Tết Nguyên đán: Đón Tết này lại nhớ Tết xưa

Cứ mỗi độ Tết về, người dân ở Việt Nam thường có câu nói cửa miệng là “Tết năm nay không bằng năm ngoái”. Thế nhưng, những đề xuất nhập chung Tết Âm lich vào ngày Tết Dương lịch thì vẫn còn gặp nhiều tranh cãi.

Luyến tiếc Tết xưa

“Đến 30 Tết là làm mâm cơm cúng để mời ông bà về và cúng đất luôn. Và mỗi sáng của 3 ngày mùng 1, 2, 3 thì việc đầu tiên là phải thắp nhang và pha nước trà đặt lên bàn thờ cúng. Người Bắc thì thường nấu các món chân giò với măng, thịt đông, thịt kho tàu…để cúng trong 3 ngày như vậy. Đến ngày mùng 4 thì làm một mâm cúng lớn hơn, nấu món ăn mới để tiễn ông bà đi.”

Bà An Thục Đức, một người Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 bắt đầu cuộc trò chuyện với RFA về tập tục đón Tết cổ truyền của gia đình bà nói riêng, và của người miền Bắc nói chung như thế. Mặc dù vào thời điểm di cư, bà An Thục Đức còn nhỏ tuổi, nhưng bà vẫn không bao giờ quên được quang cảnh, tiết trời mỗi độ xuân về, Tết đến ở cố hương miền Bắc Việt Nam và bà luôn gìn giữ nếp sinh hoạt truyền thống của gia đình trong những ngày Tết suốt hàng thập niên qua.

<i>Đến 30 Tết là làm mâm cơm cúng để mời ông bà về và cúng đất luôn. Và mỗi sáng của 3 ngày mùng 1, 2, 3 thì việc đầu tiên là phải thắp nhang và pha nước trà đặt lên bàn thờ cúng. Người Bắc thì thường nấu các món chân giò với măng, thịt đông, thịt kho tàu…để cúng trong 3 ngày như vậy. Đến ngày mùng 4 thì làm một mâm cúng lớn hơn, nấu món ăn mới để tiễn ông bà đi. - Bà An Thục Đức</i>

Không chỉ riêng gia đình của bà cụ An Thục Đức, mà hầu như rất nhiều những gia đình người Việt ở Việt Nam đều có cùng chia sẻ họ nôn nao chờ đợi Tết khi đất trời chuyển mùa với những cơn mưa xuân lất phất trong gió bấc ở miền Bắc và với ánh nắng thanh tao vàng ngọt ở miền Nam cùng muôn hoa nở rộ đua sắc khắp nơi nơi.

Nói đến Tết Nguyên đán của dân tộc Việt thì đồng nghĩa với sự đoàn viên, sum vầy. Người Việt dù ở đâu làm gì cũng cố gắng trở về quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn để cùng ông bà, cha mẹ, họ hàng đón Tết vui xuân. Không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết, mùi khói cay từ bếp củi đun bánh chưng bánh tét trước hiên nhà, thời khắc trầm mặc phút giao mùa đêm 30, ba ngày đầu năm rộn rã tiếng tiếng cười, lời chúc lành năm mới…mãi là ký ức đẹp trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Ông cụ Hoa Nguyễn, ở Florida, Hoa Kỳ, dù đã ngoài 80 nhưng mỗi năm ông đều sắp xếp về Lái Thiêu, Bình Dương ăn Tết. Ông cụ Hoa Nguyễn nói với RFA rằng ông rất vui vì vẫn tìm được hương vị Tết xưa:

“Là vì hồi trước tôi là hiệu trưởng trường trung học ở đây, do đó số bạn bè giáo sư cũ bây giờ cũng lớn tuổi hết rồi nhưng còn nhiều, nên về đây vui lắm, về đây gặp nhau để ôn lại những chuyện ngày xưa. Đồng thời, mọi năm tôi về để đi gọi dẫy mả (tảo mộ) ông bà vào ngày 25 Tết.”

Tết thời công nghiệp 4.0

Trong khi không ít người luôn cảm nhận cứ mỗi cái Tết đến thì lại có chút gì đó vơi đi, nhạt nhẽo hơn so với một năm trước đó và trong lúc cũng có những người tìm kiếm cho mình chút hương vị Tết của năm tháng cũ thì rất nhiều người từ trong Nam ra ngoài Bắc chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng họ đón Tết Mậu Tuất này với tâm trạng không biết diễn tả thế nào. Hòa Ái cứ nhớ mãi lời của một người dân ở Sài Gòn nói là phố hoa xuân cũng nhộn nhịp, các quầy hàng bánh mứt cũng bày bán rất nhiều, nhưng những gương mặt của người qua lại trên đường trong những ngày cuối năm cứ ngơ ngác làm sao. Phải chăng nhịp sống công nghiệp quá hối hả và bận rộn nên Tết cũng không khác ngày thường là mấy? Một người bán quầy hàng Tết cho biết tình hình mua sắm trong dịp Tết những năm gần đây:

“Mấy cái Tết sau này bán chậm lại, tại vì người ta đi mua sắm trong siêu thị hết rồi. Mì gói thì những người lười biếng ra chợ ghé mua vào ngày 30 Tết. Mấy năm nay mì gói cũng bán chậm, không bán được nữa.”

