Sống thử trước hôn nhân

Sống thử trước hôn nhân trong xã hội hiện tại không còn là một vấn đề mới mẻ trong giới trẻ.

0:00 / 0:00

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng trong quan điểm về vấn đề sống thử, ngay cả trong những người trẻ với nhau, chứ chưa nói đến các bậc phụ huynh người Việt.
Tạp chí Lối Sống Trẻ xin mời quý vị cùng Khoa Diễm tìm hiểu thêm về lối sống này của giới trẻ.

Những quan niệm khác nhau

Sống thử tiền hôn nhân đối với một số người là một bước ngoặc trọng đại trong cuộc đời họ vì sinh hoạt đó được xem như là một bước tiến gần hơn đến hôn nhân, đến cuộc sống ràng buộc chính thức giữa hai người được xã hội công nhận.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như thế. Ngoài tình yêu, sống thử đôi khi là vì lợi ích tài chính, sắc dục hay đơn giản là vì không còn chỗ nào để đi và ai để sống cùng.

Nhóm bạn trẻ được lưu ý trước nhất là các bạn sống xa gia đình. Họ được cơ hội toàn quyền quyết định cho cuộc sống của mình với rất ít sự kiểm soát từ cha mẹ, dù rằng các bậc phụ huynh vẫn là những người cung cấp chủ yếu tiền chi tiêu hằng tháng cho họ.

Bạn Tuấn Khoa, hiện đang theo học chuyên ngành nhạc, piano tại thành phố Dallas, bang Texas, Hoa Kỳ cho biết chỉ 3 ngày sau khi quen biết, bạn đã từng dọn vào sống chung cùng cô bạn gái.

Khoa kể lại rằng một tháng trước khi ra quyết định này thì bạn đã rất chán chường với sự va chạm cùng gia đình người bà con và người bạn gái ấy cũng không thích thú gì với cuộc sống hiện tại của mình, nên như nguyên văn lời Khoa “tư tưởng lớn gặp nhau” hai người đồng ý về chung sống.

Khoa và bạn gái cũ cũng phân công việc nhà, lên kế hoạch chi tiêu và không khác gì một cặp vợ chồng chính thức thật sự nào.
Khoa cho biết:

“Khi Khoa qua Mỹ thì cuộc sống nó đưa đẩy đến cái chuyện sống thử. Thứ nhất là không có gia đình, thứ hai là ở chung với người thân bên này nó bất tiện, phải dọn ra ở riêng và bên người bên kia cũng vậy nên nó dẫn đến chuyện sống thử là hai đứa ra ngoài ở riêng như vậy.

Khoa cảm thấy một cặp người lớn dọn ra ngoài sống và Khoa đã từng sống, thì nó giống nhau. Không khác gì lắm vì Khoa vẫn phải trả tiền nhà, tiền điện, tiền insurance xe, tiền ăn, tiền uống và tất cả mọi thứ. Hai đứa thì share tiền. Có nghĩa là hai đứa đi làm rồi làm một cái report bằng excel, tức là mình làm thành hai cột, income và outcome, rồi mình phân tích là xài bao nhiêu, bao nhiêu.”

Chia sẻ thêm, Khoa nói rằng bạn thật tình muốn xây dựng nền tảng cho cuộc sống gia đình và qua giai đoạn sống thử này, nếu như cô bạn gái kia thật sự là người mà Khoa tìm kiếm thì hôn nhân chỉ là chuyện thời gian. Nhưng rồi kết quả của cuộc tình này không kết thúc bằng một đám cưới mà lại là lời chia tay. Dẫu thế, Khoa cho biết bạn không hề hối hận vì bạn đã rút ra được những bài học giá trị và trong tương lai, bạn ấy sẽ không vội vã với những quyết định có thể thay đổi cả cuộc đời của mình như vậy nữa.

Nếu mà tất cả mọi người sống với nhau mà không cần kết hôn thì nó sẽ lấy đi cái tầm quan trọng của hôn nhân. Mình cũng có những cách khác để hiểu biết nhau như mình nói chuyện trên điện thoại, lên mạng hay là hẹn hò.

Bạn Sương

Sương, một bạn nữ cùng tuổi với Khoa thì cho rằng việc sống chung trước hôn nhân là không thể chấp nhận được và nó có những hậu quả khó có thể lường được. Sương nói:

“Mình không ủng hộ sống chung với nhau trước khi đám cưới. Sương nghĩ mình là người Việt Nam mình không nên ăn ở với nhau trước, vì nếu mình ăn ở với nhau hay sống với nhau trước thì sẽ làm cho gia đình mình rất là buồn. Với lại sống với nhau trước thì mình có thể mang thai và con của mình sẽ thành đứa con ngoài giá thú, mà như vậy thì con của mình sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai.

Nếu mà tất cả mọi người sống với nhau mà không cần kết hôn thì nó sẽ lấy đi cái tầm quan trọng của hôn nhân. Mình cũng có những cách khác để hiểu biết nhau như mình nói chuyện trên điện thoại, lên mạng hay là hẹn hò.”

Theo Sương không phải điều gì mới cũng tốt và mỗi người, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng của mình. Thêm vào đó, tình cảm giữa một người nam và một người nữ nên được trân trọng thay vì đem ra để thử như là một chiếc áo, nếu không thích thì có thể trả lại.

"Sống thử" hay "sống chung"?

Khi tiếp chuyện với anh Hoàng, một người từng trải qua thời gian đắn đo về vấn đề này anh chia sẻ rằng việc gì cũng có hai mặt và sống thử trước hôn nhân cũng không ngoại lệ. Anh cho biết suy nghĩ của mình:

Hkg3948950-250.jpg
Cô dâu chú rể chụp hình cưới tại Hà Nội hôm 26/8/2010. AFP photo (Cô dâu chú rể chụp hình cưới tại Hà Nội hôm 26/8/2010. AFP photo)

“Sống chung với nhau để hai người biết những đức tính tốt và những đức tính xấu rồi coi thử coi có chấp nhận lẫn nhau hay không, đó là một điều tốt. Còn cái không tốt đó là nếu mình làm như vậy hoài, mình sẽ, nếu mà không có gì để bó buộc thì mình sẽ thay đổi hoài vì sống chung thì mình có thể thay đổi.”

Giới trẻ ngày nay có xu hướng tự lập cao và việc thiết lập mối quan hệ, trong đó sống chung trước hôn nhân hay quan hệ tình dục giữa hai người khác giới, thường được nhìn nhận như là một hành động chứng tỏ sự trưởng thành.

Tiến sĩ triết học, chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em Nguyễn Linh Khiếu cho rằng có 3 nguyên nhân thức đẩy xu hướng sống chung.

Thứ nhất là điều kiện kinh tế của cả bạn nam và nữ chưa cho phép họ làm đám cưới, mua nhà, tổ chức đời sống gia đình.

Thứ hai, đa số bạn trẻ sống chung trước hôn nhân đều ở xa gia đình, xa sự quản lý của bố mẹ nên có thể sống theo ý mình.

Thứ ba là đôi nam nữ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn, không nên dùng từ "sống thử", mà phải là "chung sống trước hôn nhân".

Đối với Việt Nam, hiện tượng này còn mới, nhưng ở phương Tây vào những năm 60-65 của thế kỷ trước, trong cuộc cách mạng giải phóng tình dục thì việc sống chung trước hôn nhân là rất bình thường.

Ông Khiếu nói thêm, họ gặp, sống với nhau một thời gian rồi chia tay và sống với người khác; không phải là sống thử mà là sống thật, sống hết sức nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa. Tất cả từ tình cảm, tình dục, chi tiêu là đều thật.

Ngoài 3 lý do trên, các nhà tâm lý còn cho rằng giới trẻ ủng hộ việc sống thử là do tâm lý tò mò và muốn khám phá cái mới, cái lạ. Có thể số đông không đồng tình với hành động ấy nhưng do sự thúc đẩy của tính tò mò nên con số người trẻ chọn cách sống này ngày càng cao.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Giám đốc Trung tâm sức khỏe phụ nữ và gia đình cho rằng sống thử làm cho con người tự do phóng túng, tình cảm không còn được coi trọng. Bà còn nhắc đến tai hại với sức khỏe trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Việt Báo điện tử, khi các bạn nữ có thai ngoài ý muốn phải phá hay nạo thai.

Sống chung với nhau để hai người biết những đức tính tốt và những đức tính xấu rồi coi thử coi có chấp nhận lẫn nhau hay không, đó là một điều tốt.

Anh Hoàng

Gia đình là nền tảng của xã hội và khi nền tảng này vững chắc thì xã hội mới có thể thăng tiến được. Do vậy nên các nhà giáo dục và phụ huynh rất lo ngại cho lối suy nghĩ này của các bạn trẻ. Họ cho rằng nếu tình hình tiếp tục theo chiều hướng này thì xã hội sẽ dần biến mất đơn vị gia đình và sẽ ngày càng có nhiều trẻ em sinh ra ngoài giá thú.

Người trẻ thường bị thúc đẩy bởi những điều mới lạ nhưng đôi khi tính tò mò lại dẫn đến những kết quả không tốt. Nếu phụ huynh và các nhà giáo dục hợp tác để có những chương trình chỉ dẫn, dạy bảo cách sống có trách nhiệm và hướng đến một xã hội mà tình cảm giữa người với người được tôn trọng trên dục vọng thì hẳn có thể giúp giảm bớt được nhiều hoàn cảnh éo le.

Theo dòng thời sự: