Phạm Điền, phóng viên đài RFA
Như thường lệ các tối Thứ Bảy, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền phu trách lại đến với quý thính giả. Câu chuyện văn nghệ tuần này, đưa quý vị đến một họat cảnh xã hội Việt Nam đời mới có tên là Lên Đời, phóng sự tiểu thuyết của Văn Quang.
![lendoi150.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/PRX6GXJOXETOU2UJRCI45GDDGE.jpg?auth=748fa4fda7b7f9b7c8ce071d290450bd3dfe6d3fb880ff7ab69be65ca06b48fb&width=800&height=1200)
Trần trụi, buồn nôn, chóang ngợp, chóang váng, là hình ảnh đồng thời là cảm nhận của người đọc trước bức tranh xã hội Viêt Nam ngày nay, vẽ lại dưới ngòi bút phóng sự tiểu thuyết của một nhà văn từng ăn khách của miền nam trước tháng Tư năm 1975. Tủ sách Tiếng Quê Hương do nhà văn Uyên Thao chủ trương tại Mỹ đã xuất bản cuốn sách dày 600 trang này trong những tháng cuối của năm 2004.
Cuộc đổi đời
Cuộc đổi đời của Việt Nam, theo như tác giả Văn Quang, có kẻ may mắn “Lên Đời”, có kẻ thiếu cơ hội thì “xuống đời”. Cảnh biển dâu, kẻ lên voi, người xuống chó này là những họat cảnh khiến ai cũng dở khóc dở cười. Nhưng Văn Quang là người chứng.
Không phải chỉ là chứng nhân bàng quang, ông còn là một nhà văn, và từng kẹt trong cảnh sống đó, nhịp sống quang cuồng chung quanh lọt vào mắt ông từng ngày, thấm nhập, khá gần gũi, nên ông nghe được từng tiếng nói, từng hơi thở của các biến động chung quanh. Với tư cách của người viết, ông cho các nhân vật, cả không và thời gian sống lại, múa may trên những trang giấy.
Con mắt quan sát tinh quái của một nhà văn nơi Văn Quang, người từng thạo thể phóng sự, cuốn phim và những mảnh đời ông ráp nối đã linh động và sống thực đến độ phía đàng sau của xã hội lên cấp nhầy nhụa được phơi trần, mà phấn sáp đàng trước mặt không thể che đậy nổi.
“Lên Đời” trong xã hội cộng sản đang đổi mới làm người ta nhớ tới một sự tố cáo xã hội đổi thay và phá sản có tên là “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng thời thực dân Pháp. Tiểu thuyết là có hư cấu, là thêm chút mắm muối , chanh đường tùy mỗi khúc của phóng sự cho đỡ tẻ nhạt, là tăng cho những nhân vật một số danh xưng có thể chẳng có ngoài đời để cố tôn trọng một số nhân vật trong đời thực, nhưng ngoài những điều như thế, tác giả cố gắng mô tả họat cảnh như nó là… của một xã hội đang tan rã, nhất là đối với các giá trị tinh thần.
Thực tại tan vỡ
Xã hội của Lên Đời là của thèm muốn tiền bạc và dục tình. Xã hội trong Lên Đời là sự hất đổ các giá trị đông phương được củng cố từ lâu để con người có phẩm hạnh, phẩm giá, là sự tử tế trong các liên đới với nhau.
Lên Đời là thời đại tôn xưng các nấc thang giá trị khác, ca ngợi những thủ đọan lừa đảo, xảo quyệt, hung hiểm. Sự mất hướng của giới trẻ, sự bại họai suy đồi của phụ nữ, của các thế hệ niên trưởng, sự rã rượi của niềm tin.
Người đọc đối diện với thực tại tan vỡ. Về điều này, Văn Quang trong một đọan trong bài “trước khi vào sách” đã viết, chúng tôi xin trích nguyên văn “Những điều này có thể chính bạn đã nghe, đã thấy phần nào khi theo dõi nhiều vụ án, đặc biệt là vụ án Năm Camcấu kết với các quan chức tham nhũng, quyền cao chức trọng.
