“Tư duy nhiệm kỳ”
Gần đây thông tin về việc một lãnh đạo doanh nghiệp vốn nhà nước bổ nhiệm một lúc hơn 70 cán bộ khi sắp về hưu, lại khiến dư luận nóng lên đối với tình trạng “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ mong “vơ vét trước” trước khi về hưu.
Tuần qua báo chí loan tin ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), đã ký quyết định bổ nhiệm 76 cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trong cùng 1 ngày 19 tháng 6 năm 2018, chỉ trước khi ông Hùng về hưu khoảng một tháng.
Nhận xét về việc này, Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho Đài Á Châu Tự Do biết:
Tôi thấy trường hợp này đáng phải xem xét và làm rõ nguyên nhân trách nhiệm và xử lý một cách nghiêm túc, để ngăn chặn 'tư duy nhiệm kỳ' hay là 'chuyến tàu vét' mà dư luận lâu nay rất là phản ứng.<br/>-Lê Văn Cuông
“Tôi thấy trường hợp của ông Hùng này cũng nằm trong tình trạng tranh thủ lúc ra về để bổ nhiệm những đối tượng thuộc dạng chạy chọt, hoặc trả ơn, hoặc tạo mối quan hệ. Như vậy đây là vấn đề trục lợi và vi phạm các quy định của nhà nước về vấn đề bổ nhiệm cán bộ. Cho nên tôi thấy trường hợp này đáng phải xem xét và làm rõ nguyên nhân trách nhiệm và xử lý một cách nghiêm túc, để ngăn chặn ‘tư duy nhiệm kỳ’ hay là ‘chuyến tàu vét’ mà dư luận lâu nay rất là phản ứng.”
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc ông Lê Mạnh Hùng trước khi về hưu mà bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để làm rõ và xử lý một cách nghiêm túc, đảm bảo quy định của pháp luật được nghiêm minh.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đưa ra lời giải thích của mình:
“Họ có giải trình là việc bổ nhiệm này họ có từ năm 2016. Nhưng năm đó không làm được vì Chủ tịch Hội đồng quản trị khi đó là ông Nguyễn Nguyên Hùng nghỉ hưu. Sau đó đến tháng 4 năm 2017 thì người ta bổ nhiệm ông Lại Xuân Thanh nguyên Cục trưởng Hàng không Việt Nam sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng công ty này là từ một doanh nghiệp nhà nước chuyển thành một doanh nghiệp cổ phần, cho nên nó cần lộ trình thanh đổi về nhân sự. Từ tháng 7 năm 2017 đến bây giờ người ta mới làm được việc bổ nhiệm.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Tổng công ty Hàng không Việt Nam bây giờ là công ty cổ phần và cách bổ nhiệm người khó hơn là cách bổ nhiệm nhân sự của doanh nghiệp nhà nước, ông nói tiếp:
“Việc cụ thể của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cách bổ nhiệm phải được thông qua hội đồng quản trị một cách chắc chắn. Khi người ta đã làm như vậy, thì khó có thể nói là có một cái gì đó sai.”
Không biết do chủ ý hay vì trong cùng một ngày phải ký quá nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ, mà qua hình ảnh giấy bổ nhiệm lan truyền trên mạng xã hội, chúng tôi thấy có quyết định ông Lê Mạnh Hùng ký mà không ghi ngày ra quyết định như quyết định bổ nhiệm Phó trưởng phòng Đào tạo – Huấn luyện thuộc Ban Tổ chức – Nhân sự.
Ngoài ra, trong các quyết định bổ nhiệm cán bộ của ông Hùng, có một số phòng được ký bổ nhiệm cùng lúc 3 lãnh đạo gồm trưởng phòng và 2 phó phòng. Thậm chí, có phòng chỉ làm nhiệm vụ văn thư cũng có đến 2 cán bộ lãnh đạo.
Ông Lê Văn Cuông cho biết thêm:
“Trước đây cũng có vụ nguyên Tổng thanh tra chính phủ bổ nhiệm vụ trưởng, vụ phó của Tổng thanh tra chính phủ, nhưng mà nói về con số cụ thể thì trường hợp cùng một lúc bổ nhiệm một loạt 76 cán bộ như thế này đối với cơ quan trung ương có thể nói là chưa từng có.”
