, nếu không được thì ở Ý sẽ chuyển cho các trung tân trọng tài quốc tế.”
Ở đây có rủi ro về pháp lý do các bên họ không nắm chặt pháp lý, đây là điều đáng tiếc và cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động thương mại thì phải nhờ hỗ trợ từ luật sư để tránh rủi ro.
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Trong đơn kêu cứu, các doanh nghiệp xuất khẩu điều cho biết họ đều gặp hai tình trạng. Thứ nhất, với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng dẫn của người mua hàng. Sau đó nhà xuất khẩu nộp hồ sơ gốc bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc cho ngân hàng tại Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng.
Ngân hàng tại Việt Nam sau khi kiểm tra, đã gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán tại Thổ Nhĩ Kỳ qua DHL. Tuy nhiên, phía ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhận được bộ chứng từ gốc từ DHL, đã thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng, người mua không đúng tên khách hàng của họ và đã gửi trả lại bộ chứng từ.
Thứ hai, đối với các bộ chứng từ gửi đến các ngân hàng tại Ý, thì các ngân hàng này đều thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng, họ đã nhận được bộ chứng từ qua DHL nhưng là các bản photocopy không phải bản gốc; hoặc có trường hợp là giấy trắng.
Có 36 container trong trường hợp này và hiện các doanh nghiệp không biết bộ chứng từ gốc ở đâu? Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã có công văn gửi đến các hãng tàu đề nghị hỗ trợ tạm giữ hàng. Tuy nhiên một số hãng tàu phản hồi rằng, nếu người nhận có Bộ hồ sơ gốc mà hãng tàu không giao thì có thể bị kiện ngược lại.
Các chuyên gia cho rằng, do các doanh nghiệp quá tin tưởng vào môi giới nên mới xảy ra tình trạng này. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm quy định liên quan môi giới trong Luật Thương mại Việt Nam:
“Trong pháp luật về môi giới thương mại, thì Việt Nam cũng có quy định là thông qua hoạt động môi giới thì người môi giới được hưởng tiền môi giới. Hoạt động môi giới cũng đã có trong Bộ luật thương mại 1997, sau đó sửa đổi luật thương mại năm 2005. Nội dung môi giới là tìm kiếm bạn hàng, cung cấp thông tin, và những chứng từ này bên mua phải giữ. Chứng từ gốc là một cái rất quan trọng, bên mua phải giữ thì mới trả tiền. Ở đây có rủi ro về pháp lý do các bên họ không nắm chặt pháp lý, đây là điều đáng tiếc và cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động thương mại thì phải nhờ hỗ trợ từ luật sư để tránh rủi ro.”
Ngoài số 36 container bị mất hồ sơ gốc, theo đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện một số contaner điều trong số 100 container theo hợp đồng... đang bị giữ tại cảng của Singapore. Nhưng nếu doanh nghiệp muốn lấy hàng về Việt Nam, thì phải trả số tiền tương đương cước vận chuyển đưa hàng đi Ý cho hãng vận chuyển.