Marcelino Trương, sáng tác truyện tranh để nhìn đúng hình ảnh những người Việt không cộng sản

0:00 / 0:00
Bìa một tác phẩm của Marcelino Trương.
Bìa một tác phẩm của Marcelino Trương. (Marcelino Trương.)

Họa sĩ vẽ truyện tranh Marcelino Trương (tên Việt Nam là Trương Lực) là một người Pháp gốc Việt, là người đưa nhiều chủ đề về Việt Nam, cũng như cuộc chiến Việt Nam vào những tác phẩm truyện tranh của ông. Ông có khi vừa là tác giả câu chuyện, vừa là người vẽ minh họa cho những câu chuyện đó. Ông cũng vẽ nhiều sách tranh cho trẻ em.

Marcelino vốn lại là một người đến với truyện tranh không phải qua trường lớp, mà bằng lòng ham mê vẽ tranh, và nhất là tình yêu đối với quê hương Việt Nam.

Từ St Malo, Pháp, họa sĩ Trương Lực dành cho Kính Hòa câu chuyện sau đây về sự nghiệp vẽ tranh cũng như hoài niệm về quê hương Việt Nam của ông. Cuộc trao đổi này cũng là một cố gắng của ông khi trình bày bằng tiếng Việt, ngôn ngữ mà ông chỉ biết rất ít.

Kính Hòa: Ông bắt đầu vẽ truyện tranh khi nào, và tại sao?

Marcelino Trương: Tôi bắt đầu sáng tác truyện tranh vào năm một ngàn chín trăm tám mươi ba (1983), lúc tôi hai mươi lăm tuổi. Tôi không có học gì về nghệ thuật cả, tôi chỉ học về chính trị và tiếng Anh ở trường Sorbonne. Việc vẽ là tôi tự học thôi.

Tôi vừa vẽ vừa học, lúc đầu cũng khó khăn lắm, không được tự tin nữa, vì bắt đầu từ số không mà.

Tôi thích vẽ truyện tranh vì nó cho tôi kể lại những câu chuyện. Bên Pháp truyện tranh thành công lắm, người lớn cũng đọc truyện tranh, với những câu chuyện rất hay.

Lúc đầu tôi muốn kể câu chuyện chinh phục thuộc địa ở Việt Nam, nhưng chủ đề đó lớn quá, tôi không đủ sức làm.

Vài năm sau tôi vẽ được hai truyện dành cho người lớn, dựa vào câu chuyện gia đình tôi sống như thế nào thời chiến tranh Việt Nam. Qua câu chuyện đó, nhất là chuyện về cha tôi, Trương Bửu Khánh, tôi muốn kể câu chuyện những người Việt Nam không cộng sản. Họ thường bị hiểu lầm, hay xem thường. Đó là một sự bất công mà tôi muốn xóa đi theo cách của tôi.

Kính Hòa: Chủ đề yêu thích của anh là về Việt Nam, trong khi đó kinh nghiệm sống của anh về Việt Nam lại không nhiều bằng ở phương Tây?

Marcelino Trương: Vâng tôi sống ở Việt Nam rất ít, chỉ từ năm một ngàn chín trăm sáu mươi mốt (1961) cho đến một ngàn chín trăm sáu mươi ba (1963). Sau năm một ngàn chín trăm chín mươi mốt tôi có trở về nhiều lần. Nhưng mà Việt Nam chiếm một phần quan trọng trong các tác phẩm của tôi.

Tôi đã ca ngợi thành phố Sài Gòn trong tác phẩm đầu tiên của tôi tên là Une si jolie petite guerre. Từ năm một ngàn chín trăm chín mươi mốt, khi tôi khám phá trở lại nước Việt Nam, tôi ngây ngất vì đất nước này, đó là khoảnh khắc rất mạnh mẽ trong cuộc đời tôi.

Khi tôi khám phá trở lại nước Việt Nam, tôi ngây ngất vì đất nước này, đó là khoảnh khắc rất mạnh mẽ trong cuộc đời tôi.<br/>-Họa sĩ Marcelino Trương.

Mặc dù tôi nói tiếng Việt ít, nhưng cha tôi dạy tôi theo cách Việt Nam, tức là một kiểu sống theo phương Đông châu Á.

Và lịch sử hiện đại của Việt Nam là một nguồn cảm hứng sáng tác của tôi.

Kính Hòa: Ông hãy kể cho tôi nghe về thành phố Sài Gòn đi!

Marcelino Trương: Trong truyện của tôi, tôi nói về Sài Gòn nhiều lắm. Đó là một thành phố xinh đẹp và nhộn nhịp.

Chúng tôi sống ở một căn nhà số bốn mươi hai đại lộ Nguyễn Huệ, bây giờ nó vẫn còn đó.

Tôi rất thích đi chơi cùng anh chị em tôi với chú Ba lái xe, mà chú lái xe còn ít hơn là chơi với tụi tôi nữa, chú dẫn chúng tôi đi sở thú, đi xem phim, đi bơi, chú dẫn chúng tôi sục sạo khắp Sài Gòn.

Trong truyện của tôi, tôi cũng có kể lại chuyện chính trị, chuyện quân sự, trong những năm một ngàn chín trăm sáu mươi mốt, sáu mươi ba. Cha tôi lúc đó làm Giám đốc Việt tấn xã và là thông dịch viên của Tổng thống Diệm.

Chúng tôi sống an toàn ở Sài Gòn, nhưng mà cũng có những vụ tấn công như vào tháng hai năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai, hay là biến cố Phật giáo năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba.

Kính Hòa: Ông có suy nghĩ gì về Việt Nam hiện nay và tương lai của nó không?

Marcelino Trương: Việt Nam hiện nay sống dưới một chế độ kỳ lạ. Họ bắt chước nước Tàu cộng sản nhiều chuyện. Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng mà quyền chính trị vẫn nằm trong tay một đảng duy nhất, và cái đảng đó không chấp nhận những sự thay đổi.

Tôi nghĩ là Việt nam sẽ tốt hơn với một chế độ đa đảng, có những sự thay đổi bằng cách hòa bình, bằng những cuộc bầu cử.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông.