Dấu mốc 25 năm
Trước biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Hoa Kỳ là đồng minh của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam. Sau ngày cuộc chiến kết thúc, Mỹ cấm vận kinh tế Việt Nam và Hà Nội xem Washington là kẻ thù lâu dài.
Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước.
Ngày 16 đến ngày 19 tháng 11 năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến tranh.
Ngày 21 tháng 6 năm 2005, Thủ tướng Phan văn Khải gặp Tổng thống George Bush ở Washington, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Hà Nội đến Mỹ sau chiến tranh. Hai nước ký kết các hợp đồng kinh tế và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Từ ngày 17 đến 20 tháng 11 năm 2006, Tổng thống George W. Bush có chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC.
Ngày 22 tháng 6 năm 2008, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ. Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 24 tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang qua thăm Hoa Kỳ. Lúc đó Tổng thống Barack Obama đồng ý nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện với Việt Nam.
Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 7 năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Hoa Kỳ. Đó là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiếp một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng.
Ngày 22 đến 24 tháng 5 năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Trong đó, hôm 23 tháng 5, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Ngày 29 đến 31 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ.
Ngày 11 đến 12 tháng 11 năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC.
Ngày 27 tháng 2 năm 2019, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Donald Trump dịp Việt Nam tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội.
Trong những năm qua, các quan chức Mỹ cũng thường xuyên đến thăm Việt Nam để củng cố và phát triển mối quan hệ hai nước. Nhưng những chuyến thăm liên tiếp của các quan chức cấp cao đến Việt Nam lại gây sự chú ý không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Từ ngày 29 tới ngày 30 tháng 10 năm 2020, theo lời mời của Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến đi của ông Pompeo được cho biết nhằm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam.
Chỉ ba tuần sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến thăm Việt Nam, đến lượt Cố vấn An ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Robert O’Brien ghé Việt Nam trong hai ngày 20 và 21 tháng 11 năm 2020. Chuyến đi của ông O’Brien được cho biết nhằm “tái khẳng định sức mạnh của các mối quan hệ song phương giữa hai nước và thảo luận về hợp tác an ninh khu vực.
Thật ra không đợi đến tháng 7 năm 2020 hai nước mới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hôm 18 tháng 12 năm 2019, tại lễ khởi động 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã khẳng định thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước là ‘bước tiến mang tính lịch sử'. Đây cũng là nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp với RFA vào tối 15 tháng 12. Ông Hợp nhân tiện phân tích thêm về động thái của Hoa Kỳ với các chuyến thăm Việt Nam liên tiếp gần đây:
" Kỷ niệm 25 năm thì thực ra họ đã kỷ niệm từ đầu năm đến giờ rồi chứ không đợi đến chuyến đi Việt Nam của ông Robert O'Brien. Cái nội dung của nó rất rõ là hai bên muốn cụ thể hóa các hành động trong khuôn khổ chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đấy mới là cái quan trọng chứ kỷ niệm 25 năm chỉ là bình thường thôi.
Cái thứ hai, Mỹ nhận thấy Việt Nam đang có vai trò quan trọng trong LHQ khi Việt Nam hiện là ủy viên không thường trực của Hội đồng LHQ năm 2020-2021. Họ muốn tranh thủ lúc này để bàn với Việt Nam các thao tác cụ thể để tận dụng vai trò của LHQ trong việc xử lý các vấn đề về an ninh cũng như các vấn đề về pháp lý trong khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam vừa rồi cũng là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Chính sách của nước Mỹ là khuyến khích và khích lệ ASEAN đoàn kết để chống lại những tuyên bố chủ quyền không đúng luật pháp của Trung Quốc. Đó là tất cả những cái mình có thể thấy được.
Không có bất kỳ một yếu tố nào hay một dữ kiện nào, một dấu hiệu nào nói rằng nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump lấy lòng Việt Nam hay xúi Việt Nam đứng về phía Mỹ cả.”
Vẫn ở tầm đối tác toàn diện
Mười lăm năm sau chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đó là vào ngày 29 tháng 9 năm 1990, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Cơ Thạch đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là ông James Baker tại New York. Đến ngày 9 tháng 4 năm 1991, Chính phủ Hoa Kỳ đề xuất với Chính phủ Việt Nam "Lộ trình 4 bước" bình thường hóa quan hệ. Ngày 28 tháng 1 năm 1995, hai nước mở Văn phòng liên lạc.
Kỷ niệm 25 năm thì thực ra họ đã kỷ niệm từ đầu năm đến giờ rồi chứ không đợi đến chuyến đi Việt Nam của ông Robert O'Brien. Cái nội dung của nó rất rõ là hai bên muốn cụ thể hóa các hành động trong khuôn khổ chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. -Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nêu nhận xét của ông về chặng đường 25 năm qua trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington, đặc biệt là những năm gần đây:
“25 năm qua, từ khi hai nước thiết lập bang giao chính thức, chúng ta không thể ngờ là Việt Nam và Hoa Kỳ đã có được mới quan hệ như ngày hôm nay. Họ đi từ kẻ thù trở thành bạn rồi trở thành đối tác toàn diện theo những văn kiện chúng ta thấy.
