Khiếu kiện đất đai kéo dài do phương pháp định giá phản khoa học của Nhà nước

0:00 / 0:00

Tại phiên họp Thường Vụ Quốc hội hôm 18 tháng 8 báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn báo cáo của Bộ Công an chỉ ra hơn 500 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường.

Ông Bình nêu một số vụ việc điển hình như việc khiếu nại tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới Văn Giang, Hưng Yên; vụ việc khiếu nại, tố cáo của một số công dân ở quận Hà Đông, Hà Nội liên quan đến việc thu hồi đất của một số dự án trên địa bàn; vụ việc của một số công dân phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện Dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư tại khối 2, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu rằng:

“Lần này giám sát có thống kê, kiểm đếm rõ ràng, 500 vụ việc có hồ sơ rõ ràng. Làm sao cuối năm, tất cả được giải quyết cơ bản, không đẻ ra số mới. Tránh tình trạng chưa giải quyết cũ thì đẻ ra số mới.

Cái nào của trung ương thì trung ương giải quyết, cái nào địa phương thì địa phương giải quyết, gắn với trách nhiệm và phải báo cáo lại Quốc hội chứ không phải nói chơi, không làm. Qua giải quyết, anh nào sai, anh nào đúng phải rõ ràng, phân minh mới có chuyển biến.”

Cách đây hai năm, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái từng phát biểu tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TP.HCM.

Tôi đã nhiều lần nói và viết rằng Việt Nam phải sớm loại phương pháp định giá thứ năm đi vì đây là một phương pháp định giá phản khoa học. Không có cơ sở gì về lý thuyết định giá, không có cuốn sách giáo khoa nào dạy về Phương pháp thứ năm này cả. Phương pháp này cũng không có trong tiêu chuẩn định giá của khu vực và quốc tế. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

Một số chuyên gia cho rằng các vụ khiếu kiện như thế sẽ không bao giờ chấm dứt, cũng như không thể giải quyết dứt điểm bởi cách định giá đất của Nhà nước mà “chỉ Việt Nam mới có”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói với RFA rằng, luật từ năm 2003 vẫn cho rằng nguyên tắc thu hồi đất thì phải bồi thường theo giá thị trường, nhưng trên thực tế thì người dân luôn bị thiệt thòi. Nguyên tắc thì theo giá thị trường nhưng quy định cụ thể thì lại ngược với quy định nguyên tắc. Ông nói thêm về cách tính giá đất của Nhà nước mà ông cho là vô lý cùng cực:

“Hiện nay giá đất thì luôn luôn được tính theo phương pháp định giá thứ năm do chính phủ quy định. Phương pháp định giá thứ năm là gì?

Là lấy một hệ số do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định nhân với bảng giá của Nhà nước được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua. Mà bảng giá này ai cũng thấy chỉ bằng 30% đến 40% giá thị trường. Điều này không cần khảo sát mà ngay trong các tờ trình để đưa ra bảng giá và khung giá của chính phủ đều thừa nhận giá này thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Có nghĩa là chính những người trình lên bảng giá để Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua đều biết giá thấp hơn thị trường rất nhiều.

Phương pháp thứ năm này cho rằng có hệ số để nhân lên cho bằng giá thị trường, nhưng sự thực hệ số này của tất cả các tỉnh tôi nhìn lại thì thấy trung bình nó từ 1,3 đến 1,7. Nhân lên đến 30-40% thì cao nhất cũng chỉ đạt 60% giá thị trường, thấp nhất là khoảng 40% giá trị thị trường, trung bình chỉ khoảng một nửa giá trị thị trường."

Ông cho biết đã nhiều lần nói và viết rằng Việt Nam phải sớm loại phương pháp định giá thứ năm đi vì đây là một phương pháp định giá phản khoa học. Không có cơ sở gì về lý thuyết định giá, không có cuốn sách giáo khoa nào dạy về Phương pháp thứ năm này cả. Phương pháp này cũng không có trong tiêu chuẩn định giá của khu vực và quốc tế.

2012-11-06T120000Z_521127295_GM1E8B61KIF01_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG
Người dân mất đất từ các vùng nông thôn khắp cả nước biểu tình bên ngoài Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 6 tháng 11 năm 2012. Reuters

Chuyện khiếu kiện đất đai của những người dân mất đất trải dài khắp nước và kéo dài hàng chục năm vẫn không giải quyết được, chẳng những gây đau khổ cho người dân mà còn gây mất mỹ quan thành phố.

Thực tế cho thấy, dân cứ tiếp tục kiện nhưng sẽ không bao giờ thắng bởi vì bản thân quy định chi tiết của luật pháp cho phép Nhà nước quyết định giá bồi thường thấp hơn thị trường rất nhiều. Thành ra là mãi vẫn cứ câu chuyện người được nhận bồi thường không đồng ý với giá trị bồi thường mà không ai giải quyết được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Thường Vụ Quốc hội hôm 18 tháng 8 đề nghị các cấp có thẩm quyền phải giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Ông Huệ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, việc khiếu kiện kéo dài trong thu hồi đất ảnh hưởng đến tính bền vững của xã hội. Bởi vì trong quá trình phát triển kinh tế, người ta yêu cầu gắn với bền vững xã hội và môi trường. Đây là lý thuyết của thế giới mà Việt Nam cũng đã tiếp nhận và phổ biến ở các nơi để phát triển bền vững. Bây giờ đi vào chi tiết thì riêng chuyện bồi thường thu hồi đất tạo nên sự thiếu bền vững xã hội cực kỳ lớn. Những người dân bị thu hồi đất lúc nào cũng lo lắng về mức bồi thường quá ít so với tài sản họ bị Nhà nước lấy cho những dự án. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy chỉ có 10% cho rằng mình được bồi thường thỏa đáng; 90% nói rằng không thỏa đáng. Ông đánh giá 10% kia là có quan hệ thân hữu với những người đang áp dụng chính sách; 90% còn lại là không có quan hệ thân hữu.

Ngày nay có thể không ai làm gì được chúng ta nhưng trong tương lai, biết đâu có người nào đó lật lại vấn đề và quy những người có thẩm quyền đã vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lòng tin của dân và một số người phải đi tù thì chúng ta nghĩ thế nào? - Giáo sư Đặng Hùng Võ

Sáng ngày 25 tháng 6 năm 2021, chính quyền địa phương ở làng Chương, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tổ chức cưỡng chế ruộng đất của người dân dù hai bên chưa đạt được thoả thuận về giá cả đền bù. Một người dân làng Chương cho RFA biết:

“Tại sao ở ngoài tư nhân người ta mua đất của dân thì được giá cao mà sao ở trên về mua thì lại giá thấp? Mang khu công nghiệp về đây để phát triển đất nước thì cũng được thôi nhưng mà phải thoả thuận với giá của dân đưa ra, đã thế lại đòi thu hồi 100% ruộng canh tác của người dân thì chúng tôi sống làm sao?”

Tại cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội thông qua bảng giá đền bù đất cho 5 năm 2020-2024, ông Võ phát biểu rằng Nhà nước đang làm một việc trái pháp luật. Ông đặt câu hỏi với các vị trong Mặt trận Tổ quốc:

“Ngày nay có thể không ai làm gì được chúng ta nhưng trong tương lai, biết đâu có người nào đó lật lại vấn đề và quy những người có thẩm quyền đã vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lòng tin của dân và một số người phải đi tù thì chúng ta nghĩ thế nào?”