Như thường lệ mỗi tối Thứ Bảy, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền phụ trách lại đến với quý thính giả. Kỳ này, nhà văn Vũ Thư Hiên đề cập đến một tập truyện ngắn Nga ngữ của Ruben David Gonzalez Gallelo do ông chuyển ngữ.
Trong truyện ngắn có tên là Lưỡi Lê, có một đọan nhà văn Ruben David Gonzalez Gallego viết "Con người còn lại gì một khi hắn hầu như đã mất sạch? Lấy gì bào chữa cho sự tồn tại vất vưởng của cái xác dở sống dở chết kia? Sống để làm gì cơ chứ? Hồi ấy tôi không biết, cả bây giờ tôi cũng không biết.
Nhưng, cũng như Pavel Korchagin, tôi không muốn chết sớm hơn cái chết của mình. Tôi phải sống đến tận cùng cuộc sống. Tôi sẽ chiến đấu. Tôi chậm chạp bấn phím máy tính, tôi đánh từng chữ cái này đến chữ cái kia.
Tôi chăm chú rèn thanh lê của tôi- cuốn sách của tôi. Tôi biết, tôi chỉ có quyền đâm một nhát thôi, cơ may thứ hai không có. Tôi gắng sức, tôi rất gắng sức. Chắc ăn là có một thanh lê, tôi biết thế. Nó là một vũ khí tuyệt vời, tin cậy được”
Nhà văn Ruben David Gonzalez Gallego
Đó là sự lên tiếng của Ruben David Gonzalez Gallego một nhà văn tật nguyền, cháu ngọai của tổng bí thư đảng Cộng sản Tây Ban Nha Ignacio Gallego, sinh ra đời ở Nga đã mang tật dị não. Nhưng với phấn đấu, đứa bé đó đã trở thành một nhà văn, ông đã vuốt nhọn lưỡi lê của mình, chỉ bằng một ngón tay gõ trên bàn phím máy vi tính cá nhân.
Con người tật nguyền sống và lớn lên trong số phận nghiệt ngã đó, bơi trên giòng nước ngược, để rồi ngày 4 tháng 12 năm 2003 được trao thưởng giải Booker-open Russia, giải thưởng hàng năm cho tác phẩm viết bằng tiếng Nga hay nhất.
Tôi chăm chú rèn thanh lê của tôi- cuốn sách của tôi. Tôi biết, tôi chỉ có quyền đâm một nhát thôi, cơ may thứ hai không có. Tôi gắng sức, tôi rất gắng sức. Chắc ăn là có một thanh lê, tôi biết thế. Nó là một vũ khí tuyệt vời, tin cậy được..
Nhà văn Vũ Thư Hiên
Dịch giả Vũ Thư Hiên cho biết Ruben David Gonzalez Gallego viết bằng tiếng Nga vì một lẽ đơn giản không biết tiếng Tây Ban Nha.
Nhà văn Vũ Thư Hiên tác giả Đêm Giữa Ban Ngày, tác phẩm được chú ý nhiều trong những năm qua, đã cho hay tác phẩm Trắng Trên Đen là “cuốn sách viết về một chuyện cũ mà trong thời hiện tại người ta không còn muốn đọc, bỗng trở thành sách bán chạy nhất. Nó được dịch ra nhiều thứ tiếng và cũng là best-seller ở nơi nào nó được phát hành”.
Chỉ trên có hơn 200 trang, cuốn sách gồm 41 truyện rất ngắn của Ruben David Gonzalez Gallego được ông Vũ Thư Hiên chuyển ngữ, đã giới thiệu đến người đọc những mảng đời sống và các cảm nghĩ da diết nhất của Ruben David Gonzalez Gallelo mà theo dịch giả một trong những nguyên nhân thành công của cuốn sách là "trải qua tất cả những đau khổ không tưởng tượng nổi trong cuộc đời, tác giả vẫn giữ được nguyên vẹn tình thương yêu đối với con người"
Tập Trắng Trên Đen này được tủ sách Quê Hương do nhà văn Uyên Thao chủ trương xuất bản và phát hành trong tháng 3 năm 2005.
Những đề tài cô quạnh
Ruben David Gonzalez Gallego có bút pháp ngắn gọn. Và các đề tài cũng không văn chương dài dòng, không ái tình và hơi thở mùi mẫm của tình ái nam nữ.
Những đề tài cô quạnh như đời sống của những kẻ bại liệt không có xe lăn, đề tài của ông trong 5 truyện thật ngắn như Big Mac, I Go, Tổ Quốc, Tự Do, Novocherkassk, Đen, rất ngắn nhưng không khí ông để lại trong sự bỡn cợt bình thường lại khiến người đọc ngộp thở vì nó giản dị, đơn sơ, bề ngoài bé bỏng mà khổng lồ quá.
Trải qua tất cả những đau khổ không tưởng tượng nổi trong cuộc đời, tác giả vẫn giữ được nguyên vẹn tình thương yêu đối với con người..
