Năm 2020, đại dịch COVID-19 tấn công nhiều nước trên thế giới. Trong khi các nước lo chống dịch, Trung Quốc vẫn tiến hành những hành động gây hấn, đe dọa ở Biển Đông. Giới quan sát nhận định mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm làm thay đổi cục diện khu vực, dựa vào cái được gọi là đường lưỡi bò 9 đoạn, do Trung Quốc tự vẽ ra, bao quanh 85% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông
Ngày 18/4/2020, Trung Quốc tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính mới, một có trụ sở trên đá Chữ Thập và một có trụ sở trên đảo Phú Lâm. Suốt những tháng sau đó Trung Quốc đã gia tăng sức ép bằng cách sử dụng 3 lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và dân quân biển tại các vùng biển ngoài khơi Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Trung Quốc tăng cường tập trận, đưa tàu hải cảnh, hải giám, các tàu khảo sát đi sâu vào khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam... và biến biển Đông trở thành miệng hố của cuộc chiến tranh tổng lực ở khu vực.
-Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Trong năm 2020, quân đội Trung Quốc cũng đã tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông với các cuộc tập trận và một số hoạt động như diễn tập chống tàu ngầm, diễn tập hộ tống, triển khai máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống tàu ngầm đến đá Chữ Thập, diễn tập chiếm đảo, bảo vệ an ninh đảo...
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/9/2020 đã công bố ‘Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc’, trong đó cho biết Trung Quốc đã và sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Báo cáo cho biết, các nước láng giềng có thể sẽ chứng kiến Trung Quốc triển khai tàu sân bay mới nhất và tên lửa diệt hạm hướng ra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Hai trong số các máy bay ném bom mới nhất của Trung Quốc, H-6K và H-6J, được cho là đã hạ cánh xuống đường băng ở đảo Phú Lâm và Đá Chữ Thập. Bắc Kinh cũng đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không và diệt hạm đến Trường Sa. Lầu Năm Góc cũng xác định Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa diệt hạm vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa hồi cuối tháng 8/2020.
Từ Sài Gòn hôm 21/12, Nhà Nghiên cứu Biển Đông lâu năm Đinh Kim Phúc nhận định với RFA:
“Đánh giá tình hình biển Đông năm 2020 thì chúng ta thấy rằng Biển Đông trở thành điểm nóng, là nơi cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường và các cường quốc... Mỹ thì tăng cường đưa tàu chiến vào khu vực Biển Đông, rồi tiến hành tập trận với các nước đồng minh. Trung Quốc thì cũng tăng cường tập trận, đưa tàu hải cảnh, hải giám, các tàu khảo sát đi sâu vào khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam... và biến biển Đông trở thành miệng hố của cuộc chiến tranh tổng lực ở khu vực.”
Trước đó, vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh 35111 đến gây hấn ở phía bắc quần đảo Natuna của Indonesia, nhưng vấp phải biện pháp cứng rắn của Indonesia. Sau đó đến ngày 9/1/2020, tàu hải cảnh 35111 đã quay trỡ lại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam nhằm răn đe, gây một áp lực mới cho chính phủ Việt Nam. Vào năm 2019, các tàu Trung Quốc cũng đã tìm cách ngăn chặn các tàu Việt Nam trong khu vực này.
TQ gây sức ép VN hủy thuê giàn khoan của nước ngoài
Không những thế, trong măm 2020, Trung Quốc đã hành động mạnh tay hơn với việc đe dọa các dự án dầu khí lớn ngoài khơi thuộc các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và Việt Nam.
Theo trang tin oilcaptial.ru của Nga, Công ty dầu khí Nga Rosneft bị buộc phải huỷ bỏ hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation của Anh trong việc khai thác dự kiến ngoài khơi Việt Nam, vì sức ép nặng nề từ Trung Quốc.
Giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia khi trả lời RFA qua e-mail hôm 21/12 cho biết sự việc bắt đầu từ năm 2012, sau khi Hà Nội ban hành Luật Biển Việt Nam, Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã phản ứng bằng cách cho phép thăm dò dầu khí các lô trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ), bao gồm cả vùng biển gần Bãi Tư Chính, và kêu gọi các công ty nước ngoài đấu thầu các hợp đồng thăm dò dầu khí. Nhưng không có công ty dầu khí nước ngoài nào nhận lời đề nghị này.
Khi bí mật đệ trình Dự thảo Quy tắc Ứng xử chung ASEAN-Trung Quốc trong Văn bản Đàm phán Biển Đông tháng 8 năm 2018, Giáo sư Carlyle A. Thayer cho biết Bắc Kinh đã nêu rõ: ‘Việc thăm dò và phát triển dầu khí ở các vùng biển tranh chấp sẽ được thực hiện thông qua sự phối hợp và hợp tác giữa các các quốc gia ven biển đối với Biển Đông và sẽ không được tiến hành với sự hợp tác của các công ty từ các quốc gia bên ngoài khu vực.’
Sự thất bại của Việt Nam trước Repsol trong năm 2017-2018 đã đặt ra một tiền lệ khủng khiếp. Việt Nam đã phải bồi thường hai lần, một lần cho Repsol và sau đó cho Tập đoàn Noble, vì đã hủy hợp đồng thăm dò khí đốt.
-Giáo sư Carlyle A. Thayer
Do đó, vào năm 2017, Trung Quốc đã gây sức ép buộc Repsol của Tây Ban Nha phải ngừng các hoạt động ở vùng biển gần Bãi Tư Chính và đe dọa Việt Nam bằng vũ lực nếu nước này không ngừng thăm dò dầu khí. Vào tháng 7 năm 2017, chính phủ Việt Nam đã đình chỉ các hoạt động của Repsol. Vào tháng 3 năm 2018, chính phủ Việt Nam, trước áp lực gia tăng của Trung Quốc, đã tạm dừng hoàn toàn các hoạt động của Repsol. Repsol sau đó đã nhận tiền bồi thường.
Vào tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đã điều động tàu Hải Dương 8 tiến hành khảo sát một số lô dầu của CNOOC bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 do Nhật Bản sở hữu và các tàu dịch vụ đang tiến hành các hoạt động thăm dò tại Lô 06-1 theo hợp đồng với Nga Rosneft.
Vào ngày 9 tháng 4 năm 2020, Tập đoàn Noble đã báo cáo rằng tàu Noble Clyde Boudreaux theo hợp đồng hoạt động tại vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7. Vào cuối tháng 5, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước, Việt Nam đã cân nhắc việc triển khai tàu Noble Clyde Boudreaux tới Lô 06-1, nơi công ty Rosneft của Nga đã hoạt động một số năm qua. Tuy nhiên một tháng sau, Tập đoàn Noble báo cáo rằng ‘hợp đồng được tiết lộ trước đó tại Việt Nam của Noble Clyde Boudreaux đã bị hủy bỏ’.
Giáo sư Carlyle A. Thayer giải thích thêm:
“Việt Nam chưa công bố chi tiết lý do tại sao họ hủy hợp đồng với Tập đoàn Noble về các dịch vụ của Noble Clyde Boudreaux. Chỉ có thể suy đoán rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tính toán rằng rủi ro khi triển khai Noble Clyde Boudreaux quá cao nên đã hủy hợp đồng và thanh toán chấm dứt hợp đồng. Một nhà Nghiên cứu Biển Đông đã ước tính rằng việc hủy bỏ cả hai hợp đồng khiến Việt Nam thiệt hại 1 tỷ đô la Mỹ.
Có bằng chứng về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa Việt Nam trong năm nay nhằm ngăn cản người Việt Nam nối lại các hoạt động gần Bãi Tư Chính và Khu nhà 06-1. Vào ngày 4 tháng 7, tàu 5402 của Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã vào mỏ khí Lan Đỏ ở Lô 06-1 để giám sát hoạt động của giàn khoan Lan Tây. Rosneft là nhà điều hành hiện tại của khu vực mỏ khí Lan Đỏ. Vào ngày 5 tháng 7, CCG 5402 đã đóng quân tại vùng biển gần Bãi Tư Chính. Bốn ngày sau, có thông báo rằng hợp đồng của Noble Clyde Boudreaux với Việt Nam đã bị hủy bỏ.”
Theo Giáo sư Carlyle A. Thayer, sự thất bại của Việt Nam trước Repsol trong năm 2017-2018 đã đặt ra một tiền lệ khủng khiếp. Việt Nam đã phải bồi thường hai lần, một lần cho Repsol và sau đó cho Tập đoàn Noble, vì đã hủy hợp đồng thăm dò khí đốt. Theo báo cáo, PetroVietnam không có đủ khả năng tài chính để tự phát triển thăm dò khai thác ở các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính. Các nhà đầu tư mới tiềm năng sẽ không khuyến khích các hành động hủy hợp đồng của Việt Nam, vì sẽ làm tăng rủi ro cho các khoản đầu tư dài hạn.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông, khi trả lời RFA hôm 21/12 cũng cho biết phía Việt Nam chưa bao giờ đưa ra thông tin chính thức về việc rút giàn khoan của Tập đoàn Noble vào năm 2020, ông nói tiếp:
“Cá nhân tôi thì tôi cho rằng việc rút năm 2020 đặt ra một câu hỏi tại sao không thể khoan thăn dò mới ở lô 06.1 mà vẫn quyết định thuê giàn khoan của Noble để mất số tiền lớn như vậy. Theo tôi nó thể hiện 2 góc độ, thứ nhất phản ánh phía Việt Nam vẫn có ý định thăm dò và khai thác ở khu vực này. Nhưng mà góc độ thứ hai là ý kiến phản đối (ở phía Việt Nam) có nhiều hơn. Điều này tạo ra một tiền lệ không tốt lắm, có thể nói là tiền lệ xấu cho Việt Nam. Nhưng nếu lúc này tạm thời Việt Nam không khai thác được mà không để Trung Quốc khai thác trong khu vực này, thì cũng không sao vì Việt Nam có thể khai thác lúc khác. Nhưng nếu bây giờ Trung Quốc khai thác thì đó là vấn đề khác.”
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, đương nhiên Việt Nam cũng có cái lý của mình khi thực hiện chiến thuật này. Nhưng thật sự chiến thuật này có tốt hay không thì phải chờ thêm một thời gian nữa.
Giáo sư Carlyle A. Thayer cho rằng, yếu tố Trung Quốc - dù công khai hay ngụ ý - luôn hiện diện trong việc Việt Nam đưa ra quyết định về thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bất kỳ việc nối lại hoạt động thăm dò dầu khí nào trong ‘vùng biển liên quan’ mà họ tuyên bố bằng cách cử tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu đánh cá của Lực lượng dân quân biển đến quấy rối các hoạt động.
Tóm lại, việc hủy bỏ hợp đồng với Noble Clyde Boudreaux là một cái đinh nữa trong nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển các nguồn khí đốt trong khu vực xung quanh Bãi Tư Chính và Lô 06-01. Bằng cách lùi bước trước sức ép của Trung Quốc, Việt Nam đã mất cơ hội tìm kiếm và phát triển trữ lượng khí đốt nếu được tìm thấy. Giáo sư Carlyle A. Thayer nói.
Tàu TQ đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi
Hôm 2 tháng 4 năm 2020, tàu cá số hiệu QNg-90767-TS do ông Trần Hồng Thọ sở hữu bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tông chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một ngày, chính phủ Việt Nam phát hành đoạn ghi hình cho thấy một tàu lớn của Trung Quốc đang đuổi theo và đâm vào một tàu cá bằng gỗ của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sau đó đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên Trung Quốc lại cho rằng tàu cá Việt Nam “từ chối” rời khỏi khu vực khi tàu tuần tra Trung Quốc ra lệnh và quay lại đâm vào tàu của Trung Quốc.(!?)
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khi trả lời RFA vào tháng 4 năm 2020, đã nói về hành động mà ông này cho là ‘tráo trở’ của phía Trung Quốc:
“Đó là chuyện rất vô lý. Tàu cây làm sao dám đâm vào tàu sắt. Hình ảnh chụp cũng rất rõ. Chúng tôi có hình ảnh mũi và thân tàu bị đâm gãy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không chính xác, mang tính tráo trở. Ngư dân cũng đã báo cáo rất rõ kèm hình ảnh cụ thể. Điều này thể hiện rất rõ bản chất của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên có chuyện phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh nước họ.”
Mỗi lần Trung Quốc gây hấn với ngư dân, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ phản đối hành động của Trung Quốc và tuyên bố vùng biển đó thuộc chủ quyền Việt Nam...
Việt Nam có vùng biển chồng lấn với nhiều quốc gia khác. Như vùng cửa vịnh Bắc Bộ cho đến nay vẫn chưa có ranh giới rõ rệt. Vì vậy tàu cà Việt Nam khi đụng chạm tàu Trung Quốc dễ dẫn đến chuyện bị phía Trung Quốc bắt bớ, ức hiếp. Tương tự, là vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam nói đây là vùng biển của Việt Nam trong khi Trung Quốc cũng nói đó vùng biển của mình nên họ vẫn bắt bớ, cướp bóc, phạt tiền ngư dân...
Trả lời RFA hôm 21/12 từ Đà Nẵng, ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết về hoạt động bảo vệ ngư dân trên biển Đông trong năm 2020:
“Nếu như trước đây, mỗi lần Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, thì chính phủ cũng như Hội nghề cá cũng đều lên tiếng chung chung, thậm chí không nêu tên nước có tàu đâm tàu Việt Nam. Thì trong năm 2020 chúng ta đã lên án mạnh mẽ, gọi thẳng tên Trung Quốc, nói rõ tàu tông và yêu cầu phải bồi thường... Tất nhiên Trung Quốc là nước mạnh và có hành vi hết sức cường quyền trên biển Đông, cho nên họ đã đáp lại bằng những lời lẽ nực cười vô lý, thí dụ như họ cho rằng mình xâm phạm trước tông vào tàu của họ...”
Tuy nhiên ông Trần Văn Lĩnh cho rằng những lời lẽ lên án của các cơ quan chức năng Việt Nam trong năm 2020 đã đủ mạnh mẽ. Chính nhờ vậy, gần đây tầng suất bắt giữ, cướp bóc tàu Việt Nam của các tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam cũng giảm bớt. Ông Lĩnh cho biết thêm những hành động cụ thể của phía Việt Nam:
“Trước đây, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam gần như là chỉ đến sau. Tức là sau khi ngư dân đến báo bị tất công, thì lực lượng chấp pháp mới đến nhà ngư dân lập biên bản... Nhưng ngày này, ngư dân chúng tôi một phần yên ổn là do sự có mặt của cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân Việt Nam... trên ngư trường và họ đã xuất hiện kịp thời để ngăn cản dã tâm của tàu Trung Quốc tấn công cướp bóc tàu Việt Nam.”
Trên thực tế, có thật sự lực lượng chấp pháp của Việt Nam có thể có mặt kịp thời để giải cứu cho ngư dân Việt Nam trước sự tấn công của tàu Trung Quốc? Một ngư dân ở Quảng Ngãi khi trả lời RFA hồi tháng 6 năm 2020 cho biết, khi ông bị tàu Trung Quốc tấn công thì thường cũng có gọi cứu hộ Việt Nam nhưng nếu đã đi xa bờ thì lực lượng chấp pháp Việt Nam không thể hỗ trợ kịp.
Nhìn lại năm 2020, hướng đến năm 2021, Nhà Nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đưa ra nhận định liên quan tình hình Biển Đông:
Tình hình biển Đông sẽ không có gì thay đổi, không xảy ra chiến tranh xung đột, cũng không êm dịu đi. Tất cả sẽ tiếp tục trở thành nơi cạnh tranh chiến lược của các siêu cường trên thế giới. Chúng tôi mong muốn rằng, với sự lãnh đạo của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, thì việc ông cố gắng cùng các đồng minh và các lực lượng trên thế giới đưa Trung Quốc đi trở lại khuôn khổ của luật pháp quốc tế thì đã là quá tốt rồi. Chứ còn như hy vọng đánh tan được tham vọng bành trướng của Trung Quốc, làm cho Trung Quốc từ bỏ đường lưỡi bò, làm cho Trung Quốc suy yếu, thì điều đó chỉ là ảo tưởng. Tôi hy vọng rằng, với sức mạnh của toàn thế giới, của các lực lượng chính nghĩa đưa Trung Quốc trở lại với trật tự thế giới thì cũng đã là thành công.”
Riêng cách ứng phó của Việt Nam, nhà Nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng các bước đi của Việt Nam kêu gọi quốc tế hóa, đa phương hóa, đấu tranh bằng luật pháp quốc tế, bằng ý kiến của các cường quốc trên thế giới... là bước đi phù hợp với trình độ của Việt Nam, phù hợp nền kinh tế và vị thế của Việt Nam hiện nay.