Nhà Xuất Bản Tự do tại Việt Nam bị cho là ‘nguy hiểm’ phải truy bức!

Ngày 3/1 vừa qua, một độc giả của NXB Tự Do, ông Hồ Sỹ Quyết, hiện đang sinh sống tại Hà Nội bất ngờ bị hơn một chục công an, an ninh thường phục ập vào nhà khám xét, tịch thu đồ đạc mà không có bất kì một loại giấy tờ hay lệnh khám xét nào.

Theo thông tin từ trang facebook cá nhân của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, ông Quyết và vợ sau đó còn bị bắt về đồn công an để thẩm vấn, truy xét về mối quan hệ với NXB Tự do.

Cũng theo bà Phạm Đoan Trang thì đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện người đọc sách của nhà xuất bản này bị bắt bớ, khám xét nhà một cách tuỳ tiện. Đồng thời bà khẳng định với cách hành xử này thì nhà cầm quyền Hà Nội đang bất chấp “luật pháp, nhân quyền, đạo đức, lương tâm…”

Lực lượng chức năng VN liên tục truy quét những người liên quan đến NXB Tự Do

Một thành viên của Nhà xuất bản tự do không muốn nêu tên vì lí do an toàn nói với Đài Á Châu Tự do rằng anh đang phải tạm lánh từ hơn 2 tháng qua vì sự truy lùng của chính quyền:

"Mình tham gia với NXB Tự do với mong muốn người đọc ở Việt Nam được tiếp cận đến những thông tin đa chiều, những thông tin mà lâu nay nhà nước vẫn kiểm soát để cho nhiều người biết được sự thật nhiều hơn, người dân thì có nhiều kiến thức áp dụng trong cuộc sống cũng như trong quá trình đấu tranh chính trị tại Việt Nam.

Họ (an ninh - PV) đến chỗ làm việc của mình để điều tra. Mình cảm giác không an toàn nên đã đi lánh. Sau khi mình đi, họ vào khám nhà và thu hết những giấy tờ của mình và một số giấy tờ của gia đình người thân nữa, bằng cấp, máy tính các thứ của mình."

Hình minh họa. Anh Vũ Huy Hoàng, người giao sách cho NXB Tự Do bị công an đánh.
Hình minh họa. Anh Vũ Huy Hoàng, người giao sách cho NXB Tự Do bị công an đánh. (Courtesy of FB Vũ Huy Hoàng)

Hiện nay cơ quan chức năng Việt Nam không chỉ truy quét những người làm việc cho NXB Tự do mà ngay cả những người giao sách hay độc giả mua sách cũng bị gây khó dễ.

Ông H., một độc giả của NXB này cũng không muốn nêu rõ danh tính, trả lời RFA về những khó khăn khi đặt mua sách:

"Việc chuyển sách của họ cho độc giả rất khó khăn bởi vì những người shipper có thể bị bắt bất cứ lúc nào, có thể do vấn đề bảo mật chẳng hạn, phía chính quyền sẽ biết được danh sách của những người mua sách. Sau đó họ sẽ theo dõi, thậm chí khi shipper tới họ sẽ tới tận nhà khám xét.

Cách mà tôi mua sách là phải nhờ người quen mua dùm thôi nhờ người quen nhận sách hộ thôi.”

Ông Vũ Huy Hoàng, người từng bị bắt, bị đánh trong đồn công an và câu lưu suốt 12 tiếng đồng hồ vào hôm 15/10/2019 vì giao sách, xác nhận với RFA rằng ông vẫn chưa thể trở về nhà từ đó đến nay vì chính quyền vẫn đang theo dõi rất sát người nhà của ông.

Hôm 27/11/2019, hai tổ chức nhân quyền Quốc tế là Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế ra tuyên bố yêu cầu chính quyền Việt Nam phải chấm dứt ngay cuộc trấn áp đang gia tăng đối với một nhà xuất bản độc lập.

Vì sao NXB Tự do bị đàn áp?

Trong một bài viết đã được đăng trên RFA, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói rằng “NXB Tự Do ngay từ ngày đầu thanh lập đã bị đàn áp rất nhiều. Facebook bị đánh sập, các hoạt động mua bán, phát hành đều ngăn cản, rượt đuổi. Sau đó thì tất cả các tài khoản ngân hàng của họ đều bị khóa một cách vô lý. Những người đi giao sách bị săn đuổi, gài bẫy rất nhiều. Nhiều người giao sách ở Sài gòn và miền Trung bị bắt. Từ đó họ tìm ra một số người đặt mua sách. Ngay sau đó, họ mở cuộc tổng đàn áp trên diện rộng, ở toàn quốc…”

Ông H. cho rằng chính quyền Việt Nam đang muốn “diệt tận gốc” các hoạt động gây ảnh hưởng đến công chúng của NXB Tự do. Bởi lẽ NXB này được cho là mang tính đối kháng thuộc hàng cao nhất tại Việt Nam hiện nay:

"Họ coi nhà xuất bản tự do như là một thế lực chống đối nguy hiểm đối với họ. Những kiến thức trong các cuốn sách thì chưa chắc là họ đã đọc đâu, chưa chắc những người an ninh và những người đưa ra quyết định tìm bắt, đàn áp họ đã đọc.