<i> <i>Mấy cái Tết sau này bán chậm lại, tại vì người ta đi mua sắm trong siêu thị hết rồi. Mì gói thì những người lười biếng ra chợ ghé mua vào ngày 30 Tết. Mấy năm nay mì gói cũng bán chậm, không bán được nữa. - Một người dân</i> </i>

Đài RFA ghi nhận trên các trang mạng xã hội xuất hiện câu nói “đang yên, đành lành bỗng dưng Tết”. Nhiều cư dân mạng còn đăng tải những hình ảnh và thông tin về sinh hoạt đón Tết Mậu Tuất như là chào bán bánh mứt Tết tự làm để bạn bè tránh mua phải thực phẩm bẩn trên thị trường, kêu gọi mua hoa chưng Tết sớm để giúp nông dân không bị ùn ứ hàng mà họ mất cả năm để vun trồng, chăm sóc với hy vọng cho một cái Tết được mùa.

Đối với đa số người dân ở Việt Nam thì Tết thời hiện đại gắn liền với những dịch vụ nhanh gọn, từ việc đặt mua bánh mứt cho đến gửi lời chúc mừng năm mới bạn bè và người thân với những mẫu có sẵn trên internet và chỉ cần nhấn nút điện thoại thì có thể cùng lúc gửi đến rất nhiều người, mà không phải đi xông đất hay thăm hỏi ngày đầu năm. Và vì do được nghỉ Tết dài ngày nên xu hướng dành thời gian đi du lịch trong dịp Tết cũng gia tăng. Trong khi đó, ngày càng cũng có nhiều người không thể nào đón Tết. Một phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết anh và phi hành đoàn thỉnh thoảng đón giao thừa trên không trung và vui Tết xa nhà:

“Thường thì chúng tôi mang theo bánh mứt và nước trái cây. Sau khi máy bay đáp xuống và trong lúc chờ hành khách lên máy bay, chúng tôi có một tiệc liên hoan nho nhỏ mừng năm mới cùng với phi hành đoàn và cùng với phi công và tiếp viên hàng không của những chuyến bay khác. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện vui trên máy bay. Đó cũng là niềm vui trong công việc của phi công.”

Trái ngược hẳn với những người vì công việc mà không thể đón Tết cùng gia đình, thì cũng còn đó rất nhiều hoàn cảnh đón 3 ngày xuân tề tựu với con cháu. Nhưng:

“Ở đây ăn Tết cũng bình thường thôi, chứ không có ai ăn xa hoa, sung sướng hết. Nhà nào khá giả, có tiền thì đôi ba ký thịt heo, gà vịt…Còn những nhà nghèo cũng một cặp vịt cúng ông bà. Chỉ có ngày mùng một thôi, chứ ngày mùng 2, mùng 3 thì giống như ngày thường rồi.”

Vừa rồi là chia sẻ của một nông dân ở Tiền Giang và cũng là hình ảnh đón Tết của nhiều gia đình khác ở các vùng thôn quê khắp Việt Nam hiện nay. Những gia đình có người thân vào các thành phố lớn bươn chải tìm kế sinh nhai hầu như không có Tết, khi việc đi lại về quê đón Tết không phải là dễ dàng.

Một trong những nghĩa cử đẹp trong những ngày Tết cố truyền thời đại công nghiệp là Tết vì cộng đồng. Nhiều người dành thời gian để làm các công tác thiện nguyện, mang niềm vui đến cho những gia đình nghèo và kém may mắn. Nhóm VNO, một nhóm các bạn sinh viên ở Sài Gòn trong hai năm qua đã cố gắng tổ chức các “chuyến xe 0 đồng” giúp đưa những người vô gia cư, người già xa xứ lâu năm, người khuyết tật, người bán vé số, hàng rong và những bạn sinh viên nghèo về các tỉnh miền Trung đón Tết. Bạn Nhi, một thành viên của nhóm VNO cho biết tổ chức được 4 chuyến xe như vậy trong dịp Tết Mậu Tuất:

“Theo như dự tính của năm ngoái tụi em tổ chức 2 chuyến xe, nhưng vì có nhiều người đăng ký quá, do hoàn cảnh của họ khó khăn, người khuyết tật cho ên tụi em xin thêm tài trợ và đã tổ chức được 4 chuyến xe. Tụi em chở cho họ về quê, tặng kèm theo 1 phần quà, gồm dầu ăn, gạo, nếp, bánh chưng…và 1 phong bì với tiền hỗ trợ cho họ trở lại thành phố. Tại vì tụi em không xin đủ chi phí nên chỉ có thể giúp họ như vậy thôi.”

Mặc dù nhắc đến Tết, nhiều người chắt lưỡi “Tết này không vui như Tết trước” với hình ảnh của tai nạn giao thông khiến hàng chục người thiệt mạng, của công nhân mỏi mòn chờ tiền lương thưởng Tết, của những xáo trộn tất bật trong sinh hoạt và giá cả đồng loạt gia tăng, nhưng hầu như ai cũng mong Tết về, vì hễ thấy hoa đào bông mai nở thì lại ngóng trông, hy vọng cho một năm mới nữa được tốt lành, an vui và sung túc.