Những “bóng mây qua trời” vì dân chủ: Họ là ai?

0:00 / 0:00

Ma Kyal Sin-Một “bóng mây qua trời” vì dân chủ

“Tiếc thương em, bóng mây qua trời!”

Luật sư Lê Luân đã chia sẻ những lời này trên trang Facebook cá nhân của ông.

Luật sư Lê Luân bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với cô gái trẻ người Miến Điện-Ma Kyal Sin, vừa ngã xuống vì một viên đạn bắn tỉa từ phía quân đội Myanmar. Ông viết rằng “Và viên đạn đã giết chết cô gái sau đó. Nhưng đó là cái chết bất tử và làm hồi sinh những điều lớn lao cho con người. Nhìn cô ấy, tôi thấy buồn thương vô hạn”.

Truyền thông quốc tế loan tin Ma Kyal Sin, một vũ công, 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình của người dân Myanmar vào hôm 3/3. Ma Kyal Sin là một trong số ít nhất 38 người Miến Điện bị thiệt mạng trong ngày hôm đó.

Nữ nhà báo độc lập Sương Quỳnh, vào tối ngày 5/3 lên tiếng với RFA về cái chết của Ma Kyal Sin:

“Theo cá nhân tôi thì đấy là một tấm gương hy sinh rất đẹp và bất tử. Bởi vì một cô gái xinh đẹp của Miến Điện mà dám xuống đường vì đất nước để đòi dân chủ và hy sinh vì một viên đạn bắn tỉa vào đầu như thế. Tôi nghĩ rằng toàn thế giới đều xúc động trước cái chết của cô gái trẻ đó. Và đấy là tấm gương hy sinh vì đất nước, vì tự do dân chủ rất đáng ngưỡng mộ. Thật sự, tôi rất xúc động.”

Người sáng lập và chủ tịch điều hành Công ty Văn hóa Sáng tạo First New-Trí Việt, ông Nguyễn Văn Phước, viết trên trang Facebook của ông rằng “Tôi đã nhận ra nhiều thiên thần Chu Đình (Agnes Chow Ting) nổi tiếng Hong Kong xuất hiện ở đất nước Miến Điện bình dị, ít người biết. Họ là những cô gái trẻ có học, xinh đẹp và không biết sợ tà quyền, không sợ đánh đập và bất chấp hiểm nguy chết người đã xuống đường đấu tranh cho nền dân chủ trên quê hương họ, cho người dân của họ”.

Theo với tấm gương cô gái Ma Kyal Sin thì đó là sự động viên tinh thần rất lớn đối với tôi. Bởi vì đó không phải tương lai của một Việt Nam, mà là tương lai của các xã hội thuộc những đất nước đang đòi dân chủ bây giờ. Và dù đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo như nhiều người đánh giá là đang bị chững lại hoặc có ít bạn trẻ quá, nhưng mà với cá nhân tôi thì dù không có ai, còn một mình, tôi vẫn đấu tranh. Tôi không nhục chí gì cả. Tuy nhiên, đấu tranh theo từng cách của mình. Bởi vì tôi chỉ nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận để mình lên tiếng. Vậy thôi-Nhà báo Sương Quỳnh

000_9493G4.jpg
Người dân Miến Điện đưa tiễn cô Ma Kyal Sin trong đám tang được tổ chức ngày 4/3/2021. AFP

Chu Đình (Agnes Chow Ting)-Một tinh thần dân chủ được lan tỏa

Nữ sinh viên Chu Đình, 25 tuổi là một khuôn mặt nổi bật trong các cuộc xuống đường đòi dân chủ cho xứ Cảng Thơm kể từ phong trào Dù Vàng bùng phát hồi năm 2014.

Chu Đình được cộng đồng quốc tế biết đến như là thế hệ các nhà hoạt động dân chủ mới ở Hong Kong. Cô bắt đầu tham gia vào chính trị khi bước vào tuổi vị thành niên. Tiếng nói đấu tranh của cô cùng một số các sinh viên “thủ lĩnh” như Hoàng Chí Phong, La Quán Thông ngày càng vang xa khỏi biên giới Hong Kong.

Nữ sinh viên Chu Đình bị Chính quyền Hong Kong bắt giữ hồi đầu trung tuần tháng 8/2020, dưới cáo buộc kích động ly khai, theo Luật An ninh Quốc gia mới của Hong Kong, được ban hành ngày 30/6/2020.

Mặc dù phong trào biểu tình vì dân chủ của giới trẻ và người dân Hong Kong bị dập tắt, các thủ lĩnh sinh viên Hong Kong bị bỏ tù nhưng tinh thần đấu tranh bất khuất như của Chu Đình vì lý tưởng tự do dân chủ đã lan tỏa đến giới trẻ ở những nước trong khu vực như Thái Lan và Myanmar.

Sự kiện cô gái trẻ Ma Kyal Sin và hơn 30 người dân Miến Điện bị thiệt mạng vào ngày 3/3 được Liên Hiệp Quốc mô tả là “đẫm máu nhất” kể từ khi cuộc đảo chính Chính quyền dân sự ở Myanmar, xảy ra cách nay một tháng.

f7a05465-209c-4dc3-a7cf-5b16d225aa17.jpeg
Nữ sinh viên Chu Đình bị Chính quyền Hong Kong bắt giam ngày 10/8/2020. AP

Tâm tình của những phụ nữ đấu tranh cho dân chủ Việt Nam

Nhà báo tự do Sương Quỳnh bộc bạch với RFA:

“Theo với tấm gương cô gái đó thì đó là sự động viên tinh thần rất lớn đối với tôi. Bởi vì đó không phải tương lai của một Việt Nam, mà là tương lai của các xã hội thuộc những đất nước đang đòi dân chủ bây giờ. Và dù đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo như nhiều người đánh giá là đang bị chững lại hoặc có ít bạn trẻ quá, nhưng mà với cá nhân tôi thì dù không có ai, còn một mình, tôi vẫn đấu tranh. Tôi không nhụt chí gì cả. Tuy nhiên, đấu tranh theo từng cách của mình. Bởi vì tôi chỉ nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận để mình lên tiếng. Vậy thôi! Còn kết quả đạt được mức độ như thế nào thì thực sự mình không có hy vọng gì quá nhiều.”