Tháng 6 năm 2016, khi Tổng thống Obama đến Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ và 4 năm qua dưới thời Tổng thống Trump, chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng dựa trên văn kiện hai bên đã ký vào năm 2013 giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Bốn năm qua dưới chính quyền của Tổng thống Trump đã có sự tăng tốc rất lớn trong quan hệ với Việt Nam về kinh tế cũng như những hợp tác về quân sự và những lãnh vực có tính chiến lược như giáo dục, môi trường, năng lượng.
Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ tỏ thái độ sẵn sàng chia sẻ những giá trị nền tảng trong mối quan hệ này.
Hà Nội vẫn coi Hoa Kỳ như một đối tác để đổi chác nhiều hơn là để xây dựng. Nhân quyền và pháp trị vẫn là hai cái gai chưa thể đưa mối quan hệ hai nước lên tầm mới.”
Trong lần trả lời phỏng vấn RFA về vấn đề liên quan vào tháng 12 năm ngoái, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định rằng, vấn đề nhân quyền có lúc là bước cản trong quan hệ song phương, có lúc lại không vì không có sự nhất quán về vấn đề này giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ. Ông nói:
“Lâu nay vấn đề nhân quyền trong quan hệ Việt Nam có xu hướng cản trở quan hệ song phương. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận là từ phía Mỹ có sự không nhất quán. Một mặt, phía chính quyền thường xuyên thúc đẩy quan hệ, và có xu hướng xem nhẹ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, phía Quốc hội lại nhấn mạnh hơn tới vấn đề nhân quyền. Cho nên vấn đề nhân quyền có tác động tới đâu trong quan hệ song phương còn tùy thuộc nhiều hơn vào tiếng nói của Quốc hội.
Dưới thời của ông Trump, chúng ta thấy là tiếng nói của Quốc hội vẫn còn nhưng có vẻ suy yếu đi so với trước đây. Có thể là điều này xuất phát từ việc chính quyền Trump coi trọng hợp tác kinh tế nhiều hơn.”
Chính sách của Việt Nam những năm tới
Việt Nam về mặt lý thuyết tiếp tục kiên trì theo định hướng xã hội chủ nghĩa và là một nước cộng sản. Mặt khác, chính quyền Hà Nội vẫn thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới không đồng quan điểm chính trị. Việt Nam cũng bị cho là nước có chính sách ‘ngoại giao đu dây’ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Điều này được cho là khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải cạnh tranh để giành được ảnh hưởng với Việt Nam, và để các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có lợi cho cả đôi bên.
Nếu mối quan hệ này chỉ dựa trên sự chia sẻ về quyền lợi mà không xây dựng được niềm tin dựa trên nền tảng của những giá trị chung mà hai quốc gia theo đuổi thì tôi hơi quan ngại cho tương lai.- Luật sư Vũ Đức Khanh
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, Việt Nam ở vào thế không thể chọn một và đó cũng là quan điểm của Việt Nam. Ông phân tích:
“Quan điểm của Chính quyền Việt Nam họ nói rất rõ ràng là họ không muốn đứng về phía bên nào cả. Dĩ nhiên họ nói thế thì cái nội hàm của nó khác hẳn cái nội hàm của nhiều nước ở trong ASEAN này. Nó khác hẳn là bởi vì nếu giữa Trung Quốc với Mỹ thì Việt Nam không thể đứng về phía Trung Quốc vì Trung Quốc đang cướp đất, cướp biển của Việt Nam. Việt Nam không có cách gì để đứng về phía Trung Quốc cả. Đứng về phía Trung Quốc có nghĩa là bán nước nên không bao giờ có.
Đứng về phía Mỹ cũng không thể được vì nước Mỹ ở quá xa Việt Nam. Một nước ở xa như thế thì không thể cáng đáng được cho Việt Nam hay cho khu vực này về vấn đề an ninh ở mức tối đa. Do đó, cách chọn duy nhất của Việt Nam là đứng về phía luật pháp quốc tế.”
Năm 2020 ít nhiều cũng là một năm đặc biệt với Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, bởi vừa kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, vừa là năm Hoa Kỳ bầu cử tổng thống. Vậy mối quan hệ giữa hai nước có ảnh hưởng gì khi hoa Kỳ có tổng thống mới?
Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định:
“Hiện Washington đang chuẩn bị cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Hà Nội cũng đang ráo riết chuẩn bị cho đại hội 13. Sự chuyển đổi quyền lực này về mặt cơ bản không có ảnh hưởng lớn trong hướng quan hệ Việt Mỹ, tức là sẽ tiếp tục tăng tốc cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Tuy nhiên, nếu mối quan hệ này chỉ dựa trên sự chia sẻ về quyền lợi mà không xây dựng được niềm tin dựa trên nền tảng của những giá trị chung mà hai quốc gia theo đuổi thì tôi hơi quan ngại cho tương lai. Khi khu vực và thế giới có những biến động lớn thì mối quan hệ này có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.”
Luật sư Vũ Đức Khanh nói thêm rằng, Hà Nội đang đánh mất đi rất nhiều cơ hội, ít nhất là trong 25 năm vừa qua, để có thể chứng minh cho Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới thấy rằng Hà Nội thực sự muốn trở thành một đối tác có trách nhiệm chia sẻ những giá trị chung trong cộng đồng thế giới.
Tại cuộc họp báo kết quả hội nghị cấp cao ASEAN hôm 15 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về quan hệ hai nước sau bầu cử Tổng thống Mỹ:
“Dù ai là người thắng cử, ông Joe Biden hay ông Donald Trump, Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ”.