Những cảnh ngộ lầm than, giấy bút tại Việt Nam hiện nay chắc chắn vẫn khó giúp bạn thấy rõ tận cùng những thủ đọan tàn bạo, những mưu toan thần sầu của các băng nhóm này.
Bạn có thể cũng nghe nhắc về cuộc sống thác lọan với những cảnh trác táng với những màn đồi trụy…Nhưng tất cả những cảnh đó không thể bao quát toàn bộ thực tế cuộc sống thác lọan gần như điên cuồng hiện nay tại Việt Nam.
Những cuộc tình quái gỡ, những âm mưu quỷ quyệt, những toan tính tàn độc, những cung cách trơ trẽn, những thèm khát hực lửa, những bộ mặt thật giả khó phân …của lớp tư sản mới đã đốt thành tro bụi hình ảnh con người Việt Nam thuần hậu dung dị quen thuộc”.
Thiên phóng sự của Văn Quang ghi nhận đời sống của xã hội Lên Đời thê thảm đó.
Nhà văn Văn Quang
Nói về nhà văn Văn Quang, nhà văn Uyên Thao, từng chủ trương nhât báo Sóng Thần ở Việt Nam trước tháng Tư 1975, và hiện đang chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương tại Mỹ đã cho hay cái tên Văn Quang thì tôi nghĩ rằng rất quen thuộc với những ngừoi đã từng quen biết với sinh họat sách vở trước đây bởi anh là tác giả của nhiều cuốn sách mà nhiều tác phẩm cũng đã từng được đưa lên màn ảnh chẳng hạn như là cuốn Chân Trời Tím hay Tiếng Hát Học Trò trước năm 75, ngoài ra anh cũng là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà cũ. Anh là Trung Tá mà làm Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội.
Hỏi: Dạ thưa nhà văn Uyên Thao, tủ sách Tiếng Quê Huơng đã chọn in cuốn này, có nghĩa là nó sẽ phản ảnh đúng đời sống Việt nam và được đón nhận ở hải ngọai này không?
Đáp: Trong cái chủ trương của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương thì chúng tôi mong sẽ giới thiệu được nhiều cái nét về cái thực tế của đời sống Việt Nam hiện nay. Theo cái đánh giá của chúng tôi, cuốn Lên Đời là một cuốn phóng sự nó phản ảnh rất là chân xác các thực tế sinh họat ở Việt Nam, nhất là sinh họat của giới trẻ về rất nhiều mặt, do đó chúng tôi đã chọn tác phẩm đó để giới thiệu với mọi người.
Hỏi: Ông có nghĩ cuốn này sẽ là một cuốn bán chạy không?
Đáp: Về phương diện này tôi không được thành thạo lắm, nhưng qua những thư từ mà chúng tôi nhận được của một số những người mà đã mua sách, đọc sách thì tất cả đều rất thích thú với tác phẩm đó vì nó phản ảnh được cái thực tế mà mọi người muốn tìm hiểu. Ngoài ra tôi nghĩ đây là cái nét riêng văn chương của anh Văn Quang cũng có rất nhiều người mến mộ. Thánh thử tôi hi vọng sẽ có rất nhiều độc giả tiếp nhận.
Những hình ảnh được đưa ra trong Lên Đời làm cho ngưởi đọc cảm thấy tái tê. Chúng tôi có đưa vấn đề này ra để hỏi tác giả.
Hỏi: Thưa nhà văn Văn Quang, trong cái cuốn lên đời ông đã dùng cái thể phóng sự tiểu thuyết để nói lên một hình ảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Thưa ông khi ông viết những họat cảnh xã hội này thì thực chứng của xã hội đó nó như thế nào? So với phần hư cấu tiểu thuyết?
Đáp: Thưa anh cái cuốn Lên Đời thực sự ra thì nó là một cái cuốn tiểu thuyết phóng sự, cũng như tất cả các cuốn tiểu thuyết phóng sự tự tôi đã viết từ trước đến nay, tức là từ trước năm 75 đến nay, thì tất cả cái đó đều là cái hình ảnh của thời đại hết.
Tôi tập trung những sự kiện của xã hội lại ở mọi tầng lớp để làm lại cái cuốn làm sao nó mang theo cái hơi thở của cái thời đại đó tức là nó phản ứng những gì nó đã và đang xảy ra trong xã hội mà nó có thể sẽ xảy ra trong cái xã hội mà tôi đang sống. Nó rất thật và nó rất là con người hơn, thì đó là ý tưởng của bất cứ con người nào viết tiểu thuyết phóng sự nào cũng muốn đạt tới.
Hỏi: Thưa ông, trong khi ông viết cuốn Lên Đời này đó thì đời sống của ông thế nào, giữa cảnh đời quay cuồng như ông đã kể đó?
Đáp: Thì tất nhiên như anh đã biết trong hoàn cảnh của tôi, thì tôi đã quyết định ở lại Sài Gòn và tôi quyết định ở lại để mà nhìn tất cả những sự việc nó diễn biến ra chung quanh mình một cách sâu sắc hơn, tức là đi sâu được vào mọi tầng lớp hơn. Mình nhìn những vấn đề của thời đại nó rõ ràng hơn, trong từng con người, trong từng góc cạnh một.
Cái cuốn Lên Đời thì nó cũng có đủ cả chứ chả phải là, không phải chỉ có Lên Đời không mà có cả xuống đời, có cả đổi đời. Nó có những hoàn cảnh xã hội nó thay đổi con người. Thế con người nó từ môi trường này nó bước sang môi trường khác, hoặc từ hoàn cảnh này nó bước sang hoàn cảnh kia, thì nó có những yếu tố nó thúc đẩy và nó có những hoàn cảnh nó khơi gợi để cho người ta bước tới một cái trường hợp khác trong cuộc sống.
Ví dụ một con người từ lương thiện trở thành gian xảo thì nó vì lý do gì. Đôi khi tất cả những cái đó, tôi nói là ngay cả toà án cũng không thể làm rõ những cái vấn đề như vậy. Những vấn đề như vậy thì phải nhìn sâu vào tâm trạng của con người, trong hoàn cảnh xã hội nó thúc đẩy.
Thì ở đây tôi muốn đến những cái chi tiết những cái gì thúc đẩy con người ví dụ như những cái gì làm nên ham muốn đó, những hoàn cảnh xã hội người ta sống xa hoa, người ta sống phè phỡn, người ta làm tiền một cách dễ dàng quá hoặc là có những cái mánh lới người ta kiếm tiền, có những mánh lới người ta làm giầu và tất cả những cái đó phải là dưới một ngòi bút phóng sự mới diễn tả hết được cái tâm trạng đó. Thì đó là cái điều tôi muốn đạt tới.
Hỏi: Da thưa ngay cả như ông nhận định như vậy, ông cũng muốn nói là tất cả những cảnh đó không bao quát toàn bộ thực tế cuộc sống thác lọan, gần như điên cuồng hiện nay tại Việt Nam. Như vậy có nghĩa là sao?
Đáp: Như vậy có nghĩa là tôi chưa thể nói được hết, bởi vì nếu nói hết thì chắc là phải nói nhiều lắm, nói nữa thì mới hết được. Chứ trong một cuốn tiểu thuyết phóng sự dù là hơn 1 nghìn trang cũng chưa thể nói hết được. Tôi muốn nói một cách khác nữa có những điều tôi cũng chưa thể nói hết được ngay lúc này. Phải có những điều nói trước và những điều nói sau.
Cái gì có thể nói được thì nói. Anh hiểu trong hoàn cảnh của chúng tôi bây giờ thì cái việc đó là việc rất cần thiết. Phải viết thế nào cho nó tế nhị, phải làm thế nào cho độc giả thông cảm với mình và phải để cho độc giả hiểu những cái gì phía sau của những gì mình viết, thì đó là cái điều chúng tôi phải đạt tới, mà cách đó rất là khó khăn, rất là tế nhị, không phải là chuyện dễ dàng như là ở chỗ khác. Mỗi nơi có một cách viết riêng.
Phạm Điền: Xin cám ơn ông.