Bản chất vẫn là do NXB Tự do có một cái tính đối kháng rất cao. Dường như hiện nay đang thể hiện tính đối kháng cao nhất trong các nhóm ở Việt Nam. Chính vì thế mà nó (chính quyền Việt Nam - PV) muốn dập tất cả các hoạt động của họ, bằng cách là những người đọc sách thì nó sẽ doạ tìm đủ mọi cách để bắt, hoặc là vào nhà để bắt như trường hợp mới nhất của Quyết Hồ, vào nhà thu đồ thu sách, mục đích của nó là doạ tất cả cộng đồng đọc sách."

Hình minh họa. Những sách do NXB Tự Do xuất bản
Hình minh họa. Những sách do NXB Tự Do xuất bản (Courtesy of NXB Tự Do)

Người làm việc cho NXB Tự do nói về nguyên nhân mà họ bị đàn áp dữ dội như vậy trong thời gian qua là vì đây gần như là một nhóm duy nhất ở Việt Nam dám phát hành những cuốn sách có liên quan đến chính trị mà các nhà xuất bản khác không dám in:

"Mình nghĩ rằng là có thể NXB Tự do là NXB duy nhất ở Việt Nam dám in những cuốn sách như thế. Và mình nghĩ là người Cộng sản họ không muốn mình cung cấp kiến thức cho mọi người, đưa sách đến cho mọi người. Họ muốn ngu dân nhiều hơn. Họ rất ghét các tài liệu, sách, những bản in chứ không phải các bản pdf trên mạng. Nếu chỉ là các file trên mạng thì có lẽ họ sẽ không truy đuổi nhiều như thế."

Ngoài ra, người này còn lo ngại rằng Luật in ấn ở Việt Nam không cho phép xuất bản những ấn phẩm “trái ý Đảng” sẽ là một “công cụ” hợp pháp để chính quyền đàn áp những người làm công việc như của NXB Tự do đang làm.

Sẽ luôn đồng hành cùng NXB Tự do

Thành viên giấu tên thừa nhận rằng dù gặp quá nhiều khó khăn vì đang bị chính quyền truy bắt, nhưng ông khẳng định điều đó chỉ làm cho mình cẩn thận hơn và tính toán lại các bước chứ không hề có ý định bỏ cuộc:

"Mình phải công nhận rằng sự đàn áp, truy lùng gắt gao của chính quyền đối với họ là có hiệu quả, tác động trực tiếp tới bọn mình. Độc giả bị an ninh điều tra và làm việc rất gắt gao, điều đó cản trở đến khách hàng, những người đọc cũng dè chừng hơn. Những cái việc vận chuyển của NXB Tự do cũng nguy hiểm hơn, những người vận chuyển có thể bị phát hiện, sách có thể bị thu. Các cơ sở in ấn cũng không dám nhận bên mình nữa. Nói chung là sự án áp, truy lùng của bên họ có ảnh hưởng rất lớn đến công việc NXB Tự do đang làm.

Trong lúc bị truy lùng thì bọn mình cũng phải tính toán lại các bước, những khâu chi tiết hơn nên lượng sách cung cấp đến độc giả thời gan vừa rồi bị ít hơn rất là nhiều.

Tuy nhiên, mình không có ý định dừng lại. Tức là sau khi tạm lánh, mình chỉ cần có nơi ở để an ninh không truy đuổi được thôi, còn mình vẫn làm các công việc của NXB Tự do dù là sẽ bị hạn chế hơn rất là nhiều so với trước đây. ”

Ông H. khẳng định cũng sẽ sẵn lòng đồng hành với NXB Tự do dù có bị sách nhiễu:

"Thường thì tôi không đề cao nhà xuất bản mà chỉ để ý đến tác giả của cuốn sách ấy và sự dũng cảm của NXB khi họ dám xuất bản những cuốn sách như vậy, nó rất là tri thức và tốt cho tất cả mọi người.

Mình đọc theo sở thích và những kiến thức mà mình muốn tìm hiểu nên cũng không ngại việc bị cấm. Mình sẽ tìm mọi cách để tìm đọc thôi. Những cuốn sách nào mình thích mà NXB Tự do có xuất bản thì mình sẽ tìm đọc bằng được.”

Nhà Xuất Bản Tự Do là một tổ chức phi lợi nhuận, với tinh thần lan tỏa tri thức và tự do thông tin.

Họ xác định trên trang fanpage chính thức rằng “hoạt động độc lập, với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Những ấn phẩm này được phát hành thông qua hình thức bán và cho tặng miễn phí.”