Ngày 30 tháng Tư, 1975
Nếu anh Dân Huỳnh chỉ biết đạp xe đi khắp thành phố trong ngày 30 tháng 4 để chứng kiến sự thay đổi trong tâm trạng vừa nôn nao, rối bời, lâng lâng, vừa ngỡ ngàng, lạ lẫm của một chàng trai mới lớn, thì bà Xuân Trần đang ở Phú Quốc, cũng như bà Hạnh Phan đang ở Sài Gòn, đã bật khóc òa ngay khi nghe tin “Sài Gòn thất thủ, tướng Dương Văn Minh đầu hàng.”
37 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức bà Xuân Trần, hình ảnh Phú Quốc ngày 30 tháng 4 ngỡ như mới hôm qua:
“Sau đó đến ngày 30 tháng 4 thì ngày đó rất là thê thảm, rất là hỗn độn. Ngày đó chồng tôi từ trại hải quân đi về nói là ‘ông Dương Văn Minh đầu hàng rồi em ơi!’ thì tự nhiên tôi bật khóc, tôi khóc dữ lắm. Rồi tôi nói ‘giờ phải làm sao đây anh.’ Chồng tôi nói ‘bây giờ để yên anh xuống dưới Bãi Xếp coi làm sao.’
Trong lúc chồng tôi đi thì ở nhà có bao nhiêu tiền tôi trút ra đi mua đủ thứ, gạo, bột ngọt, đường, cái gì tôi mua được là tôi mua. Mà ngoài chợ người ta đổ xô chạy tán loạn hết trơn. Tôi mua đồ về chất đầy nhà đầy gác hết trơn vậy đó.
Khi chồng tôi về thì nói ‘em ơi người ta đi hết rồi.’ Mà trước khi chồng tôi đi thì có nói ‘em ơi chuẩn bị cho con mấy cái ruột tượng có tiền bạc, có gì bỏ hết vào trong đó rồi cho mỗi đứa mang một cái.’ Nhưng mà tui quýnh quáng tôi cũng không làm được cái gì. Trong lúc mà người ta đi ngang nhà người ta cứ kêu “đi không chị ơi, chị Lợi ơi đi,đi nha!’ Tôi cứ nhìn bầy con 7 đứa mà không biết làm sao để đi. Tại vì thấy trên đường đi người ta đã chết chóc nhiều quá rồi, tôi không dám đi. Đứa con nhỏ mới 8, 9 tháng tuổi thôi, còn những đứa kia cứ cách nhau 1 tuổi. Nhìn 7 đứa con tôi không thể nào đi được.
Tối hôm đó chồng tôi nói thu xếp vào Hải Đội 4 để đi, tất cả chất hết lên chiếc xe jeep, mang theo sữa sợ mấy đứa nhỏ đói. Nhưng đến đó thì ông chỉ huy trưởng ra lệnh cho ông quản đội trưởng nói ai bước xuống tàu là bắn bỏ. Cuối cùng đến 1 giờ sáng thì chồng tôi nói ‘đi về em ơi.’ Vậy là trở về. Sau đêm 30 đó rồi thì ngẩn ngơ không biết gì hết.”
Trong lúc đó, bà Hạnh Phan đang ở nhờ nhà một người quen ở ngay Sài Gòn.
Theo lời bà Hạnh Phan thì cả ngày hôm đó bà chỉ ở trong nhà và cứ nghe radio, xem tivi. và “bật khóc nức nở khi nghe tiếng ông Dương Văn Minh đầu hàng.” Bà Hạnh Phan kể rằng bà đứng trên lầu nhìn xuống đường và nhớ hoài hình ảnh những người lính VNCH cởi bỏ quần áo lính, và từ trên những chung cư, người dân ném quần áo xuống cho họ. Trên đường, quần áo rằn ri, súng ống, giày mũ được vứt đầy. “Nhìn đau lòng lắm!”
Ngày đó chồng tôi từ trại hải quân đi về nói là ‘ông Dương Văn Minh đầu hàng rồi em ơi!’ thì tự nhiên tôi bật khóc, tôi khóc dữ lắm.
