Nhiều chính trị gia trên thế giới đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và dừng mọi bắt bớ và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến.
Lá thư của 8 dân biểu Hoa Kỳ gửi đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, từ văn phòng của Dân biểu Alan Lowenthal, vào ngày 18 tháng 12 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên các Dân biểu nêu rõ biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Việt Nam bị cho là vi phạm quyền con người. Biện pháp đó là áp dụng Luật Magnitsly đối với 8 thành viên bị nêu tên của Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Những người bị tố cáo đánh đập, tra tấn tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa gồm: Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Đại uý Nguyễn Văn Sáng, Trung uý Lê Anh Đức, Đại uý Trần Anh Đức, Đại tá Nguyễn Huy Chương, Thiếu tá Trương Quang Quốc, Thiếu uý Bùi Xuân Đạt, và Đại uý Nguyễn Đình Đức.
Mục đích của việc tra tấn nhằm buộc anh Nguyễn Văn Hóa nhận tội sau khi bị bắt. Thanh niên trẻ này bị bắt chỉ vì quay phim, truyền đi hình ảnh những cuộc biểu tình chống Formosa, công ty đã thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển miền Trung Việt Nam hồi tháng 4 năm 2016.
Các Dân biểu Hoa Kỳ ký tên vào lá thư gửi hai bộ trưởng Pompeo và Mnuchin bày tỏ mong muốn các biện pháp trừng phạt có mục tiêu sẽ có tác động. Vào thời điểm mà chính phủ Việt Nam đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và sản phẩm của Mỹ, phải kiên quyết bảo vệ mạnh mẽ quyền con người và pháp quyền.
Liệu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đáp ứng yêu cầu của các vị Dân biểu không? một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời Đài Á Châu Tư Do qua điện thư rằng:
“Chúng tôi không cho biết trước về khả năng có thể trừng phạt”.
Về phía chính quyền Hà Nội, Đài Á Châu cũng đã gọi Bộ Công an để hỏi về vụ việc nhưng người trả lời điện thoại cúp máy, sau đó không trả lời đường dây nữa.
Ông Sơn Trần, một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ từ London, Anh Quốc, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa như sau:
"Trường hợp Nguyễn Văn Hóa mình biết được những sự tra tấn đó do chính miệng anh Nguyễn Văn Hóa tố cáo và những bức thư mà gia đình của anh khi vào thăm đem ra ngoài tố cáo. Ví dụ như là họ treo ngược anh ấy lên trần nhà để họ đánh đập. Mình nắm những cái sự kiện thật như vậy. Trường hợp này có rất nhiều sự tra tấn mà đã được chính giới Hoa Kỳ nhận những tài liệu từ nhóm công tác Magnitsky cho nên họ biết và họ chọn Nguyễn Văn Hóa vì đã có những sự kiện cụ thể".
Đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) quy định chế tài với các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Gần đây nhất, vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã liệt kê Wan Kuok-koi, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và là trùm băng nhóm 14K vào danh sách trừng phạt.
Đạo luật Magnitsky chưa từng được áp dụng đối với quan chức chính quyền Việt Nam, nhưng ông Sơn lập luận rằng, tính răn đe của nó sẽ buộc các viên chức vi phạm nhân quyền phải cân nhắc hành động của họ kỹ hơn.
"Luật Magnitsky có hai hình phạt đối với những người tra tấn tù nhân, dù là tù nhân lương tâm hay hình sự . Điều thứ nhất là họ sẽ đóng băng cả các tài sản, nếu có, của những người đó ở Hoa Kỳ và ở các nước dân chủ. Họ cấm những người đó không được nhập cảnh vào Hoa kỳ dù cho là đi công tác nhà nước và họ không cho con cháu hay là thân nhân những người đó được phép tới Hoa Kỳ, dù là để du học hay bất cứ vấn đề gì khác . Thứ hai là những tài sản của những người đó mà thủ đắc bất hợp pháp cũng bị đóng băng .
Cái răn đe này theo tôi nghĩ nó rất có hiệu quả là bởi vì phần lớn những cán bộ giàu sang ở Việt Nam đều muốn đưa con qua Hoa Kỳ du học, muốn con mình mua tài sản, mua nhà cửa ở Hoa Kỳ để họ hạ cánh an toàn xã hội sau khi nghỉ hưu ".