Cần kiểm soát chặt chẽ
Sau khi thông tin liên quan chuyện bổ nhiệm tại ACV được báo chí loan tải, vào ngày 9 tháng 7 năm 2018, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam báo cáo, đồng thời giao Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra.
Cho đến ngày 13 tháng 7, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức công bố Quyết định số 1500/QĐ về việc thanh tra trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty ACV và về công tác bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2016 đến nay và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung thanh tra, trong đó có đợt bổ nhiệm mà báo chí đã nêu vừa qua.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc qua điện thoại với Cơ quan Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải trụ sở tại số 80 đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào ngày 11 tháng 7 năm 2018 để hỏi về tiến trình xử lý vụ việc và được người đại diện cho biết như sau:
“Tiến trình thanh tra thì theo thông tin của tôi biết là Bộ trưởng chỉ đạo như thế nhưng cũng đang triển khai quy trình. Bao giờ có kết quả thì sẽ thông tin cụ thể, vì thanh tra phải theo luật. Luật thì theo tôi nghiên cứu luật thanh tra là đối với cấp bộ thì đoàn thanh tra sẽ không kéo dài quá 45 ngày làm việc.”
Nhiều trường hợp trước khi về hưu bổ nhiệm một loạt cán bộ, gây ra dư luận không tốt, để lại hậu quả cho người kế thừa trong việc quản lý cán bộ. Nhất là tình hình hiện nay vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy việc xảy ra, cho nên dư luận rất nghi ngờ sự tiêu cực phía sau việc bổ nhiệm đó.<br/>-Lê Văn Cuông
Như vừa nêu, đây không phải là lần đầu tiên việc một lãnh đạo trước khi về hưu bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc được cho có tính "chuyến tàu vét" trước khi nghỉ hưu, nhằm kiếm lợi lộc từ những người mình bổ nhiệm, thăng thưởng, liên tục xảy ra.
Trong tháng 7 năm 2018 báo chí cũng rộ lên tin tức liên quan ông Lê Như Tuấn, cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự trước khi về hưu. Sau đó, đã có 4 quyết định đã bị bãi bỏ, Riêng ông Tuấn chỉ bị đề nghị xem xét kỷ luật.
Ngoài ra vài năm trước, cũng xảy ra một vụ tai tiếng tương tự khi Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, trước khi về hưu đã ký bổ nhiệm hàng loạt nhân sự không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí “nhiều người mơ ước” ở các phòng ban thuộc thẩm quyền. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi ông đã nghỉ hưu và hình thức kỷ luật dành cho ông Truyền cũng chỉ là khiến trách.
Nổi trội nhất là chuyện ông Vũ Huy Hoàng, khi gần hết nhiệm kỳ Bộ trưởng tại Bộ Công Thương, ông cũng bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao, những nhân sự do ông “nâng đỡ” như Trịnh Xuân Thanh thì bị kết án, Vũ Đình Duy thì đang bị truy nã. Sau đó ông Vũ Huy Hoàng cũng bị mất tư cách là nguyên bộ trưởng.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Cuông đưa ra nhận định:
“Lâu nay cũng đã có nhiều trường hợp trước khi về hưu bổ nhiệm một loạt cán bộ, gây ra dư luận không tốt, để lại hậu quả cho người kế thừa trong việc quản lý cán bộ. Nhất là tình hình hiện nay vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy việc xảy ra, cho nên dư luận rất nghi ngờ sự tiêu cực phía sau việc bổ nhiệm đó.”
Theo Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, việc các quan chức trước khi về hưu bổ nhiệm, phong chức tùy tiện là do họ được sử dụng quyền lực nhưng không chịu sự kiểm soát chặt chẽ nào cả. Ông cho rằng, nhà nước cần giám sát, kiểm tra về mặt thực thi các quyết định và giám sát quyền lực của tất cả các cá nhân trong hệ thống hành chính nhà nước, thì mới mong bỏ được vấn nạn “tư duy nhiệm kỳ”.