Cái hay của Ruben David Gonzalez Gallelo, là biến những hình ảnh chỉ có vài nét chấm phá đó thành một bức tranh làm người đọc tần ngần, có khi không ngủ được vì suy nghĩ mãi về một thông điệp bỏ lửng nửa vời.
Về dịch phẩm này, chúng tôi hân hạnh được nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết thêm một số chi tiết qua cuộc mạn đàm văn nghệ dưới đây, mời quý thính giả theo dõi.
Phạm Điền: Kính chào nhà văn Vũ Thư Hiên, xin cho biết tại sao ông chọn tác phẩm này để dịch?
Vũ Thư Hiên: Thưa ông, không phải tôi chọn cuốn sách này mà cuốn sách này đã chọn tôi . Tức là tôi nhận được cuốn sách của anh Anatoly Sokolov ,một người nghiên cứu văn học, đặc biệt là nghiên cứu văn học Việt Nam từ Maxtcova gửi cho tôi cuốn sách đó bằng đường bưu điện nhanh và nói rằng cuốn sách này Việt Nam nên đọc.
Thế thì tôi đọc liền và sau đó thì tôi quyết định rằng là phài nghe lời anh Sokolov thôi. Tôi bỏ thì giờ dịch ngay cuốn sách để cho người Việt Nam mình được đọc.
Phạm Điền: Tác phẩm này có đến tay người đọc trong nước không. Ông bỏ công ra dịch hẳn nó phải là tác phẩm động tâm người đọc. Xin cho biết một phần tóm tắt.
Vũ Thư Hiên: Thật ra thì người đọc ở trong nước có thể tìm một bản dịch, tôi không thể biết được chất lượng bản dịch đó ra làm sao nhưng bản dịch này đã được dịch và xuất bản trước thời hạn của tháng 10 năm ngóai tức là trước thời hạn thực hiện bản quyền của tác giả vì nó liên hệ đến anh Ruben David Gallego anh ấy có nói với tôi là không nhận được một lời xin phép nào cả.
Thế còn nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của Washington DC thì có viết thư, có nói chuyện và anh Ruben có đồng ý cho phép , viết giấy cho phép hẳn hoi. Thì cái này mình làm có tính cách đàng hoàng.
Câu chuyện này hiểu được tốt nhất là đọc nó, nhưng tôi có thể tóm tắt lại là như thế này anh Ruben là cháu ngọai của cố Tổng Bí Thư đang Cộng Sản Tây Ban Nha là ông Gallego . Anh Ruben này ra đời ở một bệnh viện rất sang trọng vì là bệnh viện ngay trong điện Kremlin.
Thế nhưng vì khi anh ra đời anh bị tật nguyền cho nên là không biết vì lý do gì vì chính tôi cũng đã muốn hỏi Ruben là tại sao người ta lại báo cho mẹ của tác giả cuốn sách vì cuốn sách viết về đời của Ruben Gallelo thì tại sao lại báo cho mẹ của anh ta là anh ta đã chết rồi, nhưng kỳ thực Ruben không chết và anh ta đã trải qua cuộc rất dài, lang thang qua rất nhiều bệnh viện, nhà trẻ và nhà già.
Trong đó có một cái chương về nhà già rất xúc động, tức là những người bị vô nơi đó là chờ chết, tầng tử hình ở trên cao, có một lần anh ta bị đưa đến nhà già. Người phụ trách nhà già lại hỏi “ô hay tại sao đồng chí lại đưa cho tôi một thiếu niên 15 tuổi thế này mà “tủ lạnh” nó hỏng hết rồi, tôi đã nhờ đồng chí chữa mà đồng chí không chữa”, ý nói anh này sẽ chết, tôi phải bỏ nó vào tủ lạnh cho nó đủ 18 tuổi mới mang chôn. Khi đọc và dịch tới chỗ đó thì tôi thấy nó kinh hoàng, đáng sợ thật.
Phạm Điền: Ruben Gallelo có bút pháp ngắn, ý tưởng trông có vẻ đơn giản nhưng có nhiều phần có xót xa, pha lẫn biếm nhẽ nhẹ nhàng. Nhận xét thế có đúng không?
Vũ Thư Hiên: Tôi thì tôi thấy rằng là cái người đã trải qua một cái – thôi thì ta cứ gọi nó là một cái địa ngục đi, thì cái địa ngục đó nó nằm ngay trong cả bệnh tật nữa chứ không phải từ chính quyền Sô Viết nhưng mà những cái đọan viết ở trong đó thì ta thấy rằng ở đâu đó nó cũng lấp lánh cái tình người với nhau và cái đó là cái hồn của tác phẩm.
Cái chính thể nó có thể tàn bạo, tàn bạo một cách đúng đắn, chắc là ông có nhớ trong đó có câu “tôi muốn là một người không đúng đắn” để được sống trong một chế độ không đứng đắn . Ruben đã hiểu cái chứ đúng đắn ấy nó là cái chữ kinh khủng ở một cái xã hội “đúng đắn”.