Bà Xuân Trần
Cảnh tượng đó cũng được anh Dân Huỳnh ghi nhận để mà “nhớ hoài”:
“Ngày 30 tháng 4 năm 75, lúc đó nhà tôi ở đường Chi Lăng đã đào hầm. Sáng sớm nghe có tiếng trái pháo rơi gần nhà, ba má tôi kêu mọi người xuống hầm. Tôi thì lại muốn chứng kiến sự thay đổi của lịch sử.”
Cùng một người bạn, anh Dân đạp xe đi quanh Sài Gòn.
Đường phố đông đúc, náo loạn và kinh hoàng.
Có người dân bỏ chạy. Có người dân đi hôi của.
Có người lính bỏ chạy. Có người lính vẫn cầm súng.
Có những người tự lấy băng đỏ quấn quanh tay như dân quân tự vệ.
Có người cầm súng bắn lên trời như chúc mừng chiến thắng.
Và, từng đoàn xe tăng chạy về hướng trung tâm Sài Gòn…
Đường phố Sài Gòn đủ mọi thanh âm, đủ mọi sắc thái.
Có tiếng reo hò. Có tiếng thét vang.
Có cả nụ cười. Có cả nước mắt.
Ông Dân Huỳnh nhớ mãi tâm trạng bất ổn của mình vào thời khắc ấy:
“Tôi nhìn hình ảnh của một xã hội ngày tan rã lạ lùng và kinh hoàng lắm. Người ta không biết cái gì là cái gì. Không còn trật tự. tất cả mọi nơi đều rối bời. Không còn an toàn. Tôi chỉ nhớ cảm giác của mình rất lạ lẫm. Trong lòng vừa lâng lâng, vừa buồn buồn. Vừa háo hức, vừa hoang mang. Nói chung là một tâm trạng bất ổn, bởi vì tôi không biết mình sẽ đi về đâu và lý tưởng của mình ở đâu.”
Những ngày tiếp theo
Những ngày tiếp theo đó trong trí nhớ của bà Hạnh Phan là hình ảnh của những trang sách, những quyển truyện bị xé nát. Là hình ảnh của những dây băng máy hát đĩa bị kéo ra, rối nùi, vứt đầy trên sông.
Bà Hạnh Phan kể bằng những cái lắc đầu và giọng buồn chan chứa, "Một hình ảnh thê lương và buồn bã. Tôi chỉ có cảm giác mệt mỏi, rã rời, từ tinh thần đến thể xác. Tôi chỉ nhớ như vậy. Còn tiếp theo là gì nữa, tôi đã trở lại để sống tiếp cuộc sống khi đó như thế nào tôi không nhớ, không muốn nhớ."
Ông Dân Huỳnh thì nhớ:
“Những ngày sau 30 tháng 4 lúc nào cũng rộn rịp, xôn xao. Nhưng thực chất bên trong nó là điều gì thì tôi không hề biết. Ba ngày sau đó, tôi có giấy gọi của trưởng phòng văn tuyên huấn của ủy ban quân quản lên làm việc. Lên đó, tôi gặp ngay người ngày trước ở trong liên đoàn thanh niên học sinh sinh viên Gia Định chung với tôi. Tôi nhớ anh ta đã trở thành một cán bộ của cộng sản với cái băng đỏ và anh ta hỏi tôi thế nào, em có đồng ý chúng ta là người cộng sản hay chưa?’ Tôi miễn cưỡng và tôi ngập ngừng trả lời ‘tôi chỉ muốn mình là một người dân bình thường.”
Riêng với bà Xuân Trần ở Phú Quốc thì “ngày 1 tháng 5 trên đảo có vẻ vắng lắm, những người bỏ đi thì đã đi hết rồi. Sang ngày 2 tháng 5 thì Việt cộng hay Việt cộng ăn theo bắt đầu nổi dậy bằng những màn bắn giết những ai bị cho là có nợ máu với họ.”
Từ ngày đó, Phú Quốc trở nên “khủng khiếp lắm, thê lương ảm đạm lắm” trong ký ức người phụ nữ này:
“Người ta biểu mỗi nhà phải đặt một bàn thờ trước sân nhà để hình ông Hồ Chí Minh lên, để nhang để đèn giống như bàn thờ ông bà vậy đó. Rồi mấy loa đặt cùng hết. Nhà tôi trước cái loa, sau cái loa, cứ là ‘như có bác Hồ như ngày vui đại thắng’ này kia mà mỗi lần nghe là hai lỗ tai tôi muốn bể luôn vậy đó.