Cựu Tù Nhân Lương Tâm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì nhận định khác về luật Magnitsky:
"Với cơ chế, hệ thống của nhà cầm quyền CSVN, tức là một cơ chế toàn trị, thì trách nhiệm về những hành động như tra tấn, bắt giam, cầm tù những người đấu tranh, là của cơ chế tập thể cho nên việc nói là nó có ảnh hưởng lớn đến việc ngăn chặn hoặc dừng các việc đó lại thì rất là khó. Có thể hạn chế thì có thể có, nhưng để mà có hiệu quả tốt thì không có nhiều".
Cô Nguyễn Xoan, con dâu của TNLT Lê Đình Lượng, qua ứng dụng chat, nêu ra những hạn chế của đạo luật:
"Hiện nay hầu hết những quan chức VN đều có con cháu và thân nhân du học và định cư ở nước ngoài rất nhiều nên em nghĩ luật Magnitsky là 1 điểm yếu của họ.
Ai cũng biết ở Việt Nam, những cán bộ tra tấn tinh thần lẫn thể xác của TNLT và thân nhân của TNLT cùng những người bất đồng chính kiến đã không phải là điều lạ. Nhưng có một hạn chế khi áp dụng để trừng phạt các cán bộ vi phạm ở VN là: tất cả những nơi các cán bộ công an làm việc đều bị cấm quay phim chụp hình nên để ghi âm, hoặc quay video để làm bằng chứng vô cùng khó khăn và nếu bị phá hiện sẽ rất nguy hiểm”.
"Trường hợp Nguyễn Văn Hóa mình biết được những sự tra tấn đó do chính miệng anh Nguyễn Văn Hóa tố cáo và những bức thư mà gia đình của anh khi vào thăm đem ra ngoài tố cáo cái trường hợp tra tấn. Ví dụ như là họ treo ngược anh ấy lên trần nhà để họ đánh đập. Mình nắm những cái sự kiện thật như vậy. Trường hợp này có rất nhiều sự tra tấn mà đã được chính giới Hoa Kỳ nhận những tài liệu từ nhóm công tác Magnitsky cho nên họ biết và họ chọn Nguyễn Văn Hóa vì đã có những sự kiện cụ thể". -Ông Sơn Trần
Còn bà Nguyễn Thị Chương, vợ của TNLT nhà thơ Nguyễn Đức Thạch, người vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế thì cho rằng mọi áp lực lên chính quyền CSVN là tốt:
“Một cái đảng độc quyền, đối với tù nhân, người đấu tranh ở ngoài cũng vậy, thì mọi áp lực từ mọi phía từ kinh tế đến tinh thần đều bị áp lực hết. Chị người nông thôn, không hiểu được nhiều lắm đâu, nhưng nếu mà các nước mà can thiệp được thì tốt chứ sao.”
Được biết đã có xấp xỉ 40 quốc gia ban hành những luật tương tự, nên được cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại nỗ lực vận động tại các quốc gia như Canada, Anh, Pháp, v.v.
Một trong những tổ chức cũng có nỗ lực tương tự là tổ chức Cứu người Vượt biển (BPSOS). Tổ chức này hàng năm nộp hồ sơ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đến các chính quyền đang thực thi luật Magnitsky.
Trong một bản tin đề ngày 2 tháng 12, BPSOS nhận định:
“Chưa cần biết là các chính phủ ở các quốc gia có luật Magnitsky sẽ xử lý hồ sơ đề nghị chế tài ra sao, các hồ sơ này tự chúng đã có công dụng tố cáo tội ác với các chính quyền và với các tổ chức quốc tế về nhân quyền đang khai dụng luật Magnitsky”.
Ông Sơn Trần cho rằng luật Magnitsky là cơ hội cho người đấu tranh và cả những người dân thấp cổ bé họng tham gia, thu thập thông tin, dữ liệu cụ thể để chuyển đến các tổ chức như nhóm của ông Sơn Trần. Ông tin rằng, trong tương lai sẽ phát triển thêm những tổ chức xã hội dân sự trong nước hợp tác với bên ngoài để tiếp tục đưa ra những báo cáo về những quan chức vi phạm nhân quyền hoặc thủ đắc tài sản phi pháp.