Phạm Điền: Trở về với dịch giả, sau tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày, và Miền Thơ Ấu Cũ, ông sắp cho ra cuốn sách nào mới?
Vũ Thư Hiên: Tôi có viết truyện ngắn, thỉnh thỏang nó xuất hiện ở một số các báo nhưng thực sự ra thì tôi cũng không có nhiều thì giờ và điều đáng tiếc là thế này, tôi vẫn nghĩ rằng nhà văn mà sáng tác thì tốt nhất là anh ta được ở trên mảnh đất của quê hương và tôi mong cái ngày đó tới gần, để tôi có thể viết, cái ngòi bút nó dễ chịu hơn.
Cái này phải thú thật với ông, nếu không thì khi viết xong, tôi lại phải gửi về trong nước nhờ anh em đọc hộ tôi xem tiếng Việt của tôi nó thế nào . Mình cứ phải kiểm tra lại đấy. Đâm ra mất tự tin.
Phạm Điền: Ông vừa nói hy vọng ngày ấy gần kề, đưa trên nhưng tín hiệu nào?
Vũ Thư Hiên: Tôi là một người lạc quan mặc dầu rằng xa nước nhưng tôi nghĩ cái ngày đó phải tới gần bởi lý do những tình hình hiện tại của cả thế giới bây giờ và cái yêu cầu của đất nước ấy, nó làm cho bất cứ một người nào nếu không vừa mù, vừa câm, vừa điếc thì cũng sẽ hiểu rằng không có cách nào khác để cho dân tộc mình có thể khá lên, nếu như mình không hội nhập với thế giới và có một hình thức quản trị giống như các nước bình thường.
Phạm Điền: Dự báo thời tiết như ông vừa nói quả là có lạc quan. Xin hỏi thêm là một nhà văn để ý nhiều đến tình trạng đất nước, ông nghĩ gì về bài nói chuyện của tiến sĩ Lê Đăng Doanh đang được chú ý?
Vũ Thư Hiên: Tôi nghĩ rằng là ông Lê Đăng Doanh đã nói thay cho rất nhiều người chứ không phải ông Lê Đăng Doanh chỉ nói cho một ý kiến của ông Lê Đăng Doanh và cái đó nó làm cho tôi thêm tin tưởng bởi vì sao, bởi vì nếu xem lại tất cả những luận điểm mà ông Lê Đăng Doanh đưa ra thì những nhà dân chủ ở Việt Nam đã nói từ lâu rồi nhưng bây giờ thì chúng ta thấy cùng một lúc có một số phát biểu nhận thức lại các vấn đề Việt Nam.
Ngoài cái bản của ông Lê Đăng Doanh, chúng ta phải chú ý đến cái bản của ông Trần Văn Hà thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, cũng như bài của ông Hoàng Tùng, một nhà báo kỳ cựu Tổng Biên Tập của báo Nhân Dân.
Phạm Điền: Nhà văn Vũ Thư Hiên, ông muốn nói là đã bắt đầu có những bước tiến về nhận thức ở trong nước?
Vũ Thư Hiên: Vâng tôi nghĩ như vậy, tức là không phải một người hai người nữa. mà cũng không phải là những kẻ chống đối nữa. Có phải không a! Các nhà dân chủ thì bị gọi là những cái bọn chống đối . Bây giờ ngay cả những người nằm ở trong guồng máy đó cũng nhìn thấy thí dụ như ông Trần Văn Hà nói rõ ràng "không thể cứ đảng trị nữa".
Không thể một chế độ toàn trị và đảng trị nữa mà phải thay đổi. Thế còn ông Lê Đăng Doanh , một bài dài nói rõ ràng rằng cái cách thức quản lý xã hội như thế là không được. Đây là ông đang phát biểu như là một nhà kinh tế nên ông chỉ nói tới cái quản lý xã hội.
Với Hoàng Tùng thì còn lên án cả Mao Trạch Động, lên án cả Sitalin trong đó phải nhớ một điều chính ông Hồ Chí Minh đã nói rằng là mọi người có thể sai, hai người này tức đồng chí Sit Talin là đồng chí Mao Trạch Đông không bao giờ sai, thì bây giờ một người như ông Hoàng Tùng nói rằng hai ông kia như Tần Thủy Hoàng giết những người không đồng ý với mình như thế nào thì tôi thấy đó là bước tiến trong nhận thức.
Tôi thấy nếu chúng ta chú ý theo dõi thì chúng ta thấy rằng những người im lặng hiện nay là những người bảo thủ.
Phạm Điền: Cám ơn nhà văn đã đến trong câu chuyện văn nghệ hôm nay. Xin qua qúy đài, gửi lời chào tới tất cả đồng bào ở trong nước có nghe buổi phát thanh này.