Giáo sư luật Hoa Kỳ cố vấn pháp lý cho vụ xử T.S Nguyễn Quốc Quân

Bà Linda Malone giảng dạy tại trường luật William & Mary, đồng thời cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm về An Toàn Con Người đã tự nguyện đứng ra tư vấn pháp lý cho luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ bị bắt giữ tại Việt Nam.

0:00 / 0:00

Để hiểu thêm về động cơ cũng như một số nội dung pháp lý mà bà Malone sẽ thực hiện, Vũ Hoàng có buổi trao đổi với vị giáo sư này. Mời quí vị cùng nghe sau đây.

Hoạt động chotự do dân chủ được luật nhân quyền QT bảo vệ

Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay, chúng tôi muốn biết là những nội dung tư vấn nào bà sẽ góp ý cho luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Quốc Quân?

G.S Linda Malone: Nội dung chính về tư vấn pháp lý mà tôi sẽ hỗ trợ cho luật sư biện hộ là những vi phạm về nhân quyền khá rõ ràng trên cả góc độ bắt giam và buộc tội thân chủ. Vì vậy, trên khía cạnh chuyên môn của tôi là luật về nhân quyền thì những lời tư vấn về vi phạm nhân quyền sẽ là nội dung chủ yếu.

Vũ Hoàng: Chuyên môn của bà là về luật Hoa Kỳ, vậy kinh nghiệm tư vấn nào bà sẽ áp dụng vào trường hợp sẽ được xét xử tại Việt Nam để đảm bảo sẽ có một bản án công bằng, đặc biệt là với tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân" mà ông Quân hiện đang bị cáo buộc?

G.S Linda Malone: Thực ra thì không có nhiều nội dung luật pháp Hoa Kỳ sẽ được tôi sử dụng khi áp dụng luật nhân quyền quốc tế, bởi về nguyên tắc cơ bản thì không một ai bị bắt giữ mà không có phiên tòa nghị án hay không có người đại diện pháp luật.

Nội dung chính về tư vấn pháp lý mà tôi sẽ hỗ trợ cho luật sư biện hộ là những vi phạm về nhân quyền khá rõ ràng trên cả góc độ bắt giam và buộc tội thân chủ.

G.S Linda Malone

Hiện tại ông Nguyễn Quốc Quân đang bị giam giữ và sẽ bị đem ra xét xử tại Việt Nam và những quyền cơ bản không được bảo đảm. Tội danh mà Việt Nam cáo buộc ông Quân là vô căn cứ, những hoạt động của ông là thúc đẩy tự do dân chủ ở Việt Nam được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ. Theo tôi, đây sẽ là trường hợp đặc biệt, vì thế chúng tôi muốn được công luận quan tâm và muốn được quốc tế chú ý đến phiên xử này.

Hơn nữa, chúng tôi cũng đang tìm cách liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để gây sức ép lên chính quyền Việt Nam để yêu cầu trả tự do ngay tức khắc cho ông.

Bà Linda Malone giảng dạy tại trường luật William and Mary, đồng thời cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm về An Toàn Con Người. RFA
Bà Linda Malone giảng dạy tại trường luật William and Mary, đồng thời cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm về An Toàn Con Người. RFA (RFA)

Trong bản cáo trạng, phía Việt Nam cũng cho thấy ông Quân không sử dụng bạo lực mà chỉ là những biện pháp ôn hòa để đòi hỏi có những cải cách dân chủ ở Việt Nam. Ông Quân chỉ viết và phát tán các bài viết trên mạng, thế nhưng phía chính quyền Việt Nam lại cho rằng đó là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.” Việc kết tội này chắc chắn là đi ngược lại với các chuẩn mực quốc tế, bởi đó là quyền tự do ngôn luận và tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân.

Vũ Hoàng: Như chúng tôi được biết, thì ông Nguyễn Quốc Quân gần đây đã tuyệt thực để phản đối lại việc kết án, vậy theo bà thì đó là sẽ lợi một lợi điểm hay bất lợi với phiên xử?