Mà buồn lắm. Mà những ngày đó thê lương ảm đạm lắm. Cứ tối lại thấy người ta dẫn người lấy cái mền trùm lại dẫn xuống đâu hay lên sân chùa, Bãi Sếp gì đó mà bắn bỏ. Cứ mỗi ngày là thấy người ta dẫn đi như vậy. Có người thì nói đi là đi luôn không thấy mặt mày nữa. Có người thì ở trên miễu Cô Sáu tối họ vô gõ cửa, kêu ra là bắn. Khủng khiếp lắm, thê lương lắm. Tôi cứ nhìn bầy con của tôi rồi tôi nói ‘ông trời ơi, ông sập xuống đi cho cả nhà tôi chết hết đi.’ Nghĩa là trong thời gian có nửa tháng thôi mà người ta nhìn tôi không ra, người ta đi ngang nhà hỏi, chị Lợi đó hả sao mà chị ốm dữ vậy.”
Khủng khiếp lắm, thê lương lắm. Tôi cứ nhìn bầy con của tôi rồi tôi nói ‘ông trời ơi, ông sập xuống đi cho cả nhà tôi chết hết đi.’
Bà Xuân Trần
Bà Xuân Trần tiếp tục những dòng hồi ức:
“Hồi đó nhà tôi cho mướn sách mướn truyện, cho đánh bi da nhưng tất cả đều dẹp hết. Sách thì đem ra xé từng trang rồi khóc. Bàn bi da thì chồng lại dẹp hết, không cho làm cái gì hết trơn hết trọi. Ông chồng tôi đi lên Sài Gòn về nói vàng bây giờ không có người ta đóng dấu thì coi như là sắt vụn, vàng phải có nhà nước đóng dấu. Thành ra có bao nhiêu vàng thì tôi đem đi bán, mua một lượng ba trăm ngàn, bán chỉ có chín mươi mấy ngàn thôi, đem đi bán đổ bán tháo, năn nỉ người ta mua, bán hết. Bán hết vàng xong thì bắt đầu đổi tiền. Không biết tôi còn nhớ một trăm đồng đổi lấy lại được 1 đồng hả? Trời ơi, đổi tiền lần đầu tiên nó khủng khiếp lắm, hết trong nhà chẳng còn cái gì nữa hết trơn. Thôi, những ngày đó, giờ nhớ lại không thể nào mà tưởng tượng nổi hết trơn đó. Khủng khiếp lắm.”
37 năm tròn đã trôi qua.
Cuộc sống ngày hôm nay cũng khác quá nhiều so với năm xưa.
Nhưng dường như cảm xúc của ngày này, 37 năm trước, vẫn quẩn quanh trong tiềm thức mỗi người.
Không thể nào quên.
Và cũng cầu mong, không bao giờ lặp lại.
[ Video: Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 qua âm nhạcOpens in new window ]
Theo dòng thời sự:
- Người Việt Little Saigon và ký ức tháng 4 (Phần 1)
- Ảnh của Trần Khiêm: Một khía cạnh khác trong sự kiện "Giải Phóng Miền Nam"
- Việt Nam, 37 năm sau ngày thống nhất đất nước
- Slideshow: Những hình ảnh tư liệu của cựu phóng viên ABC, Trần Khiêm (phần 1)
- Câu chuyện nhân ngày 30/4
- Cái giá của Tự Do
- Quốc Hội California thông qua nghị quyết "Tuần lễ Tưởng niệm Tháng 4 Đen"
- Những câu chuyện Di Tản của nhà văn Tiểu Tử
- "Giải phóng miền Nam": Cho ai và vì ai? (Phần 2)
- "Giải phóng miền Nam": Cho ai và vì ai? (Phần 1)
- Biến cố 30/04/1975 dưới mắt các Bloggers
- Hồi ức tuần lễ cuối cùng ở Sài Gòn, 30/4/1975 kết thúc chiến tranh VN
- Người Việt Little Saigon và ký ức tháng 4 (Phần 1)