Nhiều năm dấn thân trên con đường đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam cùng với trải nghiệm của một phụ nữ trung niên, nhà báo Sương Quỳnh ghi nhận phong trào dân chủ ở Việt Nam, Hong Kong, Thái Lan, Myanmar còn rất nhiều cam go cũng như còn rất nhiều những cái cái giá phải đánh đổi, kể cả tù đày lẫn mạng sống của nhiều người.

Tại Việt Nam, trong số hơn 270 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, có không ít những phụ nữ phải gánh chịu những bản án tù đày nặng nề.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn, là một trường hợp điển hình. Cô gái trẻ này phải thụ án tám năm tù, với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự cũ. Hay nữ nhà báo Phạm Đoan Trang, đang bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ mà tổ chức One Free Press Coalition (OFPC) đưa trường hợp của cô vào trong danh sách 10 trường hợp khẩn cấp về tự do báo chí.

Nữ nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của các cuốn sách như “Chính Trị Bình Dân”, “Cẩm Nang Nuôi Tù”. Cô Phạm Đoan Trang được nhận hai giải thưởng về nhân quyền bao gồm Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Giải thưởng Homo Homini năm 2017 của tổ chức People In Need.

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, sau khi được Hội đồng Giải Văn Việt bình chọn trao giải thưởng lần thứ sáu cho tác phẩm “Những mảnh đời sau song sắt”, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook và chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Khi cuốn sách được in ra, nó đã là danh thiếp chung của những người Việt chúng ta qua một giai đoạn cam go, và rồi chắc sẽ còn cam go nữa. Sách và giải thưởng hôm nay, với tôi, là niềm vui nhưng đó cũng là lời mời gọi những nhà văn, những cây bút chuyên nghiệp hãy đặt xuống sức mạnh quan sát và niềm hy vọng tự do của mình để người Việt còn một cơ may nhìn lại, đọc lại, nghe lại sự thật trên đất nước mình.”

Phạm Thanh Nghiên cũng chia sẻ về sự hy sinh của cô gái trẻ Miến Điện-Ma Kyal Sin, còn có tên gọi khác là Angel. Phạm Thanh Nghiên viết:

“Angel đã đấu tranh để bảo vệ các giá trị dân chủ cho quê hương cô nhưng tinh thần và sự hy sinh của cô gái trẻ đã vượt ra khỏi biên giới đất nước Myanmar, chạm đến trái tim của hàng triệu người, trong đó có những người Việt Nam khác tiếng nói, khác dòng máu nhưng giống nhau về kiếp đọa đày.”

ThuDo.jpg
Cô Đỗ Thị Thu, một phụ nữ trẻ vừa tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Hình do Đỗ Thị Thu cung cấp.

Bởi vì họ (chính quyền) bắt cả ba người trong gia đình em, thế nên em không biết tinh thần ở đâu ra, tự nhiên cứ trỗi dậy. Em thấy những việc trong gia đình em làm đều là đấu tranh cho sự thật. Em thấy cả ba người trong gia đình em bị bắt quá oan khuất. Thế nên em tiếp tục theo con đường của người thân trong đình để cất lên tiếng nói sự thật-Cô Đỗ Thị Thu

Những người phụ nữ dám công khai lên tiếng về những bất công xã hội tại Việt Nam vừa có thêm cái tên Đỗ Thị Thu. Cô là vợ của nhà hoạt động dân chủ Trịnh Bá Phương và là con dâu của nhà hoạt động vì đất đai Cấn Thị Thêu.

Cô Đỗ Thị Thu tâm tình với RFA vì sao chọn lựa con đường này:

“Bởi vì họ (chính quyền) bắt cả ba người trong gia đình em, thế nên em không biết tinh thần ở đâu ra, tự nhiên cứ trỗi dậy. Em thấy những việc trong gia đình em làm đều là đấu tranh cho sự thật. Em thấy cả ba người trong gia đình em bị bắt quá oan khuất. Thế nên em tiếp tục theo con đường của người thân trong đình để cất lên tiếng nói sự thật.”

Không ai có thể biết chiếc áo thun đen in dòng chữ trắng “Everything will be OK” (tạm dịch “tất cả đều sẽ ổn thôi”) mà cô gái Ma Kyal Sin mặc trong ngày cô xuống đường biểu tình và bị tử nạn có phải là chủ đích của cô với thông điệp rằng mọi điều sẽ “ổn” cho dân tộc Miến Điện hay không. Thế nhưng, có thể nói một điều chắc rằng những con người “tay yếu chân mềm” như Chu Đình, Ma Kyal Sin cùng nhiều phụ nữ Việt Nam như cô Đỗ Thị Thu nhận biết rõ mục đích và con đường họ chọn vì giá trị dân chủ trên địa cầu.

“Em thấy những việc gia đình em làm là một phần nhỏ bé giúp cho tương lai của đất nước được tươi sáng hơn.”