Sự việc bắt đầu được dư luận chú ý khi những ngày cuối tháng 7, nhiều container hàng ván ghép thanh bị ùn ứ tại nhiều cảng xuất khẩu ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) bị đối tác thương mại nước ngoài phạt do chậm giao hàng. Muốn tránh phạt, doanh nghiệp phải chấp nhận mức áp thuế hàng ván ép thanh theo mã hoàn toàn mới, với thuế suất 25%.
Nguyên nhân được đại diện các doanh nghiệp cho biết là từ ngày 24/6/2020 khi ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký văn bản số 4250/TB-TCHQ. Văn bản này đã quy định, ván ghép thanh chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 là “gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm”... và bị áp thuế 25%.
Thay vì từ trước đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vẫn được áp mã HS 4418, với thuế suất 0%. Điều này không khác gì, đột nhiên Tổng cục Hải quan tự ý thay đổi thuế suất của mã HS 4418 từ 0% thành 25%. (!?)
Một bên có thuế, một bên không có thuế thì chắc chắn ảnh hưởng rồi, làm sao mà không ảnh hưởng được. Mà thuế đâu có ít, thuế suất 25% đâu phải là chuyện đơn giản.<br/>-Đại diện Công ty Cát Tường
Trước việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp nói có... nhưng Tổng cục Hải quan vẫn cho rằng không đúng như vậy. Vào ngày 4/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các ban ngành và đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng tham gia đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng.
Đại diện Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nói:
“Việc này thì phải xem thế nào, chứ một bên có thuế, một bên không có thuế thì chắc chắn ảnh hưởng rồi, làm sao mà không ảnh hưởng được. Mà thuế đâu có ít, thuế suất 25% đâu phải là chuyện đơn giản.”
Vị đại diện Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết, thông tư 65 định nghĩa rõ ràng đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả những tấm gỗ, tấm lát sàn lắp ráp. Ngoài ra, có quyết định của Bộ nông nghiệp số 2515, vào năm 2015 quy định rõ ràng hơn mã 4418 là ván ghép và là đồ dùng trong xây dựng. Theo đại diện Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường hai văn bản này là bằng chứng rõ ràng không thể áp thuế 25% cho mã 4418. Ông nói tiếp:
“Trong cuộc họp bên Hiệp hội cũng đã phân tích hai mã hàng này khác nhau như thế nào? Trong thởi gian chờ quyết định chính thức, bản thân tôi thấy cũng khả quan, cho nên hiện tại tôi cũng không muốn nói gì thêm về vấn đề này. Nhưng về cơ bản, vấn đề này phải theo quốc tế và theo pháp luật, trước hết là phải xem những cái mã HS như thế nào trong biểu thuế xuất nhập khẩu, hoặc trên biểu thuế của quốc tế, của EU... như thế nào là 4407, như thế nào là 4418...”
Trong khi đó, Cục hải quan lại quyết định gỗ ghép thanh bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế... thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng tại Việt Nam và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.
Đại diện Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết thêm:
“Tôi là doanh nghiệp nhỏ, cái gì cũng phải qua Hiệp hội, doanh nghiệp tôi chỉ chiếm 1% của ngành này, số lượng rất là nhỏ. Muốn thêm chi tiết thì qua Hiệp hội, họ có phân tích. Thật sự bên đó bây giờ cũng cử lung tung, cái này tôi cũng không dám nói nữa.”
Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nhiều lần liên lạc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng như Tổng cục Hải quan, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Khi trả lời báo chí trong nước hôm 6/8/2020, Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Viforest cho biết, lâu nay gỗ ghép thanh vẫn xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên từ ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan đã bất ngờ có thông báo về việc áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ ghép thanh lên mức 25%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 7/8 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Tôi nghĩ việc này nên rút kinh nghiệm, trước khi các cơ quan hải quan có quyết định, nên có trao đổi với Hiệp hội, doanh nghiệp... vì đó là những đối tượng phải thực hiện quyết định của hải quan. Nếu có sự trao đổi, thảo luận... sẽ bớt được việc có những quyết định mà sau đó lại phải sửa ngay như thế này.”
Cũng theo Tổng Thư ký Viforest, ngành chế biến gỗ những năm qua đã có bước phát triển nhảy vọt, đó là nhờ yếu tố rất lớn từ chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế đóng vai trò hàng đầu. Theo đó, hầu hết các sản phẩm gỗ khi xuất khẩu (ngoại trừ gỗ tròn, gỗ xẻ) đều được áp mức thuế suất 0%. Ông cho rằng bây giờ mà tăng thuế để tăng thu ngân sách, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến gỗ.
Một chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói:
“Hồi trước nay thì không hề có chuyện đó. Toàn là lấy gỗ khai thác rừng vô tội vạ rồi làm giấy tờ hợp thức hóa. Hồi xưa chính quyền không có để ý đến ngành gỗ của mình gì hết. Nhưng mấy năm gần đây thì đột nhiên xuất khẩu gỗ của mình lớn từ 3, 4 tỷ đô la lên 9 tỷ nên nhà nước mới để ý và thấy là một nguồn thu ngon lành.”
Cho đến ngày 7/8/2020, Tổng cục Hải quan đã cho báo chí trong nước biết, tạm thời đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai trước mắt cho Công ty mộc Cát Tường xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%, để giải tỏa hàng ở cảng, nhưng doanh nghiệp này phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền. (!?)
Nói chung việc điều hành bao giờ cũng phải có sự chuẩn bị, dự báo trước, hoặc ít nhất làm cho doanh nghiệp dự liệu được chính sách của nhà nước.<br/>-Phạm Chi Lan
Đây là một quyết định linh hoạt, được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho là hợp tình hợp lý, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên việc bắt buộc doanh nghiệp chế biến gỗ phải chấp nhận quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền, dù chưa biết sẽ như thế nào, thuế suất bao nhiêu, ảnh hưởng ngành chế biến gỗ ra sao, làm nhiều người quan ngại, cho dù với lý do bảo vệ môi trường luôn được mọi người ủng hộ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 7/8/2020, nói:
“Nói chung về xuất khẩu gỗ ở Việt Nam thì nhà nước cũng có lo lắng về việc xuất khẩu như thế nào mà không ảnh hưởng môi trường Việt Nam cũng như các nước mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, cũng như những quy định của nước nhập khẩu. Trong việc xuất khẩu gỗ tăng lên những năm gần đây, nhà nước luôn quan tâm làm sao để Việt Nam vẫn xuất khẩu được mà không gây tai tiếng, ảnh hưởng lâu dài ngành gỗ Việt Nam. Tôi ủng hộ cách làm này của Việt Nam, vì đã từng có trường hợp các nước nghi ngại Việt Nam và tăng cường giám sát lãnh vực này.”
Tuy nhiên, về cách điều hành thì theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mỗi khi có thay đổi về chính sách, thì nhà nước Việt Nam cần hết sức tránh những thay đổi đột ngột, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng của họ. Nhất là những hợp đồng đã được ký kết với nước ngoài, nếu đột ngột thay đổi thì doanh nghiệp không thể thực hiện được nữa, hoặc nếu tiếp tục thì doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn rất nhiều. Bà nói tiếp:
“Nói chung việc điều hành bao giờ cũng phải có sự chuẩn bị, dự báo trước, hoặc ít nhất làm cho doanh nghiệp dự liệu được chính sách của nhà nước. Ví dụ đưa ra những cảnh báo, có những việc sẽ ảnh hưởng đến ngành, nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh...thuế hay công cụ. Những việc như vậy cần trao đổi với doanh nghiệp trong lĩnh vực để họ chuẩn bị, để tránh vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như ở các nước liên quan.”
Theo bà Phạm Chi Lan, cách làm phải như vậy, chứ nếu tăng thuế đột ngột mà không đưa ra dự báo, không trao đổi trước với doanh nghiệp, thì sẽ gây ra hệ quả xấu cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện hiện nay thị trường đang khó khăn, các doanh nghiệp đang phải bươn chải rất vất vả, thì mới có thể duy trì được thị trường, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.