G.S Linda Malone: Việc ông Quân tuyệt thực diễn ra từ hôm 19 và kết thúc vào hôm 27/11, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có tác dụng một phần nào đó vì nó đã giúp ông lần đầu tiên được phép gặp người đại diện pháp lý cho mình kể từ khi ông bị bắt giữ hồi tháng 4. Như vậy, tính đến nay ông bị bỏ tù một cách tùy tiện đã 7 tháng mà không có bất kỳ một phiên tòa xét xử cũng như bị khước từ quyền được có người đại diện pháp lý; cơ quan duy nhất được tiếp cận là Cố vấn Ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo những điều khoản cơ bản nhất của luật nhân quyền, ông Quân phải có một phiên xử công bằng và đầy đủ để đánh giá tính pháp lý nếu ông vẫn còn tiếp tục bị giam giữ. Như vậy, với việc ông Quân tuyệt thực thì nó càng cho thấy sự khẩn thiết vì sự khó khăn về mặt pháp lý mà ông đang gặp phải.

Phiên xử được sự quan tâm của truyền thông quốc tế

Vũ Hoàng: Vâng, thưa bà, khi trường hợp của ông Quân thu hút được sự quan tâm của truyền thông quốc tế, thì bà nghĩ điều này sẽ có ảnh hưởng ra sao đến phiên xử của ông Quân?

Khi một phiên xử được công luận quan tâm chắc chắn sẽ buộc Việt Nam phải thực thi bản án theo thông lệ của nhân quyền quốc tế, chứ không phải muốn làm gì là làm.

G.S Linda Malone

G.S Linda Malone: Chắc chắn là khi các phương tiện truyền thông vào cuộc thì sẽ giúp được rất nhiều cho bản án của ông Quân, điều quan trọng nhất là việc bắt giữ ông đã được công luận tập trung chú ý. Khi một phiên xử được công luận quan tâm chắc chắn sẽ buộc Việt Nam phải thực thi bản án theo thông lệ của nhân quyền quốc tế, chứ không phải muốn làm gì là làm.

Tôi cũng xin nhắc thêm ở đây là cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã từng lên tiếng về trường hợp bắt giữ ông Nguyễn Quốc Quân và tôi hi vọng là tiếp theo những gì đang diễn ra hiện nay, chúng ta sẽ có được một bản án công bằng.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn bà, trước khi cuộc phỏng vấn này, bà có thêm bất kỳ một điều gì để gửi thêm đến thính giả của đài ACTD không ạ?

G.S Linda Malone: Tôi cho rằng bất kỳ những ai có quan tâm đến bản kết tội ông Quân và thấy rằng đó là phi lý thì nên liên lạc với các vị dân biểu nơi mình đang sinh sống hoặc liên lạc với Bộ Ngoại giao, các vị có thể viết thư hoặc gọi điện thoại. Xin đừng nghĩ rằng việc mình làm là không thể thay đổi được điều gì, mà trên thực tế, bất kỳ một hành động nào của quý vị cũng sẽ giúp thay đổi được kết cục.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn bà.

Xin được nhắc lại, ông Nguyễn Quốc Quân là nhà đấu tranh dân chủ, ông bị bắt giam tại Việt Nam hôm 17/4 khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất với một số tài liệu trong máy tính xách tay và theo đó, ông Quân bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Bà Linda Malone là Giáo Sư Luật của Sáng Hội Marshall Wythe tại trường luật William & Mary. Bà cũng là thành viên của ban giám đốc Hiệp Hội Quốc Tế Cải Cách Luật Hình Sự và đã có nhiều bài viết cũng như sách tham khảo về luật quốc tế, nhân quyền và luật môi trường được công bố. Trước đây bà đã từng cố vấn cho Bosnia Herzeegovina về tội diệt chủng của Serbia và Montenegro trước Tòa Án Thế Giới.

Theo dòng thời sự: